Ngày 11-11, tại Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (Q.9), Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH FPT tổ chức khai mạc chương trình tư vấn học đường lần 3 năm học 2019-2020 với chủ đề “Tinh thần khởi nghiệp trong kỷ nguyên số”. Mục tiêu của chương trình nhằm giúp học sinh THPT tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân, nuôi dưỡng khát vọng làm giàu…
PGS.TS Nguyễn Anh Thi đang tương tác với học sinh trong trường về vấn đề khởi nghiệp trong kỷ nguyên số
Tinh thần khởi nghiệp nên được khơi nguồn sớm
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Anh Thi (Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM, thành viên Ban điều hành Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017) với các em học sinh trong trường khi một nam sinh lớp 12 băn khoăn: “Ở tuổi của em đã có thể khởi nghiệp được chưa và khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu?”.
Theo ông Thi, gần đây có một thống kê cho thấy độ tuổi khởi nghiệp thành công cao nhất trên toàn thế giới là ở những người 45 tuổi. Bởi quá trình khởi nghiệp thành công đòi hỏi người khởi nghiệp phải có những kỹ năng rất khó và các nguồn lực quan trọng (hiểu biết, mối quan hệ, tiền bạc, thời gian trải nghiệm…). Ở lứa tuổi học sinh THPT chưa thể khởi nghiệp được, tuy nhiên đây là lứa tuổi cần được khơi nguồn tinh thần khởi nghiệp. “Tinh thần khởi nghiệp là một trạng thái tinh thần định hướng hành vi đến với khởi nghiệp, đến với việc sáng tạo ra giá trị mới. Tại nhiều nước trên thế giới, học sinh ở độ tuổi THCS đã bắt đầu được khơi nguồn tinh thần khởi nghiệp thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng, tư duy, sáng tạo. So với các nước, tại Việt Nam, lứa tuổi THPT mới bắt đầu biết đến ý niệm khởi nghiệp là khá trễ, do đó các em phải nỗ lực rèn luyện nhiền hơn nữa mới có thể sớm gặt hái thành công trong tương lai”, ông Thi nhấn mạnh.
Ông Thi chia sẻ thêm, hiện nay nói đến khởi nghiệp, nhiều học sinh, sinh viên vẫn còn mông lung, hiểu theo cách đơn giản là quá trình đầu tư buôn bán kinh doanh một mặt hàng. Thế nhưng, cách hiểu đó chưa đầy đủ. Khởi nghiệp có 2 loại hình, gồm: Khởi nghiệp bình thường (bao gồm các yếu tố của doanh nghiệp bình thường như vốn, đất đai…, hàm lượng sáng tạo không lớn) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ngoài các yếu tố như doanh nghiệp bình thường thì hàm lượng sáng tạo lớn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ hiện đại). “Chúng tôi không khuyến khích các em khởi nghiệp theo nghĩa hẹp, không nhằm thúc đẩy các em đi khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường bởi vì còn quá sớm. Chúng tôi mong muốn tạo ra bối cảnh, môi trường để các em được trải nghiệm, khám phá rằng mình có phù hợp trở thành doanh nhân khởi nghiệp hay không, và thông qua đó tích lũy các kiến thức, kỹ năng để có sự chuẩn bị cho tương lai. Bên cạnh đó, trong xã hội ngày càng phát triển, chúng tôi khuyến khích các em trong tương lai sẽ tạo ra giá trị sáng tạo ở mọi vị trí việc làm, mang lại nhiều giá trị đẹp cho xã hội”, ông Thi nhắn nhủ.
“Nuôi” ý chí để khởi nghiệp thành công
Trước câu hỏi của một nữ sinh lớp 12 rằng: “Học ngành xã hội nhưng có thể khởi nghiệp ở lĩnh vực IT được không?”, ThS. Lê Bình Trung (Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp TP.HCM, Trưởng ban Tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH FPT) cho hay: Học lĩnh vực này nhưng mong muốn khởi nghiệp hoặc làm việc ở lĩnh vực khác đang là băn khoăn của… 99% học sinh, sinh viên. Thực tế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó điển hình là hầu hết học sinh đều xác định và lựa chọn sai ngành học ngay từ đầu so với đam mê của mình. Không ít sinh viên sau khi ra trường làm những công việc trái với chuyên môn được học và quá trình làm việc lại rất tốt. Ông Trung chia sẻ: “Do đó, để quá trình học tập là nơi bồi đắp, rèn giũa tốt nhất, các em nên hiểu rõ đam mê và khả năng của mình ngay từ đầu. Các em nên tự làm các biện pháp trắc nghiệm bản thân: Bạn là ai? Phù hợp với ngành nghề gì? Đam mê nghề nghiệp trong tương lai là gì? Khi đã trả lời được các câu hỏi trên, các em nên lựa chọn ngành nghề đam mê và có nhu cầu trong xã hội”.
Người khởi nghiệp phải cực kỳ bản lĩnh Theo ThS. Lê Bình Trung (Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp TP.HCM, Trưởng ban Tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH FPT): Không có con đường trải đầy hoa hồng, con đường khởi nghiệp cũng vậy, nhiều khi người khởi nghiệp còn bị… té (thất bại – NV), khủng hoảng niềm tin, tinh thần, mất hết của cải, có nhiều áp lực… Do vậy, người khởi nghiệp phải là người cực kỳ bản lĩnh, dám đối mặt, dám thay đổi… Điểm cốt lõi là các em dư niềm đam mê khởi nghiệp, đam mê làm giàu cho chính bản thân, gia đình và xã hội, tạo ra những nét mới đột phá, những dịch vụ mới cho xã hội. Niềm đam mê, ý chí đó cần được nuôi dưỡng, nung nấu và quyết tâm thực hiện mới có thể gặt hái được thành công. |
Về những thắc mắc liên quan đến khát vọng khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu đối với những học sinh có đam mê khởi nghiệp trong khi chưa có kinh nghiệm và tài chính, ông Trung cho biết: Thống kê cứ 10 dự án khởi nghiệp chỉ có 1 dự án thành công, khắc nghiệt hơn nữa là trong bối cảnh khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển mạnh mẽ. Để một dự án khởi nghiệp thành công, người có đam mê khởi nghiệp cần chuẩn bị vững vàng nhiều yếu tố. Ông Trung đưa ra lời khuyên: “Khi chuẩn bị khởi nghiệp, người khởi nghiệp cần 3 yếu tố rất vững, trong đó tinh thần khởi nghiệp, khát khao khởi nghiệp, đam mê khởi nghiệp là yếu tố tiên quyết. Thứ hai, dù khởi nghiệp trong bất cứ lĩnh vực gì, người khởi nghiệp cần phải có chuyên môn và am hiểu trong lĩnh vực đó. Thứ ba là các nguồn lực: Con người, tài nguyên, tài chính. Những yếu tố trên cần được tìm hiểu, tích lũy qua thời gian. Đối với những học sinh năm cuối của bậc THCS và THPT nên bắt đầu từ việc tìm hiểu, hình thành ý niệm về kinh doanh, xác định khả năng của bản thân có thế mạnh ở lĩnh vực nào (hội họa, âm nhạc…). Sau khi xác định được, các em nên tìm hiểu sâu về lĩnh vực đó và những người đã thành công ở lĩnh vực đó để có sự kết nối và sau khi chắc chắn về lựa chọn của mình, các em chọn ngành nghề và bậc học phù hợp, đó là con đường để các em “tôi rèn” cho chuyên môn”.
Bài, ảnh: Hoài Thương
Bình luận (0)