Khách hàng đến gửi hàng tại Bưu điện Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ngày 19-1 – Ảnh: DUYÊN PHAN |
Do hàng bị ùn ứ nên không ít người gửi quà tết cho người thân, bạn bè, khách hàng, đối tác… đã gặp không ít phiền toái, bức xúc.
Từ chối nhận hàng từ sớm
Chị Nguyễn Thị Thanh (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bán quần áo qua mạng mấy năm nay cho biết dịp tết khách hàng mua sắm tăng nhiều. Khách hàng khắp các tỉnh thành nên chị Thanh phải chọn dịch vụ chuyển phát nhanh qua bưu điện để gửi hàng cho khách.
Thế nhưng theo chị Thanh, những ngày qua đi gửi hàng quá cực. Khách đến bưu điện xếp hàng dài, chờ đến lượt gửi hàng.
“Có khi phải chờ đến cả tiếng mới gửi được hàng. Mấy hôm nay bưu điện không nhận gửi hàng chuyển phát nhanh đi các tỉnh miền Bắc nữa, do đó tôi phải chạy đôn chạy đáo đi tìm các công ty tư nhân nhận chuyển hàng để mong giao quần áo kịp cho khách” – chị Thanh nói.
Một giao dịch viên tại Bưu điện quận Gò Vấp cho biết một, hai năm gần đây do buôn bán hàng hóa qua mạng phát triển nên lượng hàng chuyển phát nhanh mà bưu điện nhận được tăng rất nhiều.
“Bưu điện đã hết nhận hàng gửi đi các tỉnh miền Bắc bởi hành khách gửi đã nhiều, phải chuyển đi trước tết nên không kịp. Mấy hôm nay nhân viên tại đây phải làm thêm nhiều giờ sau khi hết ca mới mong giải quyết kịp hàng cho khách” – giao dịch viên này nói.
Dịp cuối năm, hàng hóa chuyển gửi nhiều nên nhiều người lo ngại không dám gửi vì sợ thất lạc, không kịp đến tay người nhận. Chị Kim Yến (Q.9, TP.HCM) kể đầu tuần này chị mang quà tết đã đóng gói ra điểm bưu điện gần nhà để gửi về cho người thân, nhưng đến nơi thấy hàng hóa chất ngồn ngộn, rất đông người xếp hàng, chị phải mang hàng về.
“Xếp hàng gửi được chắc mất cả tiếng. Gửi rồi không biết có bị mất, rồi có khi qua tết mới tới thì tặng quà tết lại hóa ra vô duyên” – chị Yến lo ngại.
Vào dịp cuối năm, lượng hàng hóa gửi qua đường bưu điện tăng vọt – Ảnh: DUYÊN PHAN |
Gửi một đằng, nhận một nẻo
Do hàng chuyển phát nhanh tăng rất lớn dịp cuối năm nên đã có không ít sai sót, gây phiền toái cho khách hàng.
Ông N.H.N. chọn sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của một công ty tại quận Tân Bình, TP.HCM rất bức xúc khi bộ lịch tết mà ông gửi tặng bạn bè đều đến tay người nhận rất trễ, một số người thậm chí còn không nhận được đúng bộ lịch ông đã gửi mà bị thay bằng một bộ lịch xuân khác.
Bức xúc vì cách làm ăn của đơn vị này, ông N. liên hệ công ty thì nhận được phản hồi “sẽ cố gắng tìm và gửi lại đúng bộ lịch” mà ông đã chuyển trước đó.
Nhiều người cũng mang “cục tức” vào người khi sử dụng dịch vụ chuyển phát của nhiều công ty, đơn vị khác nhau. Chị Huỳnh Hải Yến – chủ một shop online tại TP.HCM – tự tay đi gửi túi xách màu đen tại một bưu cục nhưng khi khách nhận hàng lại là… màu hồng.
Điều khiến nhiều người bức xúc hơn cả là khi phản ảnh nhầm hàng, thất lạc, hàng đến chậm, không đến tay người nhận… với các công ty, đơn vị chuyển phát thì rất nhiều người nhận được câu trả lời với đủ lý do “địa chỉ khó tìm, nhà không có người ở, tới nhiều lần không gặp…”.
Hàng bị gửi trả nhưng khách hàng vẫn phải trả phí chuyển phát.
