Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trang bị phương pháp xử lý thông tin cho người học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quá trình học tập, nhiều học sinh do không biết xử lý thông tin khiến nội dung cần nắm không đạt chất lượng như mong muốn. Vì thế, biết cách xử lý thông tin là một trong những kỹ năng mà các em cần phải được trang bị.

Khi giảng dạy, người thầy cần đặt câu hỏi các dạng khác nhau để học sinh trả lời. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) thực hành thí nghiệm. Ảnh: N.Anh

Xử lý thông tin là khâu quan trọng mà người học phải dùng các thao tác của tư duy để tiếp nhận, phân tích, tổng hợp và lựa chọn thông tin. Những phương pháp sau sẽ giúp người học làm tốt điều đó để có thông tin kiến thức chất lượng.

Diễn đạt ý kiến trước nhiều người 

Diễn đạt ý kiến là trình bày cho người khác hiểu một nội dung mà mình đã chuẩn bị. Bằng cách sắp xếp và truyền đạt một ý tưởng nhất định, với hình thức dùng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết. Diễn đạt ý kiến chính là xử lý thông tin theo cách riêng của mình theo một logic xác định. Trong quá trình dạy, giáo viên nên thường xuyên tạo điều kiện, yêu cầu học sinh lần lượt thay phiên nhau thuyết trình nội dung mình đã chuẩn bị trước tập thể cũng là cách giúp các em xử lý thông tin tốt hơn trong quá trình học. Cụ thể, giáo viên cần thường xuyên tổ chức những buổi thảo luận để học sinh tích cực chuẩn bị kiến thức và trình bày những thông tin liên quan đến quá trình học.

Học bằng phương pháp tiếp cận hệ thống

Xây dựng kiến thức cần học theo một hệ thống nhất định là xem xét nội dung trong một thể thống nhất với các yếu tố có quan hệ, ràng buộc lẫn nhau, phụ thuộc nhau, ảnh hưởng đến nhau. Khi thay đổi một thành phần, một yếu tố trong hệ thống thì các yếu tố khác cũng có sự thay đổi. Vì vậy, phương pháp tiếp cận hệ thống giúp cho người học gắn các vấn đề mình học có liên quan trong một chỉnh thể để xem xét, phát hiện các mối quan hệ giữa chúng trong quá trình học. Yêu cầu học sinh lập đề cương, lập sơ đồ tóm tắt một chương sau khi học sẽ giúp các em sắp xếp, liên kết các vấn đề thành hệ thống, theo một cấu trúc nào đó và có sự giải thích cũng là một cách giúp các em tiếp cận hệ thống.

Biết đặt câu hỏi hợp lý 

Đặt câu hỏi để tìm hiểu, để phân loại, sắp xếp đối tượng theo một cấu trúc, hệ thống cụ thể. Đó cũng là cách xử lý thông tin một cách tích cực từ người học. Người thầy cần đặt các dạng câu hỏi khác nhau để yêu cầu người học trả lời và hướng dẫn người học đặt câu hỏi theo cách hiểu của bản thân trong quá trình học.

Nghiên cứu theo nhóm

Viết tóm tắt từ các bảng ghi chép

Đây là cách xử lý thông tin qua cách hiểu của người học bằng cách thu thập, tổng hợp, chắt lọc, sắp xếp lại các tri thức theo một yêu cầu nào đó sau khi đã ghi chép một số nội dung.

Nghiên cứu và làm việc theo nhóm giúp người học giải quyết các vấn đề khác nhau do nhóm đặt ra và phân công cho các thành viên. Đó là cách xử lý thông tin theo phương pháp liên kết mạng. Nghiên cứu theo nhóm không chỉ giúp người học thu nhận thông tin của nội dung cần nghiên cứu một cách tổng thể mà còn thu nhận thông tin qua phương pháp chủ động thực hiện, xử lý thông tin của các thành viên trong nhóm. Giáo viên phải lên kế hoạch rõ ràng, giao việc cụ thể, hướng dẫn học sinh hoạt động nhóm và kiểm tra kết quả để nghiên cứu theo nhóm và xử lý thông tin trong quá trình học.

Thiết lập sơ đồ, grap hóa

Đây là cách sắp xếp các thông tin theo một kiểu nào đó làm nổi bật đặc tính của sự vật, hiện tượng, có sự so sánh, đối chiếu với một chuẩn nào đó. Lập sơ đồ và cách xử lý thông tin, đưa thông tin vào mối quan hệ, so sánh, đối chiếu với các định mức, tiêu chuẩn cần thiết. Tùy vào nội dung bài học mà giáo viên yêu cầu học sinh lập sơ đồ, biểu bảng phù hợp.

Sắp xếp khái niệm

Sắp xếp các khái niệm đã học là xử lý thông tin theo một trật tự logic, một hệ thống, một đặc điểm hoặc một tính chất nào đó. Khi có nhiều khái niệm khác nhau, thầy giáo định hướng cho học sinh sắp xếp các khái niệm để hiểu rõ mối quan hệ giữa các khái niệm, làm cho học sinh hiểu rõ hơn nội dung bài học.

ThS. Nguyễn Văn Công

Bình luận (0)