Tại thôn Hà Quảng Bắc (phường Điện Dương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam), hiện chỉ còn duy nhất một người vẫn giữ nghề đan thúng chai (thuyền thúng), đó là ông Trần Dư. Thúng của ông không chỉ ngư dân khắp Quảng Nam sử dụng mà còn xuất ngoại.
Nửa thế kỷ giữ nghề
Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng trong con người lão ngư Trần Dư (80 tuổi, trú thôn Hà Quảng Bắc) vẫn hoài bão về năm tháng hào hùng tuổi thanh xuân vẫn còn mạnh mẽ lắm. Ông nhớ lại: “Cảm giác lần đầu tiên đạp sóng biển thẳng tiến ra Hoàng Sa tuyệt vời không thể tả nổi. Tuổi 17 là cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, với tôi mỗi chuyến đi là một hành trình mới, đầy gian khó nhưng kiêu hùng”. Khát vọng mạnh mẽ là vậy, nhưng chiến tranh đi qua đã “vô tình” cướp đi đôi chân của chàng trai trẻ. Cũng nhấn chìm luôn khát vọng tuổi thanh xuân, hoài bão chinh phục những con sóng cũng tan theo mây khói.
Nhìn đôi chân bị cụt quá nửa đùi, ông không cầm được nước mắt… “Năm tôi 20 tuổi, trong lúc đi vào rừng kiếm củi, vô tình giẫm phải quả bom, quả bom phát nổ khiến đôi chân tôi bị cụt hoàn toàn, may sao còn vẫn giữ được cái tính mạng này”, ông Dư bùi ngùi nhớ lại. Vậy là từ một lực điền tráng kiện bỗng nhiên trở thành một người khuyết tật, nhưng người thanh niên ấy đã không hề gục ngã, mà trái lại hơn nửa thế kỷ qua ông vẫn đang ngày đêm đan tre, đóng thúng chai tiếp lửa cho nhiều thế hệ ngư dân an tâm bám biển, giữ đảo, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Phường Điện Phương nổi danh như cồn nhờ nghề đan thúng, nhưng bây giờ quá khứ vàng son của vùng đất này đã lui về dĩ vãng. Nghề đan thúng chai dần mai một và đang đứng trước bờ vực “tuyệt chủng”. Hiện nay chỉ còn lão ngư Trần Dư thuộc hàng hiếm còn bám trụ với nghề đan thúng chai. Tuy đã ở cái tuổi xế chiều, tóc đã bạc nhưng ông vẫn giữ cho mình thói quen dậy sớm, cặm cụi vót tre để có đủ nguyên liệu đan thúng hằng ngày.
Ông Dư đang vót tre để đan thúng chai |
Những chiếc thúng chai được thiết kế tưởng chừng như đơn giản, song thực ra làm khá công phu. Ông Dư cho biết, để hoàn thành xong một chiếc thúng thì cần phải trải qua nhiều giai đoạn, bao gồm: chọn tre, vót mượt, phơi, đan thúng, trét dầu, cuối cùng là đan sườn. Việc chọn tre được xem là khâu rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến giá trị của thúng chai. Ông nhấn mạnh, tre chọn đan thúng chai phải là loại tre được trồng từ đất thịt, vừa đạt độ già thì mới bền và dẻo. Vì thế ông chỉ đặt hàng những mối quen ở các địa phương lân cận để chủ động về nguồn nguyên liệu.
Khi phần bụng thúng được đan xong là chuyển qua giai đoạn quét dầu rái. Loại dầu này được dùng để quét trên bề mặt thúng, được lấy từ trên núi, màu đen, được cha ông sử dụng từ xưa đến nay, nhằm chống thấm cho thúng. Theo kinh nghiệm hơn 50 năm làm nghề đan thúng chai ông Dư cho biết thêm, trước khi quét lớp dầu rái để làm bóng thúng thì phải quét phân bò lên để che khít tất cả các lỗ trống và làm tăng tuổi thọ cho thúng. Cũng chính vì sự cẩn thận, tỉ mỉ này mà sản phẩm của gia đình ông khi xuất ra thị trường có độ bền lên đến 15-20 năm.
Hơn 50 năm hành nghề, trải qua bao thăng trầm, những chiếc thúng chai do ông làm ra được nhiều ngư dân khắp Quảng Nam tín nhiệm, là công cụ đi biển hữu hiệu.
Thúng chai xuất ngoại
Tính đến thời điểm này, nghề đan thúng chai của gia đình ông Dư đã trải qua hơn 200 năm với 4 thế hệ nối nghiệp nhau. “Tui nay tuổi đã già, tất cả mọi bí quyết và kinh nghiệm làm thúng tui đều truyền lại tất cả cho con trai, với hy vọng nghề truyền thống này sẽ được gìn giữ và sẽ không bị mai một”, ông Dư bày tỏ nỗi lòng mình. Với thâm niên hơn 50 năm gắn bó với nghề đan thúng chai, ông Dư cũng được biết đến là người đầu tiên của làng đưa mặt hàng thúng chai xuất ngoại.
Ông Trần Dư ở xứ Quảng là một trong những người đầu tiên đưa thúng chai xuất ngoại |
Do mất đi đôi chân, nên việc đi chuyển của ông gặp rất nhiều khó khăn vì vậy để hoàn thành một cái thúng phải mất 6 ngày mới làm xong, đa số chiếc nào làm ra cũng được người ta đặt hàng sẵn. Không những phân phối hàng cho một số tỉnh lân cận, hơn 10 năm qua, thúng chai của ông đã xuất đi nhiều nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc… và được các thương lái nước ngoài đánh giá rất cao bởi mẫu mã, chất lượng của thúng chai do ông làm ra. Cũng nhờ nghề này mà ông Dư đã nuôi các con ăn học. “Dù nghề này không đem lại sự giàu sang, nhưng cần mẫn làm thì cũng đủ sống. Tui sẽ tiếp tục giữ nghề, khi nào mắt mờ, tay run, không bước được nữa mới thôi”, ông Dư trải lòng. Một chiếc thúng chai cỡ nhỏ nhất được bán với giá khoảng 2-3 triệu đồng, cỡ lớn hơn dao động từ 5-8 triệu đồng. Đặc biệt với loại thúng dùng để chạy động cơ máy, thường đòi hỏi trải qua công đoạn phức tạp hơn, cũng như kích thước lớn hơn cho nên giá từ khoảng 10-15 triệu đồng. Chia sẻ về những thành công của ngày hôm nay, lão ngư Trần Dư cho hay, đa số khách ngoại họ thường đặt hàng theo hợp đồng, đúng hạn là họ nhờ cán bộ hải quan tới đóng gói rồi xuất cảng.
Gắn bó với nghề hơn nửa đời người, ông chưa bao giờ có ý định bỏ nghề nhưng một điều mà ông luôn trăn trở đó là thế hệ trẻ hôm nay không ai chịu học để ông truyền lại nghề, để có thể giữ lại nghề truyền thống của ông cha.
Điền Đại Gia
Bình luận (0)