Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nỗi sợ… “đổi mới”

Tạp Chí Giáo Dục

Có lẽ không có gì sợ bằng mỗi lần gọi là “đổi mới” của ngành giáo dục! Vì không những nó liên quan đến giáo viên (tập huấn, đổi mới phương pháp…), đến học sinh (đổi mới cách học, cách tiếp nhận…) mà còn ảnh hưởng lớn đến đông đảo phụ huynh.

Một chuyện về cuốn sổ học bạ tiểu học mà làm tới ba lần theo từng giai đoạn “đổi mới” đã nói lên điều đó. Ngay cả bậc đại học cũng chưa có tiền lệ này xảy ra. Cả giáo viên cũng khổ theo bởi phải “làm quen” với các loại sổ mới và ghi đầy đủ các cột mục cũng như nhận xét cuối năm và học bạ. Tưởng rằng mỗi lần “đổi mới”, ra thông tư mới là mội lần giản tiện hơn, “dễ thở” hơn thì ngược lại, càng rối rắm hơn!

Như vậy mỗi học sinh có ba cuốn học bạ như thế thì nhà trường phải sắm tủ gấp ba lần để bảo quản chăng? Việc thay đổi học bạ theo từng thông tư là không cần thiết, không vì học sinh, vì giáo viên mà vì những “lợi ích” khác bởi bán học bạ là độc quyền của giáo dục. Có thể nói tiền tỷ đã đổ ra để làm những chuyện không nên có như thế này!

Thiết nghĩ những người làm công tác giáo dục ở cấp bộ cần có cách làm hiệu quả hơn; không thể làm theo kiểu mỗi lần có “đổi mới” là mỗi lần thay thay đổi đổi học bạ!

Hãy thiết kế học bạ chuẩn, dùng cho nhiều năm, thậm chí nhiều cấp học để có sự theo dõi liên tục, nối tiếp từ thấp tới cao. Một chuyện nhỏ thôi là cuốn học bạ tiểu học mà thay đổi liên tục; gây biết bao tốn kém tiền bạc của nhân dân, tốn kém công sức của giáo viên. Điều đó cho thấy chưa có sự ổn định trong hoạch định, định hướng chương trình học của cấp tiểu học.

Đổi mới để đi lên, để công tác giảng dạy và học tập được cởi mở hơn; chất lượng giáo dục ngày càng cao hơn. Nếu “đổi mới” mà luôn gây rắc rối, xáo xào cho giáo viên, cho phụ huynh, cho học sinh như câu chuyện cuốn học bạ tiểu học thì thà đừng có “đổi mới” thì tốt hơn biết mấy!

Lê Lam Hồng (Sóc Trăng)

Bình luận (0)