Mơ ước, phương pháp, hương phấn, bát chè, hoa nở… cứ ngỡ chỉ là những từ ngữ thường dùng. Nhưng trong trường hợp này, mỗi cặp từ lại là tên gọi của một cặp vợ chồng. Mỗi mùa xuân qua đi, cũng là những tháng ngày họ đã cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi.
“Phương – Pháp”: Cuộc sống đơn giản mà thi vị
Đó là cảm nhận rất dễ nhận biết của những ai cho dù mới đến nhà ông Đỗ Hiến Pháp và bà Tạ Thị Lan Phương lần đầu. Xung quanh ngôi nhà mà gia đình họ đang sinh sống (tại xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), quanh năm suốt tháng không lúc nào là không có hoa nở.
Ông Đỗ Hiến Pháp và bà Tạ Thị Lan Phương |
Thời trai trẻ, ông Pháp vốn là một chàng trai đào hoa, vừa khéo miệng lại vừa khéo tay nên các cô gái cứ mê như điếu đổ. Còn bà Phương vốn là hoa khôi của Trường Trung cấp y tế Kiên Giang vào những năm 90, tính tình khéo léo, nết na, lại là con gái của một gia đình giàu có, nên đôi lần bà trở thành nguyên nhân gây nên những vụ ẩu đả “tranh giành” người đẹp của trai làng. Nhưng người khiến hoa khôi “phải lòng” không ai khác là người đàn ông tử tế và trọng lễ nghĩa. Sau một đám cưới rình rang, họ bắt đầu những tháng ngày hạnh phúc, êm ấm. Vào những đêm trăng sáng, ông Pháp thường gảy đàn guitar cho vợ hát những bài hát yêu thích.
Giờ đây, họ đã có hai cô con gái xinh xắn và ngoan ngoãn. Vợ là một nữ hộ sinh giỏi ở trạm xá huyện, còn ông Pháp ngoài giờ chăm sóc ruộng nương, ông luôn dành thời gian chăm bón cho “vườn hoa có một không hai ở huyện”. Do vậy mà quanh năm suốt tháng, hoa hồng, hoa lan, hoa đồng tiền, hoa hoàng lạc, hoa trang đỏ… trong vườn nhà họ thay nhau nở rộ. Mỗi lần như vậy, hai vợ chồng lại tranh thủ chụp hình đăng facebook chia sẻ với bạn bè và “khoe” với cô con gái đang là sinh viên xa nhà. Đặc biệt, vào những ngày Tết, gần 30 cây hoa mai trong vườn lại đua nhau bung cánh rực rỡ, khiến ai đi ngang qua cũng phải ngắm nghía và trầm trồ ngợi khen.
“Mơ – Ước”: Gia đình được ấm no, đủ đầy
Mơ ước đó là mong mỏi của biết bao gia đình. Trong đó có gia đình của ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước. Ông bà là thân sinh của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập nên thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng hiện nay.
Gia đình ông Mơ – bà Ước vốn là một gia đình nông dân nghèo sinh sống tại tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 1979 thì chuyển đến huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk. Năm 1981, khi con trai được 10 tuổi, thì ông Mơ lâm trọng bệnh khiến gia đình càng lâm vào khó khăn hơn. Kể lại cảm xúc lúc đó, ông Vũ cho biết: “Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!”. Cái khó, cái nghèo khiến tuổi thơ của ông quanh quẩn trong những chuỗi ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch. Vì không có tiền mua xe đạp cho con đi học, nên họ đành cắn răng nhìn con trai “cuốc bộ” trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm trời.
Thấy con học giỏi và đậu vào Trường Đại học Y Tây Nguyên, bà Ước đã phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để con lên Buôn Ma Thuột nhập học. Nhưng khi con trai quyết định rời quê vào TP.HCM tìm đường thoát nghèo, bà Ước đã khóc hết nước mắt. Nhờ có lời khuyên của người em họ, con trai bà Ước lại quay trở về quê hương và lập nên “hãng cà phê Trung Nguyên” vào năm 1996.
Trải qua bao năm tháng nỗ lực gầy dựng, con trai của ông Mơ – bà Ước đã là một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng cả trong nước lẫn ngoài nước với danh hiệu “Vua cà phê Việt Nam”. Vào dịp sinh nhật khoảng 7-8 năm về trước, ông Mơ đã được con trai tặng quà mừng là chiếc xe ô tô hạng sang Mercedes S-class, trị giá khoảng hơn 7 tỉ đồng (theo giá thị trường hiện nay). Giờ đây, ước mơ của ông Mơ – bà Ước đã trở thành hiện thực. Trong căn biệt thự trên đường Nguyễn Tất Thành (thành phố Buôn Ma Thuột), họ đang cùng nhau an hưởng tuổi già bình yên và êm ấm.
“Nở – Hoa”: Sinh ra để dành cho nhau
Đó là câu nói cửa miệng của những người thân quen dành cho ông Nguyễn Văn Nở và bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ phường 21, quận Bình Thạnh). Chính ông Nở cũng đã rất ngạc nhiên khi gặp một người con gái dịu dàng, xinh đẹp, “lại có cái tên rất hợp với mình và lại cùng họ nữa. Đến nỗi có khi nói là hai anh em người ta cũng tin”.
