Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thúc đẩy bình đẳng giới: Không thể thiếu… đàn ông

Tạp Chí Giáo Dục

Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, bên cạnh hệ thống chính sách về bình đẳng giới, cần có sự tham gia của nam giới vào quá trình thực thi bình đẳng, và đặc biệt, chính phụ nữ phải ý thức được quyền bình đẳng của mình.

Sáng 28/11, tại TP.HCM, đã diễn ra sự kiện “Bữa sáng ruy-băng trắng – Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em”, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam, ActionAid Việt Nam và Công ty Truyền thông Sunrisesvn phối hợp tổ chức. 

Bình đẳng giới vẫn còn quá xa

Hình thức của chương trình là mọi người dùng chung bữa sáng và thảo luận. Bắt nguồn từ hai chữ “bình đẳng”, bàn chúng tôi trở nên sôi nổi hẳn. Một phụ nữ kể, chị là một cán bộ chuyên trách bình đẳng giới ở một quận, chồng cũng là cán bộ cấp quận. Mỗi sáng, sau khi ăn bữa sáng do vợ nấu, anh ra xe để tài xế chở đi làm; chị lúi húi dọn dẹp, xong xuôi, lại tất tả chở hai con đến trường rồi mới ngược đường về cơ quan. Chị nói: “Nhiều lúc trên đường đến cơ quan, thấy chồng thong thả xách cặp đi vô cổng cơ quan của ảnh mà nước mắt mình muốn trào ra. Gần 10 năm chung sống, chưa bao giờ mình về trễ mà có cơm để ăn”.

Tiếp lời chị, một phụ nữ trạc tuổi tứ tuần kể, việc chị đi làm về trễ, con kêu đói nhưng chồng điềm nhiên ngồi đọc báo là bình thường. Có lần, chị nhờ chồng lau phòng để chị dỗ con đang sốt, má chồng chị liền giành giẻ lau, cằn nhằn: “Đàn ông đàn ang, ai lại đi làm mấy việc vặt vãnh này”.

Nghe chị nói, cả bàn cười rộ lên, nhưng rồi sau đó chùng xuống khi chợt nhận ra: phụ nữ Việt Nam vẫn chịu bất bình đẳng quá lớn. Xã hội vẫn mặc định rằng, người vợ, người mẹ phải quán xuyến trong ngoài, phụ nữ phải hy sinh, phải vun vén, phải giỏi giang, thậm chí… không được đổ bệnh, và các bà mẹ thế hệ hôm nay vẫn đang hướng con cái mình theo dòng suy nghĩ ấy. Ngay cả những người làm công tác bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em mà vẫn chấp nhận bất bình đẳng thì biết bao giờ, chúng ta mới bình đẳng giới? Thế nên, mới có những vụ bị chồng bạo hành triền miên nhưng người vợ vẫn cắn răng chịu đựng.

 
Thuc day binh dang gioi: Khong the thieu… dan ong
Các đại biểu tại sự kiện “Bữa sáng ruy-băng trắng”

Bạo hành, quấy rối tình dục vẫn còn phổ biến

Phát biểu tại sự kiện trên, ông Trần Ngọc Sơn – Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TP.HCM – cho biết: “Sự kiện hôm nay nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là nam giới, về vai trò của nam giới trong việc ủng hộ và thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xóa bỏ định kiến giới và ngăn chặn các hành vi quấy rối tình dục, bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em, xây dựng và thúc đẩy những chính sách kinh tế, xã hội có yếu tố giới để đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái được phát triển mọi tiềm năng và tận hưởng các cơ hội ngang bằng với nam giới và trẻ em trai”. 

Theo khảo sát của chương trình “Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái” tại TP.HCM vào năm 2017, có 18,5% phụ nữ tham gia phỏng vấn cho biết đã từng bị quấy rối tình dục, 11,7% nam giới tham gia phỏng vấn thừa nhận đã có các hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng trong 12 tháng qua. Theo một nghiên cứu khác của tổ chức ActionAid Việt Nam, 87% phụ nữ tại TP.Hà Nội và TP.HCM tham gia cuộc phỏng vấn vào năm 2014 cho biết, họ từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.

Mới đây, ngày 25/10, khi tổng kết 10 năm triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Ban chỉ đạo công tác gia đình TP.HCM thừa nhận, mặc dù đưa ra nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến can thiệp, hỗ trợ và xử lý nhưng đến nay, bạo lực gia đình tại TP.HCM vẫn diễn biến khá phức tạp, có những vụ bạo lực gia đình cực kỳ nghiêm trọng, gây ra những tổn hại lớn về thể chất và tinh thần cho nạn nhân. Ban này thống kê, từ giữa năm 2009 đến tháng 6/2018, toàn thành phố có 1.877 vụ bạo lực gia đình, trong đó, hơn 1.400 số vụ tập trung tại khu vực nội thành. Trong số các loại hình bạo lực gia đình thì bạo lực thân thể chiếm tới 61,4% (1.152 vụ), bạo lực tinh thần chiếm 30,8% (578 vụ).

Kỳ vọng của ban tổ chức sự kiện “Bữa sáng ruy-băng trắng” là tạo ra diễn đàn cho nam giới, cộng đồng thảo luận, đóng góp các giải pháp để thực thi bình đẳng giới, chấm dứt vấn đề bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, để mỗi nhà luôn có những bữa sáng ấm áp yêu thương và bình đẳng, bên cạnh hệ thống chính sách về bình đẳng giới, cần có sự tham gia của nam giới vào quá trình thực thi bình đẳng, và đặc biệt, chính phụ nữ phải ý thức được quyền bình đẳng của mình. 

Nghi Anh/Phunuonline

Bình luận (0)