Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đại học ngoài công lập: Đòi bình đẳng với trường công

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL) trên cả nước đang phải đóng thuế hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi các trường này phải “tự bơi” thì trường công được hỗ trợ đủ thứ từ đất đai đến tài chính… Đó là những ý kiến đòi đối xử bình đẳng tại Hội nghị trường ĐH NCL với sự tham dự của 60 trường ĐH NCL, lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ… được tổ chức tại TPHCM ngày 14/4.

Đại học ngoài công lập: Đòi bình đẳng với trường công

Tại hội nghị, bà Phạm Thị Huyền, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu các trường ĐH NCL cho biết, năm 1987, hệ thống GDĐH chưa có trường ĐH NCL. Năm 1994 có 5 trường và đến cuối năm 2016 đã có 60 trường, chiếm tỷ lệ 25,5% số trường ĐH với quy mô đào tạo trình độ đại học là 232.367 sinh viên, chiếm tỷ lệ 13,16% sinh viên ĐH trong cả nước.

Mặc dù có sự phát triển nhanh về số lượng, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho rằng các trường ĐH NCL đang gặp nhiều khó khăn cả về cơ chế chính sách của Nhà nước khi phải cạnh tranh “không cân sức” giữa một bên là các trường ĐH NCL có tuổi đời còn non trẻ, nguồn lực hạn chế với một bên là các trường ĐH công lập có bề dày lịch sử, đã và đang được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực về đất đai, tài chính, trang thiết bị và nguồn lực con người.

Dẫn chứng cuộc cạnh tranh “không cân sức” này, bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á cho biết, 60 trường NCL thu hút 240.000 sinh viên và phải đóng thuế hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. “Nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ bình đẳng thì sẽ có hiệu quả cao hơn đầu tư vào trường công lập. Đây là sự bất bình đẳng, không nên có sự phân biệt công tư như vậy”, bà Đào nhìn nhận.

Về mặt Nhà nước, bà Đào cho rằng, Chính phủ cần cân đối tài chính giữa các khối trường để các trường NCL có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Vì thực tế các trường NCL “tự bơi”, còn các trường công được hỗ trợ đủ thứ từ đất đai, tài chính… “Nhà nước yêu cầu chúng tôi phải nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng thu nhập của người dân quá thấp. Không thể nói học phí thấp mà chất lượng lại cao được. Do vậy, Chính phủ cần phải có sự hỗ trợ từng nhóm trường để các trường NCL vươn lên”, bà Đào nói và kiến nghị Nhà nước nên để lại số thuế hơn 1.000 tỷ đồng mà các trường ĐH NCL đã đóng để tái đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao đội ngũ, cho vay với lãi suất 0%…

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương cho rằng, sự yếu kém và một số bất cập còn tồn tại xuất phát từ sự thiếu quan tâm của Nhà nước, nhất là sự bất bình đẳng giữa trường công và trường tư. “Nhà nước không nên bao cấp và cũng không nên để các trường tự chủ nửa vời. Nhà nước chỉ nên bao cấp cho những trường công đóng góp và làm công tác đào tạo nhân lực ở những vùng đặc biệt khó khăn. Còn những trường ở thành thị, các trường có điều kiện thì nên ngừng, không bao cấp nữa để giảm bớt ngân sách, đầu tư cho các trường ĐH NCL”, ông Minh đề xuất.

Một khó khăn khác cũng được các trường “kêu cứu” với Bộ trưởng Nhạ là sự chậm trễ trong chuyển đổi sang mô hình ĐH phi lợi nhuận. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, nói: “Chúng tôi đem tất cả tài sản, đất đai khoảng 300 tỷ xin chuyển sang mô hình ĐH tư thục phi lợi nhuận, thế nhưng gần 20 năm nay vẫn chưa xong. Đây là tài sản của chúng tôi, chúng tôi tha thiết để được đóng góp cho giáo dục nước nhà. Vậy cớ gì lại kéo dài như vậy?”.

Hội nghị các trường ĐH NCL lần này được kỳ vọng sẽ tạo nên môi trường phát triển giáo dục đại học công bằng với trường công, đảm bảo chất lượng bền vững. Ảnh: N.Dũng.

