Mặc dù dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng cao nhưng thực tế còn nhiều vướng mắc về thủ tục thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp cận vốn vay trung, dài hạn…, khiến nông dân phải “bó gối” trong đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp.
Không dám mơ dài
Ông Ngô Thanh Tùng, Tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, dù mới được thành lập nhưng tổ hội đang nuôi trên 50 con lợn nái và hàng trăm lợn thương phẩm. Mỗi lứa doanh thu 5 tấn lợn giống, 20 tấn thịt lợn hơi, thu nhập trên 700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập trung bình từ 3 – 5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Tùng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới chỉ đáp ứng được nhu cầu vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý hộ vay. Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân chưa tiếp cận được vốn vay do quy định về hồ sơ, thủ tục trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho sự phát triển chung của tổ hội.
Cùng chung nỗi niềm, ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội), Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gà đồi Ba Vì thông tin: Tổng số thành viên của chuỗi sản xuất của hiệp hội là 61 hộ. Hàng năm tổng số đàn gà của chuỗi là 270.000 con nên cần vốn trên 17 tỷ đồng để duy trì sản xuất, đồng nghĩa mỗi hộ cần khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, vốn vay sản xuất của đa phần các hộ đều chỉ đạt 1/3 nhu cầu. Lý do cũng bởi thủ tục rườm rà, liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Thành kiến nghị, Ngân hàng NN&PTNT tăng cường cho vay qua tổ liên kết, nâng mức cho vay… Quỹ hỗ trợ nông dân tập trung cho vay theo các dự án điểm, các dự án có tính khả thi cao và mang lại hiệu quả thiết thực. Nâng mức cho vay và có chính sách khuyến khích đối với dự án đạt hiệu quả kinh tế.
Không để một quả trứng gà chịu 14 phí
Tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân góp phần thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững” mới đây, đại diện một số ngân hàng NN&PTNT cũng chỉ ra nhiều khó khăn, bất cập ảnh hưởng tới việc đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ; Quy định về thuê đất trong nông nghiệp đã cản trở đến việc hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều khó khăn; tình trạng được mùa mất giá vẫn thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đầu tư vốn tín dụng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro thiên tai, dịch bệnh; thị trường sản phẩm không ổn định trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro…
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam) cũng cho rằng, nhiều trường hợp nông dân phải vay vốn bên ngoài do vướng mắc về tài sản thế chấp. Ông Đông kiến nghị, bên cạnh việc khơi thông dòng vốn trong lĩnh vực này, NHNN sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh quy định về hạn điền, quy định về tài sản đảm bảo để phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế của nông dân, doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, câu chuyện tài sản tín chấp cần phải tính toán từ nhiều phía, nếu thông tin minh bạch, chính xác, đáng tin cậy thì các ngân hàng cho vay tín chấp. Nhưng thông tin thiếu tin cậy không chính xác thì cho vay tín chấp cực kỳ rủi ro. Ông Lực kiến nghị, cần hỗ trợ cho người dân hiểu biết hơn về kỹ năng tay nghề, kiến thức liên quan tài chính ngân hàng để sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn.
Về đầu tư vào nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng khi hội nhập kinh tế, cần sớm loại bỏ vấn đề trung gian trong nông nghiệp. Ông Tuấn dẫn câu chuyện của ngành chăn nuôi khi một quả trứng gà từng phải chịu 14 loại phí… “Hiện chi phí giao dịch cao, nông dân sản xuất không cạnh tranh. Không cạnh tranh được thì ngân hàng phải tính toán vì sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn quá nhiều rủi ro”, ông Tuấn nói.
Đại diện NHNN cho biết, trong quá trình triển khai cho nông dân vay vốn xuất hiện nhiều vướng mắc trong tiếp cận vốn vay: Thủ tục cho vay còn rườm rà; chứng minh tài sản đảm bảo lớn; vay được 100 đồng vốn lưu động thì cần chứng minh tới 500 đồng vốn tài sản khác để thế chấp; thời gian cho vay ngắn khiến việc trả nợ gấp rút, chưa kịp thu lãi đã phải tính tới phương án trả nợ.
Hiểu Minh (TPO)
Bình luận (0)