Chi tiết và ám ảnh, chất liệu truyện của Elena đủ khiến người đọc ngỡ ngàng. Nhiều lúc như quên mất bà là một tác giả người Ý.
Elena Pucillo Truong không phải là một cái tên quá xa lạ. Bà từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2015 với tập truyện ngắn – tùy bútMột phút tự do (nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ). Bây giờ, bà trở lại với Vàng trên biển đá đen (nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM).
Là người Ý (tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài, từng dạy ở trường đại học Milano, Ý) nhưng Elena lại viết về Việt Nam như thể bằng góc nhìn từ bên trong quê hương của chồng bà – tác giả, dịch giả Trương Văn Dân.
Sự hiểu biết, tình yêu thương, lòng nhân hậu và cả những cảm nhận tinh tế bằng mọi giác quan về con người Việt, văn hóa Việt, những thân phận trải dọc dải đất hình chữ S của Elena khiến người ta ngạc nhiên, ngưỡng mộ.
Đọc Vàng trên biển đá đen (nguyên tác tiếng Ý, Trương Văn Dân chuyển ngữ), ta sẽ thấy một Hà Nội rêu phong, một xứ Huế cổ kính, một Đà Lạt bảng lảng hư thực, một Vũng Tàu sôi động…
Hình như Elena Pucillo Truong cũng là nhà văn đầu tiên miêu tả cao nguyên đá bằng cụm từ “biển đá đen”. Tiêu đề tác phẩm – cũng là tên một truyện ngắn trong cuốn sách – đã hàm nghĩa cả một nhân thế, với những điểm sáng giữa bao thân phận; với cả niềm hy vọng và sự thiện lương giữa trùng điệp không gian, thời gian và thân phận con người.
Vàng trên biển đá đen gồm hai phần: phần đầu gồm 14 truyện ngắn, phần hai là các bài cảm nhận về những gương mặt văn chương, âm nhạc, hội họa mà tác giả từng gặp ở khắp mọi miền đất nước.
Tác giả giao lưu với bạn đọc |
Truyện ngắn của Elena có lẽ ấn tượng hơn cả. Truyện nào cũng đi thẳng vào trọng tâm và kể bằng giọng điệu khi nhẹ nhàng nhẩn nha, lúc gấp gáp và rồi đột ngột trở ngược tình thế. Dụng ý này làm nên bất ngờ hoặc ấn tượng, ám ảnh sâu cho kết truyện.
Một người già cô đơn giữa bốn bức tường chung cư trong truyện Con chim nhỏ trong lồng, cuối cùng lựa chọn bay vào khoảng không ánh sáng với hy vọng sẽ gặp lại người chồng quá cố. Bà rơi khỏi sự sống bằng một nụ cười thanh thản mà làm chới với người đọc.
Một hy vọng về tình yêu đẹp của cô gái trẻ mắc bệnh hiểm nghèo ngày ngày trò chuyện với cái cây ngoài cửa sổ (truyện Giấc mơ thu ngọt ngào). Hay Dải ruy băng màu tím – cuộc trở về của chàng trai sau nhiều năm tháng bôn ba xứ người, gặp lại cha mẹ trong hình dung của những bức ảnh cũ và hai ngôi mộ nghèo nàn nằm sâu trong nghĩa trang làng…
Chi tiết và ám ảnh, chất liệu truyện của Elena đủ khiến người đọc ngỡ ngàng. Nhiều lúc như quên mất bà là một tác giả người Ý. Nhớ ra lại giật mình tự hỏi bà đã tích lũy từ đâu và như thế nào về bao biến thiên của lịch sử và cả biến động của đời người – trên cái nền rộng lớn của bối cảnh dọc đất nước hình chữ S?
Đọc Vàng trên biển đá đen, ta còn nể phục sự quan sát tỉ mỉ và tinh tế của một tác giả nước ngoài dành cho văn hóa và con người Việt. Gần như truyện nào cũng đi cùng những giá trị của từng không gian văn hóa riêng.
Đôi chỗ như lời tâm tình của chính tác giả dành cho “quê hương thứ hai” nhưng lại là một phương thức để kể về phong tục, văn hóa và thế giới tâm linh của người Việt. Nổi bật trên hết là “tính nữ” trong tác phẩm, với những bức chân dung của phụ nữ hiện đại, những nỗi đau và số phận riêng.
Nếu truyện được viết bằng ngôn từ rắn rỏi, đanh thép thì phần viết về chân dung của văn nghệ sĩ lại êm dịu, ngọt ngào và giàu cảm xúc; như hai thái cực của một ngòi bút đã có riêng những lựa chọn với từng thể loại sáng tác. Họa sĩ Đinh Cường, nhà báo Nguyên Minh, nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhà văn – nhà giáo Nhật Chiêu… và nhiều tên tuổi được nhắc đến trong phần hai. Tất cả đều được viết bằng những cung bậc cảm xúc dạt dào, nhớ thương và biết ơn.
Elena hiện đang sống tại TP.HCM. Ngoài viết sách, giảng dạy tiếng Ý, bà còn cộngtác với nhiều tờ báo và tạp chí. Với bà, “Sài Gòn bây giờ là một chốn về”. Về để đượcbắt đầu một sự nghiệp văn chương của một người đến từ nước Ý, trên mảnh đất này…
Diệp Nguyễn/Phunuonline
Bình luận (0)