Gần đây đã xảy ra một số bất thường trong văn hóa học đường, khiến dư luận băn khoăn, người trong ngành giáo dục cũng lo lắng, bất an.
Văn hóa ứng xử trong trường học thể hiện qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi của giáo viên và học sinh. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Thực chất đây chính là sự mâu thuẫn giữa cách ứng xử truyền thống và hiện đại trong môi trường học đường. Do đó, rất cần có sự kết hợp giữa 2 lối ứng xử này.
Trang phục học đường
Trong trường học, bất kỳ cấp học nào thì số đông vẫn là số người trẻ, độ tuổi thanh, thiếu niên và nhi đồng – lứa tuổi rất nhạy cảm với cái mới trong trang phục, giày dép, kiểu tóc, cặp sách…
Chúng ta không phủ nhận cái đẹp, hiện đại của những mốt mới. Tuy nhiên, cần phải có lựa chọn trang phục cho phù hợp với môi trường và văn hóa học đường và phù hợp với điều kiện, đời sống của đa số học sinh (HS).
Ở thành phố và thị xã, thị trấn, đối với HS nữ, lứa tuổi tiểu học mặc váy và sơ mi trắng là đẹp, còn HS nam là quần ngắn và sơ mi trắng; đối với lứa tuổi trung học, ở lớp 6 và 7, nữ mặc váy và nam quần dài xanh, áo trắng. Nhưng từ lớp 8 đến lớp 12, nữ nên đồng phục áo dài trắng hoặc quần xanh, áo trắng, còn nam là quần xanh/đen, áo trắng.
Với cô giáo, đồng phục lên lớp nên là áo dài truyền thống hoặc quần áo sơ mi kiểu công sở. Thầy giáo là quần áo sơ mi hoặc mặc veston đối với những vùng lạnh. Còn đối với những vùng khó khăn, tùy theo điều kiện để chọn trang phục cho phù hợp. Nhà trường cần giúp đỡ những HS nghèo để các em có áo quần theo trang phục chung.
Ngôn ngữ hiện đại nhưng không được tục tĩu
Trong nhà trường, văn hóa giao tiếp thể hiện qua các mối quan hệ: giữa giáo viên với nhau, thầy – trò, trò – trò, trò – cán bộ, nhân viên trong trường.
Nhà trường là một bộ phận của xã hội nên ngôn ngữ trong nhà trường là ngôn ngữ xã hội. Tuy nhiên, nhà trường là môi trường có văn hóa, nơi hình thành và phát triển nhân cách HS và cả nhân cách trong nghề nghiệp của thầy, cô giáo. Chính vì vậy, ngôn ngữ trong nhà trường phải chuẩn mực, dễ hiểu và trong sáng. Không thể sử dụng ngôn ngữ vỉa hè, chợ búa, tục tĩu trong giao tiếp ở nhà trường.
Trong quan hệ giữa thầy và trò, cần thể hiện được tinh thần dân chủ, bình đẳng, hiện đại thông qua việc học trò có thể trò chuyện, đề đạt nguyện vọng của mình với thầy cô một cách thoải mái. Tuy nhiên, phải có khoảng cách nhất định, dù thoải mái đến đâu thì thầy phải ra thầy và trò phải ra trò, có trên có dưới và trò tôn trọng thầy cũng như thầy tôn trọng trò. Giáo viên sử dụng ngôn ngữ hiện đại, phổ thông nhưng vẫn gần gũi với HS, không nên sử dụng quá nhiều phương ngữ và thổ ngữ, nhưng cũng không sử dụng ngôn ngữ quá mới (như ngôn ngữ tuổi teen nhắn tin qua điện thoại). Thầy, cô giáo đến giảng dạy tại một địa phương khác vùng, miền nên nói chậm, rõ ràng, ngôn ngữ phổ thông để học trò nghe và hiểu được.
Thầy trò tôn trọng nhau
Trong môi trường văn hóa trường học, thói quen tôn trọng, quan tâm tới người khác, biết nhường nhịn, biết đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng chung một cách khéo léo là nét đẹp văn hóa. Sự hiện đại trong cách ứng xử so với trước đây là có thể sử dụng điện thoại, email… để trao đổi, chia sẻ những điều bổ ích, nói lời cảm ơn… Lưu ý sử dụng điện thoại, email, mạng xã hội… cần dùng lời lẽ ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, không công kích, nói xấu, chia rẽ, mất đoàn kết.
Thầy phải tôn trọng nhân cách của trò, có nghĩa là giúp HS phát triển một cách toàn diện theo mỗi cá nhân, tôn trọng cá tính và năng khiếu riêng của HS, tránh mọi hình phạt phạm đến nhân cách trẻ. Học trò tôn trọng thầy cô theo truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc, nhưng cũng phải kết hợp với sự tự tin của tuổi trẻ học đường hiện đại khi đề đạt hay trao đổi, tranh luận với thầy cô một vấn đề nào đó, nhưng bằng những lời lẽ hợp lý, chân thành, tôn ti, trật tự. Thầy cô không được ép hay “khủng bố” học trò phải học thêm hay có tình cảm quá mức, thiếu sự trong sáng của tình thầy trò.
Ở nhà trường, tác phong cần phải mô phạm, đĩnh đạc, nghiêm túc hơn. Đây chính là nét truyền thống, nhưng vẫn có nét hiện đại là phải nhanh nhẹn, dứt khoát, khoa học, đúng giờ, nói đi đôi với làm. Tránh lối sinh hoạt lề mề, chậm chạp, không đúng giờ giấc; giảng dạy và học tập đều phải đúng kế hoạch, đúng thời khóa biểu. Những thói quen xấu chính là biểu hiện của vô văn hóa, vô kỷ luật, thiếu hợp tác, thiếu tôn trọng người khác, cần phải được khắc phục.
Thầy cô phải yêu công việc mình làm, môn học mình đảm trách, yêu thương và có niềm tin với các thế hệ học trò. Như vậy, trong đời sống văn hóa học đường thấm đẫm tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc nhưng lại vô cùng hiện đại.
Nếu biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong văn hóa học đường, chắc chắn sẽ tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra như trong thời gian gần đây. Như vậy, Bộ quy tắc ứng xử trong học đường của Bộ sắp ban hành cũng cần lưu ý có sự kết hợp này.
Theo TNO
Bình luận (0)