Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

“Bật mí” tiêu chí vàng về tuyển dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10-3, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh Trường THCS – THPT Phan Châu Trinh (TP.HCM). Ngoài ra, hàng trăm học sinh Trường THCS – THPT Ngôi Sao cũng đến nghe các chuyên gia tư vấn.

Chuyên gia giải đáp thắc mắc cho học sinh tại phần tư vấn riêng

Trải nghiệm càng nhiều cơ hội càng cao

Nhiều học sinh cho biết sức học của mình khó có thể vào được các trường ĐH tốp trên, do đó, vấn đề các em quan tâm nhất là làm thế nào để có việc làm ổn định trong tương lai? Phạm Thị Thu Ngân (lớp 12A2, Trường THCS – THPT Phan Châu Trinh) thắc mắc: “Em muốn theo học ngành quản trị khách sạn nhưng ngành này hiện nay có nhiều trường mở. Vậy sau 4 năm nữa liệu ngành này có dễ kiếm việc làm không, em cần trang bị cho mình những kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng?”. Ông Đoàn Thanh Phong (đại diện Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định: “Đối với ngành quản trị khách sạn, tiếng Anh là một trong những “tiêu chí vàng” để doanh nghiệp tuyển dụng. Ngoài ra, trong quá trình học, các em phải trải nghiệm thực tế để rèn luyện kỹ năng, tránh những bỡ ngỡ khi chính thức đi làm”. Theo ông Phong, chương trình ngành quản trị khách sạn tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM được đào tạo song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Đồng thời, trường chú trọng đến quá trình thực hành, thực tế cho sinh viên nên các em sẽ được học tại những phòng mô phỏng nghiệp vụ liên quan như quầy bar, bếp, buồng… Sau 3,5 năm học cơ sở ngành và chuyên ngành, trường sẽ giới thiệu sinh viên thực tập (6 tháng) tại những khách sạn, resort theo nhu cầu, mong muốn để các em ứng dụng kiến thức vào thực tế.

Tương tự, với câu hỏi về ngành tổ chức sự kiện của Nguyễn Mộng Hằng (lớp 12A3, Trường THCS – THPT Phan Châu Trinh), ông Phong cũng cho hay: “Tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, tổ chức sự kiện là một chuyên ngành trong quan hệ công chúng. Sau 3,5 năm học kiến thức ngành và chuyên ngành như tổ chức sự kiện, thiết kế chương trình, làm như thế nào để quảng bá hình ảnh công ty đến với mọi người… thì các em cũng được thực tập, thực hành tại các công ty”.

Em muốn đăng ký vào ngành công an. Vậy phương thức tuyển sinh như thế nào, chỉ tiêu có gì thay đổi không? – Một học sinh Trường THCS – THPT Phan Châu Trinh hỏi.

– Ông Nguyễn Công Kỳ (Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) trả lời: Chỉ tiêu ngành công an năm 2017 giảm mạnh so với năm 2016. Theo đó, bậc ĐH năm nay chỉ tuyển 1.500 chỉ tiêu, trong khi năm 2016 là 3.200 chỉ tiêu; bậc CĐ tuyển 366 chỉ tiêu (giảm 264 chỉ tiêu). Muốn xét tuyển vào ngành này, các em phải trải qua vòng sơ tuyển tại công an quận/huyện. Điều kiện sơ tuyển là nam cao 1,64m trở lên, nặng trên 48kg; nữ cao 1,56m trở lên, nặng trên 45kg. Ngoài ra, ngành này sẽ kiểm tra thêm chỉ số BMI (cân nặng, chiều cao không được quá lệch nhau), kiểm tra lý lịch… Sau khi nộp hồ sơ sơ tuyển, thí sinh tiếp tục nộp hồ sơ thi THPT quốc gia. Năm nay, nếu thí sinh đăng ký xét tuyển công an thì không còn được xét tuyển vào quân đội.

Thực tế, thời gian thực tập ở mỗi trường khác nhau nhưng đều đặt mục tiêu là ra trường sinh viên được trang bị đủ kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. “Sinh viên Trường ĐH FPT thực tập tại doanh nghiệp vào năm 3. Vậy sinh viên sẽ làm gì tại kỳ thực tập này, tại sao không diễn ra vào năm cuối như các trường ĐH khác?”, một học sinh Trường THCS – THPT Ngôi Sao băn khoăn. Bà Mai Thị Tuyết Trinh (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH FPT) cho biết: “Trường ĐH FPT do Tập đoàn FPT thành lập, phương châm của trường là dạy những vấn đề do doanh nghiệp yêu cầu. Tại trường, sinh viên học chuyên ngành 9 học kỳ, mỗi năm có 3 học kỳ. Sau 5 học kỳ, các em phải đến doanh nghiệp làm việc 8 tháng đến 1 năm, nếu làm tốt sẽ được trả lương”. Nói về mục đích, bà Trinh thông tin, càng trải nghiệm thực tế sớm, các em càng biết mình thiếu những kiến thức, kỹ năng gì để sớm bổ sung.

Ngành bão hòa có khó tìm việc làm?

Không ít học sinh nhìn “ánh hào quang” về thu nhập để chọn nghề khiến không ít ngành hiện nay có sức cạnh tranh lớn. Một học sinh Trường THCS – THPT Ngôi Sao đặt câu hỏi: “Em nghe nhiều người nói ngành tài chính ngân hàng hiện đang bão hòa về nhu cầu lao động. Em rất thích ngành này nhưng liệu sau 4 năm học ĐH, cơ hội việc làm của ngành này có thay đổi không?”. Ông Đỗ Việt Hùng (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) giải đáp: “Không chỉ ngành tài chính ngân hàng mà nhiều ngành khác đang xảy ra tình trạng thiếu – thừa lao động, thiếu những lao động có tay nghề, chuyên môn cao và thừa những lao động thiếu tay nghề. Vì vậy, cơ hội việc làm luôn nằm trong tầm tay nếu các em cố gắng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống…”. Ông Hùng thông tin thêm: “Từ nay đến 2020, mỗi năm thành phố cần khoảng 10.800 người hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm nên cơ hội việc làm vẫn… mênh mông”.

Ngoài ra, không ít học sinh lo lắng về việc học các chương trình trao đổi quốc tế liệu có đứt gánh giữa chừng khi mình không đủ tài chính để ra nước ngoài. “Em muốn học ĐH Broward (Mỹ) tại Việt Nam nhưng nghe nói sau 2 năm sẽ chuyển tiếp sang Mỹ học. Tuy nhiên, đến lúc đó nếu gia đình không đủ tài chính lo cho em sang Mỹ học thì em phải làm sao?”, một học sinh Trường THCS – THPT Phan Châu Trinh hỏi. Ông Trần Công Nam (Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Broward tại Việt Nam) khẳng định: “Sau 2 năm học ở Việt Nam, nếu không đủ tài chính để chuyển tiếp qua Mỹ, các em được cấp bằng tương đương với CĐ ở Việt Nam để đi làm, khi nào có điều kiện các em có thể qua Mỹ để nâng cao kiến thức”. Được biết, tại Việt Nam, ĐH Broward xét tuyển học sinh tốt nghiệp lớp 12; điểm trung bình lớp 12 và điểm tiếng Anh lớp 12 từ 6.5 trở lên. Nếu không đủ những điều kiện này, các em có thể tham gia phỏng vấn ngay tại trường.

Minh Châu

Bình luận (0)