Vài phút có một xe xuất bến
Ông Lê Đức Thành – giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi – cho biết những ngày giáp tết, lượng hàng hóa nhà xe nhận vận chuyển từ TP.HCM về các tỉnh thành khác (và ngược lại) tăng mạnh so với ngày thường. Hàng hóa chủ yếu là các sản phẩm may mặc, thực phẩm…
Số lượng xe trong bến có hạn nên nhà xe phải huy động xe tăng cường hoặc thuê thêm xe để chở hàng hóa sao cho kịp thời gian đã cam kết với khách.
Đại diện Công ty Phương Trang cũng cho biết tình hình vận chuyển hàng hóa trong những ngày cuối năm khá sôi động, hàng hóa gửi nhiều, đa dạng mặt hàng hơn.
Hàng tăng nên công ty này cố gắng huy động hàng ngàn lượt xe và cứ 2-5 phút lại có xe xuất bến liên tục khắp các tỉnh thành trên cả nước để hoàn thành dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhằm đưa hàng kịp đến tay khách hàng.
Trao đổi về tình hình hoạt động cuối năm, bà Nguyễn Thị Thu Vân – phó giám đốc Bưu điện TP.HCM – chia sẻ ngày tết gần kề nên cán bộ công nhân viên và người lao động rất bận rộn bởi sản lượng bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa cùng nhu cầu sử dụng các dịch vụ khác đều tăng gấp đôi, gấp ba bình thường.
“Tình hình hàng hóa cuối năm 2016 tăng mạnh hơn so với mọi năm, sản lượng tăng ước khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2015 do thị trường thương mại điện tử (bán hàng qua mạng) tăng mạnh” – bà Vân nói.
Theo bà Vân, nắm bắt được tình hình, ngay từ đầu tháng 11-2016 Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã có phương án tổ chức tăng cường lao động, mặt bằng khai thác và phương tiện vận chuyển, an ninh hàng hóa.
“Tuy nhiên không loại trừ được các yếu tố ảnh hưởng như sự quá tải của các hãng hàng không (ưu tiên hàng tươi sống cho dịp tết) và đường sắt” – bà Vân lo lắng.
Đà Nẵng: hàng hóa tăng gấp đôi Bà Nguyễn Thị Khánh Nga, giám đốc Bưu điện Đà Nẵng, cho biết số liệu thống kê lượng hàng hóa tại các bưu cục của Bưu điện Đà Nẵng 10 ngày đầu tháng 1-2017 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Việc này phản ánh xu hướng mua hàng qua mạng lưới bưu điện tăng cao trong thời gian qua, nhất là thời điểm giáp tết. Để khắc phục tình trạng hàng hóa tăng đột biến, lãnh đạo Bưu điện Đà Nẵng đã chỉ đạo tăng năng lực khai thác, tăng số lao động và thời gian làm việc, huy động toàn thể anh em khối văn phòng, đoàn thanh niên, kể cả cán bộ lãnh đạo trực tiếp tham gia khai thác, tăng thời gian làm việc, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Đầu tư mua sắm thiết bị mới cũng như chuẩn bị mặt bằng để thuận lợi trong khai thác, giao nhận hàng hóa. Ngoài ra, hàng chục cán bộ trẻ của bưu điện cũng được huy động làm việc vào ban đêm để chuyển kịp thời hàng hóa đến đúng thời gian, địa chỉ cho khách hàng. HỮU KHÁ (TTO) |
Kiểm soát chặt hàng hóa giao qua mạng
Ông Phan Hoàn Kiếm – phó giám đốc Sở Công thương kiêm chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM – cho biết thực hiện kế hoạch kiểm soát hàng hóa cao điểm tết, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM sẽ kiểm soát kỹ đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, trong đó có cả hàng hóa được gửi qua dịch vụ giao hàng qua mạng.
Mục đích nhằm tránh tình trạng hàng lậu, hàng gian, kém chất lượng… lợi dụng dịch vụ giao hàng qua mạng để trà trộn, tuồn vào thị trường. Do đó, hàng hóa lưu thông qua dịch vụ giao hàng qua mạng cần có hóa đơn, chứng từ rõ ràng theo quy định khi quản lý thị trường kiểm tra.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)