Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Việt kiều làm nông nghiệp sạch

Tạp Chí Giáo Dục

“Tại sao quê hương mình đầy lúa gạo, tôm cá và củ quả, nhưng nông dân lại nghèo và hàng ngày chúng ta vẫn phải đối mặt với thực phẩm bẩn”, TS Nguyễn Thanh Mỹ (kiều bào Canada) tự hỏi, rồi một ý tưởng lóe ra trong đầu ông: đầu tư và khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp.

Cũng như TS Nguyễn Thanh Mỹ, thời gian qua, nhiều kiều bào đã xây dựng các mô hình nông nghiệp có áp dụng khoa học công nghệ hợp lý, mang lại giá trị cao. Điều đặc biệt ở cách làm của các kiều bào: không thu lợi nhuận về cho mình mà sẵn sàng chia sẻ mô hình, cách làm với cộng đồng.

Trồng rau sạch bội thu

Ông Peter Hồng là kiều bào Australia, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Việt Úc và là Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Đầu năm 2016, ông tạo mô hình trồng rau sạch thủy canh theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại quê nhà. Mức đầu tư cho một mẫu (hécta) trồng rau sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà đối tác ở Israel, Thái Lan, Nhật Bản chào giá khoảng 18 – 40 tỷ đồng, nhưng ông Peter Hồng tự làm tại quận 2 (TPHCM) chỉ hết 8,5 tỷ đồng. Ông nhận ra đầu tư trồng rau theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở Việt Nam là rẻ nhất và lời rất nhiều.

Ông Peter Hồng kể, 5.000m² rau sạch thủy canh ở quận 2 mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 7 tấn rau, bán với giá 127.000 đồng/kg. Cả trang trại lớn song ông chỉ cần 12 sinh viên làm bán thời gian. “Tôi trân trọng nói thật, vốn 1kg rau chưa đến 16 cent, tức chưa tới 5.000 đồng/kg. Nên chưa đầy 1 năm là tôi đã hoàn vốn. Rau sạch không đủ để bán, bội thu”, ông Peter Hồng chia sẻ.

Ông Peter Hồng sẵn sàng chia sẻ cách trồng rau sạch có thể ăn ngay

Cách làm của Peter Hồng là trồng rau thủy canh không dùng một chút dinh dưỡng nào, ngoại trừ ánh sáng mặt trời và nước sạch. Nước được xử lý 3 ngày, rồi đưa tới Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm, sao cho đạt chuẩn sạch đúng nghĩa, không có tạp chất. Toàn bộ điện cho rau cũng là điện sạch, khi ông tự lắp đặt bằng điện mặt trời, rẻ hơn 50% so với sử dụng điện lưới. Không bỏ dinh dưỡng vô nước nên rau của Peter Hồng có thời gian sinh trưởng 38 – 44 ngày mới được thu hoạch, chậm hơn khoảng nửa tháng so với rau thủy canh thông thường. Ngược lại, rau đạt chất lượng cao và siêu sạch, có thể ăn ngay không cần rửa.

Tự tạo mô hình mẫu hiệu quả để người nào cần thì đến tham khảo, Peter Hồng cũng đang phối hợp với một khu công nghiệp để cuối năm nay sẽ trồng 5ha; phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM trồng 3ha theo phương pháp trên. Thay vì bán 127.000 đồng/kg rau như mức giá cho các khách sạn 5 sao như hiện nay, Peter Hồng muốn mỗi kílôgam rau sạch bán cho công nhân ở mức 30.000 – 40.000 đồng và đưa vào bếp ăn tập thể của sinh viên.

