Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, không khí lao động tại xưởng chế biến của Hợp tác xã (HTX) trồng chuối xuất khẩu Lâm Phát Hưng, xã Thới Hưng, thuộc Nông trường sông Hậu, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ, thật nhộn nhịp. Hơn 100 công nhân tất bật với công việc để kịp chuyển những chuyến hàng cuối năm vượt biên xuất sang các nước…
Kiểm tra sản phẩm trước khi dán nhãn |
1. Các ghe chở chuối thu hoạch từ nhà vườn tấp nập ghé bến. Những buồng chuối với những trái to tròn, kích cỡ đều nhau, da láng bóng, xanh tươi, được công nhân nhẹ nhàng chuyển lên bờ. Trong xưởng, các công nhân làm việc theo dây chuyền. Mọi thao tác trong dây chuyền đều cẩn trọng, nhưng nhẹ nhàng, dưới sự giám sát chặt chẽ của các kỹ sư. Đôi khi, ông Lâm Văn Tính – một trong 5 thành viên sáng lập HTX Lâm Phát Hưng – cùng kỹ sư Nguyễn Khoa Nam, trưởng tổ kỹ thuật và các kỹ sư trong tổ, cũng xắn tay áo làm với công nhân. Anh Nam cười hiền: “Phải nâng niu trái chuối như trứng để không bị trầy dập. Ngoài việc tập huấn kỹ thuật cho anh chị em bản thân mình phải trực tiếp làm để mọi người làm theo”… Tất cả sản phẩm từ vườn cập bến HTX đều được sử dụng. Những trái đạt chuẩn xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Trung Quốc và Trung Đông; loại phế phẩm cũng xuất sang các nước Bắc Âu để chế biến thành chuối cấp đông và sữa chuối.
Tiết trời phương Nam những ngày cuối năm, gió đông từ sông Hậu nhè nhẹ thổi vào dịu dàng, góp phần báo hiệu một mùa xuân nữa sắp về. Ông Tính phấn khởi: Với chuyến hàng này, năm 2016 HTX đã xuất hơn 5.000 tấn, chúng tôi đã đạt được tâm nguyện là đưa cây chuối ĐBSCL thành một loại cây xã hội, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản cho VN, và giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân là những nông dân ở trong và ngoài nông trường… “Nhiều bà con trước đây làm mướn, công việc bấp bênh, bây giờ có việc làm ổn định, cuộc sống cải thiện rõ rệt”, ông Tính hồ hởi khoe.
Không đất sản xuất, trước đây vợ chồng chị Nguyễn Bé Nhi, 28 tuổi, ở khu 8, Nông trường sông Hậu, sống bằng nghề làm mướn, bữa có bữa không. 2 năm nay vợ chồng vào làm công nhân HTX Lâm Phát Hưng. “Từ khi vào đây làm, gia đình tôi không còn cảnh bữa đói, bữa no. Lương hai vợ chồng không chỉ đủ sống mà còn có dư chút đỉnh. Tôi mới mua xe máy cho ông xã, Tết này cả nhà sẽ về Đồng Tháp chơi với ông bà ngoại và sắp nhỏ”, chị Nhi trải lòng trước mùa xuân mới đang cận kề.
Kỹ sư trẻ tuổi Trần Việt Cường, tổ kỹ thuật, năm nay không về quê ở Nghệ An ăn Tết mà quyết định ở lại HTX. Cường tâm sự: “Ở đây riết nên yêu và gắn bó với con người và vùng đất phương Nam này. Mấy ngày Tết, công nhân nghỉ, chỉ một số ít ở lại làm việc, chăm sóc chuối. Do vậy tổ kỹ thuật phải theo dõi cả vườn chuối, mình không đành bỏ về nhà trong khi anh em ở đây vất vả”.
2. Xuất thân từ một gia đình nông dân ở TP.Cần Thơ, cả đời gắn bó với ruộng đồng, ông Lâm Văn Tính hiểu đời sống và tâm tư của người làm nông nghiệp, trong đó mong ước lớn nhất là mưa thuận gió hòa, làm ăn được mùa, không lâm vào tình trạng “Được mùa mất giá, mất mùa được giá”. Do vậy ông luôn có tư tưởng khởi nghiệp, làm giàu cho mình và góp phần nâng cao cuộc sống nông dân. Ông từng là doanh nghiệp kinh doanh – xuất khẩu lúa gạo, rồi xuất khẩu thủy sản. Cơ duyên khiến ông nghĩ đến trồng chuối xuất khẩu là do bạn bè ở nước ngoài thông tin trái chuối rất được ưa chuộng trên thế giới, nhất là các nước ở châu Âu và Hoa Kỳ vì giá trị dinh dưỡng cao lại có tác dụng ngừa ung thư, loại cây này không trồng được ở những xứ lạnh. Trong khi tại Việt Nam chuối hầu như chỉ được xem là loại cây phụ, bà con tận dụng đất để trồng, không đầu tư nhiều. Vậy là ông cùng người cháu là kỹ sư trồng trọt Nguyễn Khoa Nam, nghiên cứu hướng sản xuất để xuất khẩu. Cuối năm 2012, hai cậu cháu khăn gói sang Philippines – quốc gia trồng chuối xuất khẩu hàng đầu thế giới – để “tầm sư học đạo”. Về nước ông thử nghiệm trồng 20ha giống chuối cấy mô Cavendish do Đài Loan sản xuất.
