Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mối nguy từ việc thiếu kiến thức văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện về bài thơ “tục” chữ Hán Thanh Bình điệu của Lý Bạch bị đưa vào trưng bày tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh), nơi gắn với di tích của Phật hoàng Trần Nhân Tông cách đây không lâu báo động về sự yếu kém trình độ Hán – Nôm không chỉ của những người cần có kiến thức này để đảm đương công việc, mà còn là mối lo cho thế hệ mai sau.

Hiện nay có rất ít học sinh chọn học ngành Hán – Nôm vì ít có tính thực dụng (ảnh minh họa). Ảnh: A.K

Học sinh quay lưng, sinh viên “cưỡi ngựa xem hoa”

Hiện nay, số thí sinh đăng ký vào chuyên ngành ngữ văn Hán – Nôm của các trường có đào tạo ngành học này chiếm một số lượng cực kì khiêm tốn. Học sinh nào chọn ngành này để học thì dưới con mắt của bạn bè, thường bị coi là “không bình thường”. Bởi theo nhận định chung của mọi người, ngành học Hán – Nôm ít có tính thực dụng, khó có kế sinh nhai khi ra trường.

Đối với sinh viên ngữ văn của các trường ĐH, kiến thức ngữ văn Hán – Nôm là phân môn thiết yếu. Thế nhưng, nhìn chung đa phần sinh viên tỏ ra không mấy mặn mà. Việc học môn này xem như bị bắt buộc, chỉ học theo kiểu đối phó, chứ chưa phải là sở thích, đam mê… Vì thế khi tốt nghiệp ra trường, kiến thức này chẳng còn đọng lại được là bao. Với sinh viên ngữ văn sư phạm thì kiến thức Hán – Nôm lại quan trọng hơn, bởi vì trong chương trình giảng dạy có rất nhiều bài học cần đến nó. Thế mà, một thực tế là, nhiều giáo viên trẻ sau khi ra trường chỉ đủ kiến thức để nhận được mặt chữ một lượng từ khá đơn giản.

Thực tế việc dạy và học bộ môn Hán – Nôm ở các trường ĐH còn nhiều bất cập. Đội ngũ giảng viên còn mỏng, thiếu người có trình độ chuyên môn sâu để tiếp nối. Giáo trình cũ kỹ làm cho người học ít hứng thú, thiếu những liên hệ vận dụng việc học vào ứng dụng thực tế. Việc học chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Thế nên chả trách gì sau khi học xong, nhiều người lúng túng trước một câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du, của Hồ Chí Minh…

Kiến thức chữ Hán – Nôm có phải là quá khứ?

Nhiều người cho rằng văn hóa Hán – Nôm là của quá khứ xa xưa, chẳng còn có ích gì mấy trong bối cảnh ngày nay. Đó quả là một quy kết vội vàng. Câu chuyện về bài thơ của Lý Bạch bị ứng xử sai trên là một dẫn chứng. Có thể nói, dù đã lùi xa vào quá khứ nhưng chứng tích, hiện hữu của văn hóa Hán – Nôm còn rất đậm đặc trong đời sống văn hóa Việt. Từ chùa chiền, đình miếu, lăng tẩm, đến một bức tranh thư pháp, một bức trung đường, một bộ tứ bình, một tấm thêu phong cảnh thủy mặc, và ngay cả ngôn từ sử dụng hàng ngày cũng cần có kiến thức Hán – Nôm để lĩnh hội.

Trong Luyện văn, cố học giả Nguyễn Hiến Lê có khuyên các bạn trẻ muốn có lối văn hay, chặt chẽ thì nên học cách viết văn của người xưa. Tôi cho đó là ý đúng. Nếu bỏ đi những điển tích, điển cố khó hiểu, bỏ đi những từ ngữ cổ tối nghĩa… thì cách viết văn của xưa rất chặt chẽ, có rất nhiều điểm nên học.

