Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không khỏi lo lắng về khả năng sống còn của một số trường nghề trước tình trạng tuyển sinh ngày một èo uột. Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hướng đến cho trường tự chủ một phần và toàn phần, nếu được thì trường tồn tại, không sẽ đóng cửa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời báo chí bên lề hội nghị. Ảnh: Anh Khôi |
Tại Hội nghị Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2016-2020 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 16-1, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cả nước hiện có 1.989 cơ sở GDNN. Tuy nhiên, trong 5 năm (2011-2015), gần 2.000 cơ sở này chỉ tuyển được 9,17 triệu học viên (HV).
“Đốt đuốc” tìm người học
Cũng theo ông Minh, ở giai đoạn 2011-2015, công tác tuyển sinh tại các cơ sở GDNN không những không đạt mục tiêu chiến lược mà số lượng người học còn liên tục giảm qua từng năm. Cơ cấu tuyển sinh GDNN còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 88%); trình độ TC-CĐ chỉ chiếm khoảng 12%, trong khi đó mục tiêu chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 khoảng 22%.
Bên cạnh đó, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo giữa các vùng miền chậm khắc phục, hậu quả là đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Cụ thể, HV theo học các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe và đào tạo nhà giáo vẫn cao (nhóm ngành sức khỏe chiếm 35,8%; nhóm ngành đào tạo nhà giáo chiếm 20,2%). Trong khi một số ngành xã hội cần nhiều nhân lực sử dụng lao động qua đào tạo TCCN như nhóm ngành nông – lâm nghiệp – thủy sản thì có số HV nhập học rất khiêm tốn. Cụ thể như năm 2015 chỉ có 5,1%. Hay như nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cũng chỉ có 10,9%…
Theo Tổng cục Dạy nghề, mạng lưới cơ sở GDNN chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo. Một thực tế nữa là quy mô đào tạo tại nhiều cơ sở GDNN còn nhỏ, chưa hình thành cơ sở GDNN đạt đẳng cấp quốc tế.
Hiện nay, các trường ĐH sư phạm kỹ thuật mới chỉ đào tạo nhà giáo GDCN cho một số ngành nghề, mạng lưới các khoa sư phạm nghề tại các trường CĐ nghề chưa phân bố đồng đều giữa các vùng miền.
Tham dự hội nghị, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về chất lượng đội ngũ giáo viên. Nhiều nơi chưa quan tâm đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDNN, điều này dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDNN; GV yếu kỹ năng nghề, ngoại ngữ kém. Theo đó chỉ có một số rất ít giáo viên có chứng chỉ kỹ năng nghề để đảm bảo có thể dạy thực hành.
Thống kê của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, có 66,9% giáo viên dạy nghề có trình độ tiếng Anh từ A trở lên, trong đó trình độ C và cử nhân là 13,9%; Khoảng 10% giáo viên TCCN dạy tiếng Anh đạt chuẩn 5/6 bậc, dưới chuẩn một bậc lên đến 34,3%, còn lại là dưới chuẩn từ 2-4 bậc…
Ông Võ Quang Huệ (thành viên Ban Điều hành Phòng Thương mại châu Âu) nói: Nhu cầu về lao động Việt Nam tại Đức cao nhưng phía Đức lo ngại về chất lượng đào tạo lao động tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong GDNN được các đại biểu mổ xẻ là cơ sở vật chất, thiết bị chưa đồng bộ do chưa ban hành đầy đủ danh mục thiết bị tối thiểu các cấp trình độ. Chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn thiết kế trường nghề theo các trình độ đào tạo, cũng như tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của từng ngành, nghề theo các trình độ đào tạo…
Cứu các trường nghề: Cách nào?
Tại hội nghị các đại biểu đã thừa nhận, hiệu quả thực hiện phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào trường TC-CĐ còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, chỉ có khoảng 2,5-3,5% số HS tốt nghiệp THCS tham gia học nghề.
Tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch việc làm do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức mới đây. Ảnh: T.Tri |
Nguyên nhân là do lâu nay, GDNN thiếu cơ chế chính sách cho đội ngũ nhà giáo, người học nghề, cơ sở GDNN và cả các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Chính vì vậy, các đại biểu đề xuất sớm có quy định danh mục nghề bắt buộc qua đào tạo GDNN hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, mức lương tối thiểu theo trình độ đào tạo và các bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia…
Ông Lương Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng (Quảng Ninh) đề xuất, cần phân cấp tỷ lệ chỉ tiêu cho các bậc đào tạo. Thực tế tại Quảng Ninh chỉ có khoảng từ 2-5% người đi học nghề. Bên cạnh đó, nâng mức học phí ĐH lên cao và đầu tư hỗ trợ học nghề. “Trường nghề nhiều nhưng không phát triển được thì nên quy hoạch lại. Trường nào tự chủ được thì có thể giữ lại, không thì giải tán”, ông Tiến nói.
Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thông tin, hướng sắp tới, nơi nào cần và có thu hút đào tạo thì tạo mọi điều kiện cho các cơ sở GDNN phát triển. Vì vậy sẽ có những tỉnh không có một trường nghề nào. Bộ LĐ-TB&XH sẽ đi theo hướng cho các trường tự chủ một phần, sau đó đến toàn phần và khuyến khích doanh nghiệp mở trường, đào tạo nghề tại địa phương.
Theo đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2016-2020, đào tạo mới trình độ CĐ, TC cho khoảng 3,2 triệu người, trong đó có 10% đào tạo theo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế theo cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo. Đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho khoảng 8,8 triệu người… |
Các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận là chất lượng đào tạo hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động đã qua đào tạo. Tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ TC-CĐ còn cao, quý III năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ CĐ nghề là 3% và trình độ CĐ là 8,36%; tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ TC nghề là 1,51%; trình độ TCCN là 3,79%…
Để lao động trình độ TC-CĐ không thất nghiệp, ông Võ Quang Huệ đề xuất các trường tập trung đào tạo song hành tại trường và doanh nghiệp để người học có điều kiện cọ sát thực tế, chuẩn hóa chương trình đào tạo, thay đổi, làm mới cho phù hợp…
Nhằm khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo nghề, bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM cho rằng, cần quy hoạch các trường để đầu tư nghề trọng điểm. Mỗi giai đoạn cần có khảo sát nhu cầu đào tạo và hướng nghiệp cả trước trong và sau đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo…
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc chuyển GDNN về cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý là tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hoạt động. Phó Thủ tướng cũng kỳ vọng từ hội nghị này sẽ rút kinh nghiệm hạn chế, tiếp thu những hiệu quả để bức tranh dạy nghề trên cả nước sẽ khá hơn, tuyển sinh đạt hiệu quả hơn. Mặc dù đã chuyển giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhưng Bộ GD-ĐT cũng phải có trách nhiệm phối hợp để ban hành các văn bản, chính sách có liên quan.
Trần Anh
Bình luận (0)