Trong giai đoạn thử nghiệm ông Tính và kỹ sư Nam gặp một số khó khăn, chẳng hạn khi giai đoạn chuyển mùa, từ hè sang mùa mưa, khiến độ ẩm tăng, côn trùng, nấm mốc phát sinh nhiều làm vỏ trái chuối lốm đốm đen, dễ thúi cùi. Vậy là 2 cậu cháu phải cầu cứu các bạn chuyên viên Philippines và Hàn Quốc. Anh Nam nhớ lại: “Các kỹ thuật viên sang ngay, nghiên cứu thời tiết, ẩm độ, điều kiện thổ nhưỡng của ĐBSCL, rồi hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật trồng và phòng ngừa sâu bệnh phù hợp với đất, nước, thời tiết, khí hậu ở đây, liều lượng xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi bị côn trùng gây hại… Các chuyên viên nước ngoài cũng tập huấn cho công nhân quy trình, kỹ thuật chăm sóc, cách tuyển và loại bỏ những cây con, nải chuối không đạt yêu cầu, công đoạn thu hoạch, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu…”.
Cứ thế, 20ha thử nghiệm dần dần thành công, trái chuối đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, không tồn dư bất cứ loại hóa chất nào; đơn đặt hàng từ các nơi đổ về tới tấp. “Đặc trưng chuối của chúng tôi là hoàn toàn trồng trên đất phù sa sông Hậu, là loại phân bón “siêu hữu cơ” nên trái chuối rất ngọt dịu. Một số công ty của Nhật sau khi mua sản phẩm, rất thích, đã cho chuyên viên đến đây tham quan và đánh giá cao quy trình sản xuất của chúng tôi”, ông Lâm Văn Tính tự hào.
Công nhân chở chuối từ nhà vườn về khu đóng gói |
Trước yêu cầu của thị trường ông Tính bàn bạc huy động cổ đông góp vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Được sự hỗ trợ của chính quyền xã Thới Hưng và Ban Giám đốc Nông trường sông Hậu, đầu năm 2016, HTX Lâm Phát Hưng thành lập với 90ha đất hoang tại khu 8 của Nông trường sông Hậu được cải tạo để trồng chuối cấy mô. Đây là vườn chuối ứng dụng công nghệ cao đầu tiên và lớn nhất ở ĐBSCL. Tại đây các công đoạn như tưới tiêu, phân bón, đều sử dụng máy. Công nhân chỉ làm thao tác chăm sóc, quản lý cây và khâu thu hoạch, đóng thùng. Vườn chuối và văn phòng làm việc, khu chế biến nằm kế nhau, mọi công đoạn thu hoạch, vận chuyển ra cảng để đưa lên container đều bằng đường thủy.
3. Sản phẩm đạt chất lượng tương đương với Philippines nhưng giá thành lại rẻ hơn nên trái chuối của HTX Lâm Phát Hưng không đủ đáp ứng yêu cầu thị trường, một công ty Nhật Bản đã đến thương lượng nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Tính chia sẻ: “Chuối rất thích hợp với đất miền Tây, chúng ta có thể nhân rộng mô hình này để bà con cùng làm giàu. Mặt khác việc tăng trưởng không nên nóng vội mà phải căn cơ, trước hết phải tìm kiếm được những thị trường bền vững”. Và theo kỹ sư Nguyễn Khoa Nam, HTX sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Vấn đề chính để xuất khẩu được hàng là phải có diện tích sản xuất lớn, sản phẩm có chất lượng đẹp – sạch, đồng đều, có đội ngũ nhân lực đủ trình độ quản lý trên diện rộng. Các thị trường bền vững thì rất nghiêm ngặt, đòi hỏi cao khi mua hàng, do vậy người nông dân phải nhạy bén, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quy trình từ trồng đến thu hoạch, đóng gói phải khoa học, bài bản… Có như vậy sản phẩm mới cạnh tranh được trên thị trường quốc tế…
Đan Phượng
Bình luận (0)