Dừng hoạt động nếu không thực hiện cam kết

Theo số liệu kê khai năm 2016, tổng số giảng viên của các trường ĐH NCL là trên 20.500 giảng viên, trong đó 71% là giảng viên cơ hữu, số còn lại là giảng viên thỉnh giảng. Đặc biệt trường ĐH Quốc tế Bắc Hà 97 giảng viên thì số lượng giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn giảng viên cơ hữu (48 cơ hữu và 49 thỉnh giảng).

Ở một số trường, tỷ lệ nhân sự lãnh đạo kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cao (như ĐH Thành Đô, Vạn Xuân, Dân lập Hải Phòng), vấn đề “thân hữu, gia đình trị” cũng được đề cập nhưng với tư duy khác nhau. “Việc kiêm nhiệm này sẽ giảm thiểu những vấn đề không đáng có phát sinh trong nội bộ lãnh đạo nhà trường nhưng ngược lại, việc kiêm nhiệm ảnh hưởng tới sức sáng tạo và cơ hội điều chỉnh các chiến lược và chính sách nhà trường theo hướng mới”, đại diện nhóm khảo sát nhận định.

Cũng theo nhóm chuyên gia này, cơ cấu của các trường đều có sự thống nhất giữa hội đồng quản trị và hiệu trưởng, trừ một số trường bất ổn. Đội ngũ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư phần lớn là cán bộ nghỉ hưu, có tuổi cao, khả năng cập nhật kiến thức khoa học hạn chế. Giảng viên của trường ngoài công lập đa phần có trình độ cử nhân. Có 5/60 trường thành lập đã 20 năm nhưng chưa có đất xây trường phải đi mướn, thuê. Nguồn lực tài chính của các trường còn hạn chế. Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường, chiếm trên 61,17% tổng thu.

Công tác tuyển sinh của các trường gặp khó khăn. Cụ thể như Trường ĐH Hùng Vương TPHCM không có sinh viên (hiện vừa được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh trở lại); trường ĐH Hà Hoa Tiên còn rất ít sinh viên đang theo học do đã dừng tuyển sinh; Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu chỉ có 135 sinh viên…

Trước những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường ĐH NCL phải rà soát lại chiến lược phát triển của trường sau 10 năm, 20 năm và đối chiếu với cam kết thực hiện ra sao. “Nếu các trường không thực hiện cam kết, không đảm bảo chất lượng thì phải tính đến phương án xem xét thậm chí là dừng hoạt động bởi chúng ta phải công bằng chứ không phải vì kéo dài khó khăn đến mức ảnh hưởng chất lượng, gây bức xúc dư luận”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nhạ cũng khẳng định sẽ tạo môi trường bình đẳng giữa các trường công lập và NCL, để các trường NCL tiếp cận với các nguồn lực đầu tư, đất đai, học bổng, thuế, vay vốn… “Công tác nghiên cứu khoa học, đăng ký đề tài, chính sách học bổng cho sinh viên, hỗ trợ bồi dưỡng giảng viên, hay vốn vay ưu đãi, hỗ trợ quỹ đất… đều được thực hiện dân chủ, công bằng trong toàn hệ thống, bất cứ trường nào cũng đều bình đẳng”, ông Nhạ nói.

Chất lượng giảng viên trường NCL

Đội ngũ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư phần lớn là cán bộ nghỉ hưu, có tuổi cao, khả năng cập nhật kiến thức khoa học hạn chế. Giảng viên đa phần có trình độ cử nhân.

Các chuyên gia nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập đã đưa ra 5 kiến nghị lên Chính phủ, 6 kiến nghị với Bộ GD&ĐT và 8 kiến nghị với các trường đại học ngoài công lập.

Đối với Chính phủ, nhóm kiến nghị sửa Luật Giáo dục đại học; Tái cấu trúc hệ thống các trường đại học. Tiến hành sáp nhập, giải thể đối với những cơ sở giáo dục đại học không thực hiện đúng cam kết; Tạo lập môi trường bình đẳng về tài chính trong tiếp cận vốn; Rà soát bổ sung và hoàn thiện chính sách tài chính đối với các trường; Xây dựng cơ chế và chỉ đạo các bộ tuyên truyền hình ảnh tốt của trường.

Nguyễn Dũng (TPO)

Bình luận (0)