Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, các trường thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thường phải đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học. Để giảm thiểu tình trạng này, nhiều địa phương đã linh hoạt điều chỉnh lại biên chế năm học cho phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của địa phương.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho hay ngay từ đầu năm học, Sở đã có kế hoạch biên chế năm học khác với các địa phương khác.
Cụ thể, đối với học sinh vùng thuận lợi (gồm 7 thị trấn ở các huyện và thành phố Lai Châu), học sinh nghỉ tết theo như quy định của nhà nước. 80% học sinh còn lại ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn (75 xã/108 xã phường của tỉnh) học sinh được nghỉ Tết đến sau rằm tháng Giêng.
“Do phong tục tập quán của người dân tộc nên chúng tôi cho học sinh nghỉ dài hơn một chút so với học sinh vùng thuận lợi. Vì nếu có yêu cầu đến sớm học sinh cũng không đến trường. Ở trên này chúng tôi chỉ đạo biên chế năm học theo mùa vụ, theo phong tục, tập quán của người dân vùng dân tộc thiểu số.
Nên tùy từng vùng, sẽ có thời gian biên chế năm học khác nhau. Ví dụ người Thái liên quan đến rằm tháng Giêng. Nên nếu cứ bắt học sinh đi học sớm thì họ sẽ không đi. Do đó, cho họ nghỉ để lúc khác huy động dễ hơn” – ông Hán nói
Chính vì vậy, theo ông Hán, thời điểm hiện tại, học sinh ở thành phố, thị trấn vẫn đến học bình thường. Còn học sinh các trường vùng sâu vùng xa, các trường bán trú hay dân tộc nội trú thì nghỉ dài hơn.
Ông Hán cũng cho hay, theo kinh nghiệm những năm trước, về cơ bản sau rằm tháng Giêng là học sinh của tỉnh ở các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số đến trường tương đối đầy đủ.
“Vì thời gian gần đây, chính sách của chúng ta tốt, công tác nuôi dạy có nhiều tiến bộ nên tình trạng nghỉ học ít hơn. Một vài chỗ đặc biệt khó khăn thì vẫn cần giáo viên đến vận động. Mấy năm nay chúng tôi tham mưu cho tỉnh yêu cầu chủ tịch ubnd các huyện ký cam kết với các xã họ vào cuộc thêm để có tác động tương đối tốt” – ông Hán nói.
Không có tình trạng học sinh bỏ học
Trong khi đó, tuy là vùng có đồng bào dân tộc nhưng ông Hoàng Văn Thinh, giám đốc sở GD&ĐT Tuyên Quang cho biết sau Tết nguyên đán, từ ngày 6 tháng Giêng, học sinh của Tuyên Quang đã đến học bình thường và tương đối đầy đủ.
“So với các tỉnh miền núi khác thì Tuyên Quang không khó khăn bằng. Trước Tết, học sinh các trường dân tộc nội trú cũng đã được nghỉ sớm hơn so với quy định chung nên sau Tết, học sinh trở lại trường bình thường” – ông Thinh cho hay.
Ghi nhận của Tiền Phong tại TPHCM, năm nay học sinh được nghỉ tết kéo dài đến 16 ngày. Cụ thể, đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm GDTX, học sinh bắt đầu nghỉ từ ngày 23/1 (tức ngày 26 tháng chạp âm lịch) đến hết ngày 5/2 (tức mùng 9 tháng 1 âm lịch) và đi học lại bình thường vào ngày 6/2.
Kỳ nghỉ tết dài ngày khiến không ít học sinh uể oải nhưng trong ngày đi học đầu tiên, 6/2, nhiều trường học sinh đi học khá chăm chỉ. Ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú cho biết, trong ngày đi học đầu tiên trường vắng khoảng 10 em học sinh.
“Đa số những học sinh vắng này là các em ở xa, về quê ăn tết nhưng trở lại thành phố không kịp với các lý do khác nhau. Phụ huynh các em này cũng đã gọi điện để thông báo tình hình. dự kiến ngày mai sẽ đi học đầy đủ”, ông Độ nói.
Tương tự, đại diện các trường khác như THPT Thủ Thiêm (quận 2), THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh); THPT Bùi Thị Xuân (quận 1)…. cũng cho biết số lượng học sinh vắng học trong ngày đầu đi học sau kỳ nghỉ tết không nhiều.
“Trường đang tìm cách để lấy lại không khí học tập cũng như động lực cho học sinh sau kỳ nghỉ tết dài ngày, nhất là các học sinh lớp 12 để có kiến thức tốt cho việc chuẩn bị thi THPT Quốc gia sắp tới”, đại diện trường THPT Thủ Thiêm cho biết.
Nghiêm Huê – Nguyễn Dũng (TPO)
Bình luận (0)