Chỉ riêng trong việc giảng dạy văn học ở nhà trường phổ thông đã thấy sự cần kíp này. Văn học Hán – Nôm chiếm một số lượng lớn về tác phẩm theo lịch sử từ đầu thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX. Theo đó thì học sinh được học phần này ở lớp 10 và gần một học kỳ ở lớp 11. Không thể chối bỏ một kho tàng văn học Hán – Nôm thật đồ sộ với các triều đại Lý, Trần, Lê… Với các đại thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Và ngay cả tác giả Hồ Chí Minh nữa – một nhà văn, nhà thơ của thời kì cách mạng hiện đại, mà trong di sản văn học của Người thì phải xem Nhật kí trong tù (viết bằng chữ Hán) là một thành tựu tiêu biểu. Nếu không có kiến thức về Hán – Nôm để giảng dạy phần văn học này thì giáo viên chưa lột tả hết được văn hóa Trung đại vào trong bài dạy.

Nhiệm vụ của nhà trường phổ thông

Hiện nay ý thức về việc dạy và học Hán – Nôm ở nhà trường chưa được chú ý thỏa đáng. Sách giáo khoa chỉ làm nhiệm vụ diễn giải theo âm đọc, không có văn bản gốc bằng văn tự chữ Hán, chữ Nôm. Giáo viên và học sinh không chú trọng nhiều đến văn bản gốc ấy. Hoặc là do giáo viên không xem là trọng, hoặc là thiếu những kiến thức căn bản… Thế nên nhiều bài thơ chữ Hán mà chỉ được dạy học như một bài thơ dịch của văn học nước ngoài, thiếu chiều sâu về triết lý văn hóa phương Đông. Không có những kiến thức gốc về văn tự vốn thâm thúy, đa nghĩa, cô đọng của chữ Hán. Học sinh thiếu hứng thú khi học phần văn bản này cũng vì thế. Chẳng hạn khi học sinh học đến văn học thời Trần, nhiều em sẽ thắc mắc Hào khí Đông A là gì? Nếu cứ giải nghĩa theo kiểu chung chung là âm vang thời đại, là âm hưởng hào hùng kết tinh từ những lần chiến thắng ngoại xâm… thì không ấn tượng, không đọng lại trong trí nhớ học sinh bằng cách chỉ cho các em đó là họ Trần (chữ Hán), cờ nhà Trần. Được ghép bằng hai bộ chữ Hán. Và dĩ nhiên giáo viên phải viết nó ra trên bảng. Hay khi giảng đến bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà chỉ giảng nghĩa theo câu chữ của văn bản thì chưa thấy được sự thâm thúy. Cần có kiến thức chữ Hán để thấy rằng “nhàn” theo Hán tự được ghép bằng bộ “môn” (cửa) và bộ nguyệt (trăng). Nghĩa là có ánh trăng rọi vào cửa, có tâm hồn thanh thản ngắm trăng… vào thì mới gọi là “nhàn”. Trong bài này có câu “Rượu đến cội cây ta sẽ uống”, làm ta nhớ đến chữ “hưu” của tiếng Hán được ghép tự từ bộ “mộc” (cây) và bộ “nhân” (người), nghĩa là người về nghỉ dưới gốc cây thì gọi là nghỉ hưu. Nghĩa là Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên ta vừa uống rượu, vừa tịnh dưỡng. Quả thật rất sâu sắc!

Bài viết này không cổ xúy cho những tín điều xưa cũ, cho lạc hậu, lỗi thời. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu quá khứ được. Rồi một tương lai sẽ đến: Những cây đại thụ Hán – Nôm học sẽ ngã xuống, mà thế hệ trẻ thì quay lưng. Vậy thì ai sẽ là người làm nhiệm vụ lưu giữ quá khứ?

Trần Ngọc Tuấn
(GV THPT tại TP.HCM)

Bình luận (0)