Ông Nguyễn Văn Nở và bà Nguyễn Thị Hoa |
Theo lời ông Nở thuật lại, ông quen vợ vào năm 1970, một năm sau đó họ nên duyên khi ông đang là nhân viên kiểm soát hàng hóa ở Tân Cảng. Sau 45 năm chung sống, ông Nở luôn tâm niệm: “Để đôi bên có sự chung thủy, sống với nhau tới răng long đầu bạc, thì cả hai phải luôn biết nhẫn nhịn và dung hòa trong cuộc sống gia đình. Đặc biệt, vợ tôi còn có đức tính nhẫn nại, luôn hy sinh cho gia đình. Đó là đức tính tuyệt vời mà tôi rất trân trọng”.
Có cùng chung sở thích yêu cây cỏ thiên nhiên và cả hai đều hát hay, nên trong nhiều năm qua, ông Nở và bà Hoa đều là những giọng hát solo xuyên suốt trong nhóm hợp xướng ở nhà thờ. Không chỉ lo cho hạnh phúc của riêng mình, vợ chồng họ còn “sống cho người khác” bằng việc quan tâm, thăm viếng những người khó khăn trong khu xóm.
“Bát – Chè”: Nên duyên từ tình bạn cùng lớp
Đó là câu chuyện về ông Vũ Đình Bát và bà Lương Thị Chè, cùng sinh năm 1954, ngụ đường Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, là bạn học từ lớp 6 đến lớp 12, nên cái tên “Bát Chè” thường được thầy cô và bạn bè gán ghép. Với lý do “không yêu, cũng không thương” nên cô nữ sinh này “bực quá thì viết thư chửi”. Khi 18 tuổi, bà Chè đưa ông Bát về nhà mình chơi, liền bị người chị gái phản đối vì lý do “không nên lấy người bằng tuổi”.
Ông Vũ Đình Bát và bà Lương Thị Chè |
Khi đó có người thanh niên ở đối diện nhà tỏ ý thích cô gái tên Chè, thì anh trai của người này hay buông lời chọc ghẹo. Bực quá, bà đã “quyết định lấy người bạn học cho bõ ghét”. Vốn học trường kịch, nên trong những năm 70, ông Bát bén duyên với điện ảnh và vào vai trong các phim Long hổ sát đấu, Xin nhận nơi này làm quê hương, Điệu ru nước mắt, Kỷ niệm vùng ven… Nhưng từ năm 1980 trở đi, ông cùng với vợ làm nghề may quần tây để nuôi sống gia đình. Bà Chè kể, có khi mua phải vải cải mả của người chết, mùi hôi xộc lên rất khó chịu, nhưng cả hai vợ chồng đều cố gắng vượt qua tất cả. Sau giải phóng, họ tiếp tục chèo chống để vun bồi mái ấm hạnh phúc bằng đủ thứ nghề như làm men bánh mì, đậu hũ, mổ heo… Và hiện nay họ đang là ông bà chủ của một quán ăn tại gia khi con cái đã yên bề gia thất. Quán ăn này không chỉ đông khách vì thức ăn ngon, mà còn vì khách hàng ngày càng bị thu hút bởi những bộ phim hành động hấp dẫn mà ông Bát đã cất công sưu tầm mỗi ngày.
“Phấn – Hương”: Hạnh phúc của người là niềm vui của mình
Khi nhắc đến vợ chồng ông Nguyễn Đăng Phấn (nguyên là bác sĩ Khoa Lồng ngực mạch máu – Bệnh viện Bình Dân) và bà Uông Thị Nhu Hương (nguyên là giảng viên Trường Đại học Y dược), thì người dân ở khu vực phường 9 và các phường lân cận (quận Gò Vấp) có lẽ không lạ lẫm gì. Vì là địa bàn có dân nhập cư đông, nên vợ chồng bác sĩ Phấn đã kêu gọi đầu tư và sáng lập nên Phòng khám đa khoa Xóm Mới (332-334 Phạm Văn Chiêu, phường 9, Gò Vấp), nhằm có nơi để chăm sóc sức khỏe cho họ. Đó là lý do có người gia cảnh khó khăn, khi đến đây đã được miễn phí cả tiền thuốc lẫn tiền khám.
Cũng ở đây, đội ngũ nhân viên luôn nhiệt tâm trong việc phục vụ người nghèo. Vì nhiều người trong số họ đã được phòng khám này đón nhận trong lúc “mới ra trường, chưa xin việc được ở đâu”. Hay thậm chí có người chưa có tay nghề, vẫn được vợ chồng bác sĩ Phấn tạo điều kiện và lo kinh phí cho đi học chuyên môn và trở về phục vụ tại phòng khám này. Ân tình đó chính là động lực thúc đẩy họ cống hiến tuổi xuân để sống và phục vụ cho con người và cho cuộc đời.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)