Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Vì sao Bộ GD-ĐT không công bố đề thi?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo lý giải của ông Sái Công Hồng (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT), việc Bộ GD-ĐT không công bố đề thi, đáp án là để tránh lãng phí, tiết kiệm chi phí, có thể sử dụng lại câu hỏi nhiều lần, tránh lộ đề.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Ông Sái Công Hồng cho biết: Để có được một đề thi chuẩn hóa, phải trải qua 8 bước. Bộ GD-ĐT đã mời khoảng trên 1.000 giáo viên từ phổ thông đến giảng viên các trường ĐH sư phạm để soạn câu hỏi thô. Đây là những giáo viên, giảng viên giỏi nhất của các tỉnh/thành và của các trường sư phạm.

Bộ GD-ĐT không công bố đề thi và đáp án, vậy xã hội sẽ giám sát thế nào, thưa ông?

Ông Sái Công Hồng (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT). Ảnh: T.Lam

– Ông Sái Công Hồng: Dư luận chủ yếu lo ngại về nguy cơ sai sót có thể xảy ra trong đề thi. Tuy nhiên, với quy trình xây dựng câu hỏi thi được chuẩn hóa mà Bộ GD-ĐT đang làm, tôi có thể khẳng định không thể có chuyện sai sót về kiến thức hay sai về mức độ yêu cầu đối với thí sinh.

Trong 8 bước của quy trình xây dựng đề thi trắc nghiệm, đầu tiên sẽ phải xây dựng ma trận đề thi và bản đặc tả đề thi. Trên cơ sở ma trận đề thi, bản đặc tả chia ra các đơn vị kiến thức khác nhau để viết các câu hỏi. Sau khi thẩm định câu hỏi được chuẩn hóa, chúng tôi sẽ thử nghiệm với 100% số câu hỏi đã chọn. Mẫu thử nghiệm sẽ được chọn đa dạng đối tượng, vùng miền. Kết quả bài làm của học sinh qua các đợt thử nghiệm sẽ được quét trên phần mềm khảo thí để phân tích các thông số.

Những câu hỏi không đạt độ tin cậy (do quá sức thí sinh, do không nằm trong chương trình, do sai kiến thức không giải được…) sẽ được hiển thị trên kết quả phân tích và lập tức được xem xét lại hoặc loại bỏ. Bởi vậy, tôi khẳng định nếu làm đúng quy trình này sẽ khó có thể lọt lưới các câu hỏi có sai sót như dư luận lo ngại.

Với 24 mã đề mỗi môn thi thì cần khoảng 1.500 câu hỏi/môn, chỉ là số lượng nhỏ trong ngân hàng đề thi sẽ phải chuẩn bị. Việc Bộ GD-ĐT lo “lộ câu hỏi thi cho các năm sau” phải chăng chứng tỏ ngân hàng đề thi của bộ còn quá ít ỏi?

– Để có 1.500 câu hỏi thi/môn, chúng tôi cần có ít nhất gấp 4 lần như thế câu hỏi thô. Quy trình dẫn tới việc ra câu hỏi thô, rồi từ thô sang câu hỏi được chuẩn hóa, qua các vòng biên tập, thử nghiệm và đo lường bằng các phần mềm về thi rất mất công, vất vả.

Nếu phải công bố đề thi, đáp án, công khai 1.500 câu hỏi thi năm nay, tôi nghĩ bộ phận xây dựng ngân hàng thi cho kỳ thi THPT quốc gia sẽ không thể có sức để làm xuể được. Chưa kể nội dung của đề thi các năm sau vẫn tập trung ở kiến thức lớp 12, nên nếu công khai hết sẽ làm cạn kiệt nguồn dữ liệu có thể khai thác để viết câu hỏi sau này.

“Với quy trình xây dựng câu hỏi thi được chuẩn hóa mà Bộ GD-ĐT đang làm, tôi có thể khẳng định không thể có chuyện sai sót về kiến thức hay sai về mức độ yêu cầu đối với thí sinh”, ông Sái Công Hồng nói.

Nhưng một chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT có thể giảm số mã đề, giảm tỷ lệ khác nhau giữa các đề thi và có thể đảo các câu hỏi như chúng ta đã làm?

– Đúng là trước đây chúng ta từng áp dụng việc chỉ xây dựng một đề thi, sau đó xáo trộn vị trí câu hỏi để thành sáu mã đề khác nhau. Tuy nhiên, cách làm này vẫn xảy ra tiêu cực. Chỉ hoán đổi vị trí câu hỏi và vị trí phương án đúng mà số liệu, nội dung câu hỏi vẫn giữ nguyên thì thí sinh vẫn gian lận được.

Năm 2017, Bộ GD-ĐT giao kỳ thi về cho các sở GD-ĐT tổ chức. Muốn để các trường ĐH yên tâm sử dụng kết quả thi, cần phải thiết kế giải pháp đáng tin cậy là mỗi thí sinh một mã đề riêng. Đề thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ thực hiện theo xu hướng thống nhất từ câu dễ đến câu khó, giúp các em không phải đọc hết đề bài rồi chọn câu dễ làm trước, khó làm sau. Thực tế, nếu áp lực thi cử thấp thì hoàn toàn có thể làm một đề thi, nhưng áp lực thi cử chưa giảm được bao nhiêu thì không có lựa chọn nào khác để đảm bảo độ tin cậy, khách quan cho kỳ thi hơn việc thiết kế mỗi thí sinh một đề thi riêng biệt.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Lam (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)