Trong 2 ngày 6 và 7-2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đến TP.Cần Thơ làm việc nhằm tìm giải pháp cho sự phát triển GD-ĐT của Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với các HS Trường Tiểu học Ngô Quyền. Ảnh: Đ.Phượng |
Cần có những mũi nhọn, mô hình mới
Chiều 6-2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác đã đến thăm Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều. Đây là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của Cần Thơ, là một trong 3 đơn vị được chọn thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và rèn luyện các kỹ năng. Trường hiện có 1.886 học sinh (HS)/49 lớp, trong đó 28 lớp học theo chương trình VNEN.
Sau khi tiếp xúc với HS cũng như tìm hiểu về trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao những thành tích mà trường đã đạt được, cũng như cơ sở vật chất đảm bảo cho HS học tập và vui chơi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tỏ ra băn khoăn vì nhà trường đã dàn đều trong các hoạt động đổi mới như dạy chương trình tích hợp toán và khoa học bằng tiếng Anh kết hợp ứng dụng phần mềm học tiếng Anh SpeakingPAL do Đại sứ quán ISRAEL trao tặng; Phương pháp “bàn tay nặn bột”, Robocon… Và điều đáng nói là không có hoạt động nào nổi bật để các trường khác học tập kinh nghiệm.
Bộ trưởng nêu: “Chẳng hạn chương trình VNEN có nhiều điểm tốt nhưng chỉ phù hợp với lớp học có sĩ số ít, bởi nguyên bản của cách dạy này là dành cho một nhóm HS, trong khi trường Ngô Quyền có lớp sĩ số hơn 40, phòng học nhỏ, HS không có chỗ đi lại, dạy phương pháp này không thích hợp”.
“Cần có những mũi nhọn trong đào tạo” cũng là vấn đề Bộ trưởng nhấn mạnh khi làm việc với Trường ĐH Cần Thơ chiều 6-2.
Theo báo cáo của PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, ĐH Cần Thơ có 14 khoa với 54.926 SV/97 chuyên ngành ĐH, CĐ; sau ĐH có 3.209 học viên/42 chuyên ngành cao học, 16 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Hàng năm trường có trên 8.000 SV, học viên tốt nghiệp ra trường. “Trường đang xây dựng chương trình đào tạo mới, thực hiện cơ chế tự chủ nhưng số tiến sĩ chỉ đạt 60% trong khi chỉ tiêu là 80%, trường không có kinh phí đào tạo vì ngân sách hoạt động ngày càng cắt giảm: năm 2017 kinh phí được cấp là 66,6 tỷ, giảm 42,5% so với năm 2016, trong khi các văn bản quy định của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các bộ ngành khác về chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập SV, cấp học bổng, không thay đổi khiến trường khó khăn trong cân đối ngân sách. Các dự án quốc tế và trong nước, do yêu cầu về vốn đối ứng, trong khi nguồn lực tài chính trường có hạn, đây là một trong những khó khăn lớn của trường khi triển khai các dự án”, PGS.TS Hà Thanh Toàn tâm tư.
Theo đó, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép trường có cơ chế tự chủ như Trường ĐH Quốc gia (không phải cơ chế của ĐH vùng). Trường được phép mở những ngành đào tạo và các chương trình quốc tế và trong nước bậc ĐH, sau ĐH các ngành ngoài danh mục cấp 4 của bộ. Đồng thời cho phép trường thành lập những trung tâm đào tạo tiếng Nhật, Hàn, Đài Loan để phục vụ nhân lực cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Cần Thơ; xây dựng Khoa Khoa học công nghệ để ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL, thành lập trường trung học quốc tế trên cơ sở trường trung học thực hành trực thuộc Khoa Sư phạm.
Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: ĐH Cần Thơ không nên dàn trải trong đầu tư mà cần phối hợp các tỉnh, thành trong khu vực để nghiên cứu, xác định đâu là những ngành cần đào tạo, phục vụ thế mạnh sản xuất của vùng và các địa phương đang cần. Qua đó đóng góp cho sự phát triển ĐBSCL như nông nghiệp, thủy sản… Bộ sẽ tập trung đầu tư cho những chuyên ngành này. Bộ đồng ý với trường trong việc liên kết quốc tế để mở các ngành đào tạo ngoài danh mục nhằm đáp ứng yêu cầu của vùng và các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đây là hình thức đào tạo theo địa chỉ, nhưng cần chọn những đối tác có uy tín, sau đó làm đề án gửi bộ…
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trước mắt, ĐH Cần Thơ cần chuẩn bị các điều kiện để tiến tới thực hiện tự chủ. Bộ đã trình Chính phủ dự án tự chủ của các trường ĐH công lập, nếu trường còn lúng túng trong thực hiện thì chờ Chính phủ ban hành dự án”.
Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ĐH
Sáng 7-2, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Cần Thơ, hiệu trưởng các trường ĐH đóng trên địa bàn.
Tại đây, TP.Cần Thơ kiến nghị Bộ GD-ĐT có cơ chế đặc thù trong đào tạo sau ĐH cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, góp phần để Cần Thơ thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển GD-ĐT của vùng; cho thành lập Trường ĐH Kiến trúc, ĐH Quốc tế, ĐH KHXHNV, nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật thành trường CĐ; cho chủ trương sáp nhập Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật vào Trường ĐH Công nghệ Kỹ thuật Cần Thơ để mở rộng cơ sở vật chất và đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ từ trung cấp, CĐ đến ĐH; cho giảng dạy ngoại ngữ Nhật, Hàn tại trường phổ thông…
Trước những kiến nghị thành lập mới các trường ĐH, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, thẳng thắn: “Hiện TP.Cần Thơ có phân hiệu Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM – đây là một trong những ĐH hàng đầu của VN, đội ngũ giảng viên ổn định, chất lượng đào tạo đảm bảo. Nếu thành lập trường mới địa phương cần xem lại vì rất tốn chi phí về xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giảng viên, đảm bảo chất lượng đào tạo. Hiện nay điều quan trọng hàng đầu của đào tạo ĐH là chất lượng, không phải là trường đó trực thuộc ai? Những trường ĐH còn lại cần nghiên cứu kỹ hơn về nhu cầu nhân lực trước khi tiến hành”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, giáo dục ĐH có “vấn đề” nhất. Nếu không muốn nói là đang trong vùng trũng, trong khi đây là bậc đào tạo để vào đời cho HS. Do vậy Bộ GD-ĐT đang cơ cấu lại mạng lưới các trường ĐH. Không nhất thiết mỗi tỉnh, thành phải có 1 trường ĐH Cần Thơ là TP động lực của vùng, trong đó ĐH Cần Thơ là trường trọng điểm, có nhiệm vụ liên kết với các trường ĐH trong vùng để bàn bạc, nghiên cứu tìm chiến lược đào tạo để các trường ĐH trong và ngoài công lập đều đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu tỉnh nào cần, có thể đề nghị mở phân hiệu của ĐH Cần Thơ. Riêng Khoa Sư phạm của trường, bộ chọn đầu tư để trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ – giáo viên cho khu vực. Bộ cũng chọn một trường ĐH ngoài công lập tại Cần Thơ để đầu tư xây dựng mô hình chất lượng cao, từ đó nhân rộng cho các trường ngoài công lập khác. Đối với đề nghị của Cần Thơ thành lập Trường ĐH KHXHNV, hiện nay Chính phủ chủ trương không thành lập trường ĐH mới. Trong thực tế nhu cầu của thị trường đối với các ngành khoa học xã hội không cao mà rất cần các ngành kỹ thuật công nghệ. Nếu Cần Thơ có nhu cầu về ngành này, nên đầu tư cho Khoa XHNV của ĐH Cần Thơ để nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với ĐH Quốc tế, đây là chủ trương xã hội hóa được Chính phủ khuyến khích nhưng Cần Thơ cần xem xét kỹ vì liệu có thu hút người học không? Ngoài ra không thể sáp nhập Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật vào Trường ĐH Công nghệ Kỹ thuật Cần Thơ vì mỗi trường có nhiệm vụ, chức năng đào tạo riêng. Riêng môn ngoại ngữ ở bậc phổ thông chỉ nên tập trung cho tiếng Anh, mở thêm các ngoại ngữ khác sẽ không đảm bảo về giáo viên…”.
Đan Phượng
Bình luận (0)