Người mẹ làm hết mọi việc cho con, chỉ sợ con mệt, vất vả… dần sẽ nuôi dưỡng một tâm hồn trẻ thơ ích kỷ.
Người mẹ nào cũng yêu con, nhưng cách yêu thương không đúng thậm chí còn có hại cho sự phát triển của bé. Dưới đây là 6 kiểu người mẹ sai lầm trong việc nuôi dạy con cái:
1. Người mẹ luôn áy náy và không ngừng nhận lỗi về mình
Phần lớn cha mẹ người Đức rất nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con cái, họ thường để con tự trải nghiệm cảm giác thất bại, trẻ cần biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình trước tiên.
Ngược lại, nhiều ông bố, bà mẹ Á đông thường có tâm lý không an tâm, thậm chí áy náy khi để con tự do phát triển, với ý nghĩ trẻ có thể sai lầm, vấp ngã. Chẳng hạn, nếu trẻ quên đồ ở nhà, sau đó trách móc mẹ đã không nhắc mình, khiến bé bị cô giáo mắng. Người mẹ đã nhận lỗi về mình: "Mẹ sai rồi, mẹ bận quá, mẹ xin lỗi con". Tuy nhiên, đây là một hành động sai lầm của mẹ, bởi nó khiến đứa trẻ hình thành tâm lý khi gặp rắc rối sẽ luôn tìm đối tượng để đổ lỗi, thay vì chịu trách nhiệm và tự tìm ra nguyên nhân cốt lõi của vấn đề và sửa nó.
3. Người mẹ luôn muốn kiểm soát tất cả
Kiểu người mẹ này luôn coi sự ngoan ngoãn, vâng lời là tiêu chí đánh giá phẩm chất của đứa trẻ. Trong mắt nhiều bà mẹ, trẻ không làm theo định hướng, kế hoạch của mình mà thể hiện suy nghĩ cá nhân, đưa ra quyết định cá nhân là "chống đối, nổi loạn". Kể cả khi trẻ trưởng thành, mẹ vẫn kiểm soát tất cả, khiến con trở thành người không có suy nghĩ độc lập.
Ảnh: squarespace. |
Không ít người mẹ có hành vi ích kỷ, đó là lấy những mong muốn chưa thực hiện được của bản thân áp đặt lên con cái. Nhiều bậc cha mẹ sự nghiệp không thành đạt đã dồn tâm huyết, kỳ vọng lên con. Chính vì muốn con phát triển theo suy nghĩ của mình, nên cảm xúc của đứa trẻ đều bị bỏ qua.
Cốt lõi của việc giáo dục là "thưa thì thông, đầy thì nghẹn". Đứa trẻ nếu khó sống theo ý mình, chúng sẽ cảm thấy không thể nào thông suốt, chỉ biết cách dựa vào bố mẹ để có được sự giúp đỡ. Về lâu dài, đây là một cái vòng luẩn quẩn, sai lầm trong việc dạy dỗ con.
3. Kiểu người mẹ không ngừng so sánh
Các bà mẹ rất thích so sánh con cái của mình với con người khác. Chẳng hạn trẻ đi học lớp tiếng Anh, bất kể con có thích học hay không, mẹ không bao giờ cam tâm khi con tụt lại phía sau. Nếu trẻ đứng thứ ba trong lớp, người mẹ lập tức đi hỏi xem trẻ nào đứng thứ nhất, thứ hai, rồi thúc giục con mình vượt qua hai bạn. Vô thức, đứa trẻ trở thành vật tham chiếu cho người khác. Với kiểu học này, trẻ trở nên khoe khoang, khoác lác, thay vì hiểu rõ ý nghĩa của việc học.
4. Kiểu người mẹ "là nô lệ của con"
Đây là những người mẹ lúc nào cũng bận rộn với con cái, dốc hết sức mình cho con, kiếm tiền vì con, và rồi đánh mất giá trị cuộc sống của chính bản thân.