Bỏ công ty 100 triệu USD, đi khởi nghiệp làm nông

Sau 2 nhiệm kỳ 5 năm làm tổng giám đốc ở Tập đoàn Mỹ Lan, cuối năm 2015, TS Nguyễn Thanh Mỹ giao quyền quản lý tập đoàn có giá trị gần 100 triệu USD cho vợ và nghỉ hưu ở tuổi 60. Sau vài tuần lễ nghỉ hưu, cảm thấy mình còn quá trẻ lại không làm gì, hàng ngày lại thường xuyên nghe nói về “thực phẩm bẩn”, ông Mỹ liền khởi nghiệp bằng việc đầu tư và xây dựng Công ty Rynan AgriFoods (tại Trà Vinh), tập trung ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Mặc dù được sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chưa bao giờ ông Mỹ để ý và biết gì về nông nghiệp. Ông bắt đầu “trở thành một người nông dân” cho việc khởi nghiệp này. Chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm 5 phân khúc: vật tư đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Vấn đề và thách thức lớn nhất theo ông Mỹ là: đầu vào sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ; canh tác nhỏ lẻ, manh mún và thiếu liên kết dẫn đến phí phạm tài nguyên và sức lao động; hơn 40% nông sản bị hư hỏng là do thu hoạch, vận chuyển, tồn trữ, bảo quản không đúng quy trình và phương tiện; nông dân là người trực tiếp tạo ra giá trị nông sản, nhưng cũng là người được hưởng ít nhất, còn người tiêu thụ thì lo lắng vì hàng ngày phải đối mặt với thực phẩm bẩn.

Xác định “trong nguy thì có cơ”, ông Mỹ nghiên cứu ra “phân bón thông minh” và “phân bón tan chậm có kiểm soát”. Những sản phẩm công nghệ cao này sẽ giúp nông dân giảm hơn 50% lượng phân bón sử dụng. Nông dân chỉ bón phân 1 lần trong lúc chuẩn bị đất cho vụ mùa, thay vì phải bón 4 lần như hiện nay. Năng suất tăng hơn 10% và quan trọng nhất là có thể giảm thải khí nhà kính hơn 50% từ phân bón.

Ông Mỹ cũng đang xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng mô hình Internet của Vạn vật và công nghệ điện toán đám mây cho việc đo đạc chất lượng, phân phối và quản lý nước trong nông nghiệp, nhằm giúp nông dân tự động hóa trong canh tác và tiết kiệm nước, năng lượng, sức lao động. Trong bảo quản, ông Mỹ nghiên cứu màng chất dẻo đa lớp có khả năng cản khí cao. Chỉ cần thay đổi nồng độ khí oxy nito và carbonic trong bao bì thì có thể tăng thời gian bảo quản thịt, cá, tôm và những nông sản khác 3 – 5 lần dài hơn, mà không cần dùng đến hóa chất hay đông lạnh.

Trong khi đó, từ năm 2013, bà Vũ Thị Mai Liên (kiều bào Nga), lại thuê 8,5ha Cù lao Ba Xê (tỉnh Đồng Nai) để nuôi vịt trời hoàn toàn theo cách tự nhiên. Hàng tháng, bà Liên xuất bán 10.000 con cho các nhà hàng trong khu vực.

Tạo mô hình mẫu giúp mọi người dễ nắm bắt phương pháp, TS Nguyễn Trí Dũng (kiều bào Nhật) biến vườn xoài 30ha ở Trà Vinh đang lình xình với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của người chủ cũ thành mô hình trồng xoài sạch, không đủ cung cấp cho thị trường.

Cách làm, theo TS Nguyễn Trí Dũng, rất đơn giản là mỗi quả xoài chỉ cần bọc thêm 1 túi ni lông nano. Mỗi túi có cả triệu lỗ nhỏ li ti, khiến côn trùng, trứng côn trùng không thể tiếp cận trái xoài nhưng không khí vẫn ra vô được. Vườn xoài nhờ đó không phải dùng thuốc trừ sâu, khi chín quả vàng ươm và vỏ láng mịn. Xoài được đóng gói đẹp, giao tận nhà với giá 400.000 đồng/hộp/4kg và không phục vụ kịp nhu cầu.

MẠNH HÒA (SGGP)

 

Bình luận (0)