Mặc dù Nhà nước đã đầu tư khá nhiều tiền của để nâng cấp công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, song các hiện tượng cực đoan như mưa trái mùa, mưa lũ kỷ lục, nắng nóng giữa mùa đông, tuyết rơi tại Hà Nội và Nghệ An, hoa trái nở quá sớm, liên tục mất mùa… những năm gần đây cho thấy thời tiết đang có những dấu hiệu bất thường.
Mưa ở Đồng Hới đạt mức kỷ lục lên đến 770mm
Theo GS Phan Văn Tân, giảng viên của Khoa khí tượng – thủy văn và hải dương học (Đại học Quốc gia Hà Nội), cả nước đã trải qua năm 2016 với những diễn biến thời tiết lạ thường: đầu năm băng giá kỷ lục ở miền Bắc; giữa năm hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ; cuối năm lại xuất hiện mưa lũ lịch sử ở miền Trung và một mùa đông ấm chưa từng có ở miền Bắc. Đặc biệt, đến cuối tháng 12, bão vẫn còn xuất hiện trên biển Đông trong khi thông thường vào thời điểm này, các xoáy thuận nhiệt đới đã trôi xuống phía Nam bán cầu.
Bước sang đầu năm 2017, thời tiết vẫn đang tiếp tục diễn ra bất thường. Áp thấp nhiệt đới vẫn xuất hiện ở biển Đông và ngoài Thái Bình Dương. Từ đầu tháng 2 đến nay, mưa trái mùa liên tục xuất hiện ở cả khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, mùa khô năm nay ở miền Nam đến muộn. Còn tại Nam Trung bộ mặc dù mọi năm vào độ tháng 1 và 2 là mùa mưa đã kết thúc nhưng đầu tháng 2 vẫn có mưa lũ trái mùa gây ngập nặng. Mưa lũ trái mùa gây ảnh hưởng tới mùa vụ gieo trồng, giao thông và du lịch.
Tại cuộc họp cập nhật tình hình thời tiết và bàn kế hoạch triển khai vụ đông xuân của Bộ NN-PTNT vừa tổ chức, các chuyên gia cho biết, theo nhận định thì nền nhiệt độ bình quân từ tháng 1 đến 4-2017 năm nay sẽ cao hơn chuẩn trung bình nhiều năm 0,5-1°C. Vì vậy, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, rét đậm, rét hại không kéo dài và thời tiết ấm trái mùa là cơ hội để chuột, ốc bươu vàng, dịch bệnh đạo ôn, rầy nâu… hoành hành.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng – thủy văn Quốc gia, hiện tượng thời tiết bất thường và trái quy luật không diễn ra riêng ở nước ta mà trên quy mô toàn thế giới. Theo các mô hình dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng, trong năm 2017, thời tiết vẫn còn tiếp tục khó lường, công tác cảnh báo gặp nhiều khó khăn. Sở dĩ miền Bắc có mùa đông ấm còn miền Nam mưa lũ trái mùa là do các đợt không khí lạnh ở Bắc bán cầu tràn xuống đang có xu hướng lệch Đông nên miền Trung và Nam lạnh hoặc bị ảnh hưởng nhiều hơn miền Bắc. Hiện nay, ENSO (tên viết tắt chỉ sự xuất hiện đồng thời của hai hiện tượng là El Nino, La Nina và dao động Nam) đang ở pha trung tính (nghiêng về pha lạnh) nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu của một kỳ La Nina. Dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển sẽ tiếp tục có xu hướng ấm dần và hiện tượng ENSO sẽ ở trạng thái trung tính trong năm 2017, khả năng xuất hiện La Nina thấp dần. Nhiều khả năng những tháng đầu năm 2017 nền nhiệt độ (đặc biệt ở khu vực miền Bắc) có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm, rét đậm – rét hại không kéo dài; mùa mưa bão 2016 ở khu vực phía Nam sẽ kéo dài sang các tháng đầu năm 2017. Mùa bão 2017 đến sớm hơn trên phạm vi cả nước.
PHÚC HẬU/ SGGP
Bình luận (0)