Không ít bà mẹ cảm thấy sự khác biệt lớn giữa trước và sau khi sinh. Họ biến mình thành vệ tinh chỉ biết quay quanh đứa con và có ít thời gian cho chồng, dần dà ít tiếp xúc với bạn bè, xã hội, thậm chí từ bỏ cả sự nghiệp tươi sáng…
5. Người mẹ lo lắng quá mức
So sánh với các bà mẹ phương Tây, các bà mẹ Á Đông thường tỏ ra lo lắng quá mức. Ví dụ như khi đưa trẻ ra ngoài, họ luôn nhắc đi nhắc lại: "Chú ý xe cộ khi qua đường", hay "Mặc nhiều áo vào không lạnh", "Đừng tùy tiện động vào những thứ bên đường"…
Nỗi lo dành cho con cái là thứ không bao giờ có thể gạt khỏi tâm trí người mẹ, nó như một sợi dây kéo căng, khiến cơ thể, tâm trí đều mệt mỏi. Đương nhiên, các yếu tố không an toàn ngoài xã hội cũng góp phần tạo gánh nặng tâm lý, nhưng nếu lúc nào bạn cũng chỉ nhìn nhận mọi thứ ở góc độ tiêu cực, thì điều đó cũng chẳng khác gì "một lời nguyền".
Nếu người mẹ chia sẻ với con những suy nghĩ tích cực, trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh, tích cực. Ngược lại, nếu bạn dành cho trẻ những lo âu, trẻ sẽ đi sai hướng, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí trở nên nhạy cảm.
6. Kiểu mẹ làm việc quá nhiều
Bạn có thể quan sát xung quanh và thấy rất nhiều trường hợp như vậy: những người mẹ sớm tinh mơ đã trở dậy đi mua đồ ăn, nấu nướng cho con, đưa con đến trường, trên đường cầm balo cho con, trong khi đứa trẻ tung tăng đi trước. Trên xe bus, trẻ ngồi ghế, còn bố mẹ đứng một bên… Điều này vô tình làm hình thành một đứa trẻ có tính cách muốn hưởng thụ, chỉ chăm lo cho bản thân, không bao giờ nghĩ về cha mẹ.
Kết quả cuối cùng, nhiều người lại than thở rằng: Vì sao chúng ta hy sinh cho con, nhưng con ích kỷ đến thế?
Đứa trẻ ích kỷ có khao khát chiếm hữu rất mạnh mẽ, mọi thứ chúng muốn, bằng mọi cách chúng phải có được. Khi trẻ lớn lên, những tham vọng ích kỷ càng mở rộng, chúng có ý nghĩ dùng mọi phương tiện, thủ đoạn để đạt được mục đích. Những người mẹ chỉ biết làm việc, hy sinh sẽ tạo ra những đứa trẻ ích kỷ, trong khi những ông bố bà mẹ xuất sắc sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng, tăng cường khả năng độc lập của con.
Khi trẻ lớn dần, bạn cần phải học cách buông tay, để bé tự làm việc. Trẻ 3 tuổi, cần dạy con giúp mẹ xách đồ khi ra ngoài. Trẻ 5, 6 tuổi, nên dạy con biết lau nhà, tiết kiệm điện, dọn phòng ốc…
Trẻ ở tuổi đi học, bạn có thể dạy con ra siêu thị mua đồ, cho trẻ bắt đầu học thói quen tự chăm lo cho cuộc sống của mình. Ngày nghỉ, có thể hướng dẫn con cọ toilet… Khi con đến tuổi đi học xa nhà, nên dạy cho con quản lý chi tiêu, "quá tay" là sẽ thiếu thốn. Nhờ vậy, trẻ trở nên độc lập về tư duy và biết linh hoạt hơn khi đối diện với mọi vấn đề trong cuộc sống.
Thùy Linh (Theo Cmoney)/Vnexpress
Bình luận (0)