Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tâm tư chuyện học 2 ngành, tránh thất nghiệp…

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hai ngày 8 và 9-2, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Tỉnh đoàn Vĩnh Long tổ chức đã đến với học sinh 5 trường: THPT Vĩnh Long, THPT Phạm Hùng, THPT Võ Văn Kiệt, THPT Nguyễn Văn Thiệt, THPT Mang Thít.

ThS. Trương Tiến Sĩ (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) giải đáp băn khoăn của học sinh về việc học 2 ngành

Tại đây nhiều học sinh đã bày tỏ những tâm tư xung quanh câu chuyện học ra thất nghiệp, học 2 ngành với mong muốn tăng cơ hội kiếm việc làm…

Học 2 ngành có thể mất… 6 năm

Phần lớn học sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên

Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, ông Đặng Hoàng Dũng (Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long) cho biết, qua khảo sát sơ bộ của trường trước Tết Nguyên đán, 80% học sinh có hướng đăng ký chọn bài thi khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa các môn lần 2, số lượng học sinh chọn bài thi khoa học xã hội nhiều hơn, đến nay đã đạt 30%. Năm nay, học sinh lớp 12 của trường cũng có xu hướng quan tâm nhiều đến khối ngành kỹ thuật và nông nghiệp…

 

Em Nguyễn Thanh Tuyền (học lớp 11A2 Trường THPT Vĩnh Long) đặt câu hỏi: “Em có thể học cùng lúc 2 ngành Luật Kinh tế và quản trị kinh doanh để tiết kiệm thời gian không, việc học như vậy có những áp lực gì?”. ThS. Trương Tiến Sĩ (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho biết, hiện bên cạnh Trường ĐH Luật TP.HCM được xem là cái nôi đào tạo ngành Luật Kinh tế ở phía Nam thì ở nước ta nhiều trường đào tạo về khối kinh tế cũng có thế mạnh riêng về đào tạo lĩnh vực này. Quản trị kinh doanh cũng là lĩnh vực khá phổ biến được nhiều trường cùng đào tạo. Hai ngành này có quan hệ gần với khoảng 20-30% khối lượng kiến thức chung về kinh doanh. Trường hợp các em vừa muốn học Luật Kinh tế vừa muốn đăng ký học thêm quản trị kinh doanh hoặc ngược lại sẽ có những lợi thế nhất định. Cụ thể, những kiến thức trùng lắp giữa 2 chương trình chỉ phải học một lần. Tuy nhiên, sai biệt giữa 2 ngành này là những kiến thức chuyên sâu về luật thì bên quản trị kinh doanh không đào tạo và ngược lại. Do đó, người học sẽ phải mất nhiều thời gian để lĩnh hội, học tập những môn còn lại giữa 2 ngành. “Qua kinh nghiệm, một sinh viên học song ngành tại một trường ĐH, nhất là 2 ngành khá khác biệt nhau như vậy thì thời gian hoàn thành chương trình đào tạo cả hai mất từ 5,5 năm đến 6 năm”, ông Sĩ lưu ý.

TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng, bằng cấp nhiều chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề thất nghiệp. Trong khi đó, học 2 ngành cùng lúc ở một trường ĐH, nếu không biết cách sắp xếp hợp lý, sinh viên có khi gặp nguy cơ nợ môn chồng chất, không ra trường đúng hạn. 

Học sinh Trường THPT Phạm Hùng bày tỏ tâm tư chọn ngành nhằm tránh thất nghiệp

Bà Mai thông tin thêm, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 2 hoặc nhiều ngành. Trong trường hợp môn thành phần dùng đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ chỉ rơi vào một bài thi tổ hợp thì thí sinh chỉ cần chọn thi một bài đó, còn nếu “dính” tới hai bài thi tổ hợp phải thi cả hai. Các em có thể đủ điểm trúng tuyển hai hoặc nhiều ngành nhưng chỉ chọn được một nơi để nhập học.

Muốn chọn ngành tránh… thất nghiệp

Chọn trường có học phí phù hợp

Trao đổi với các em học sinh, ThS. Trương Tiến Sĩ lưu ý: Vấn đề học phí cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình học tập của sinh viên suốt 4 năm học. Thực tế đã có không ít sinh viên bỏ dở việc học giữa chừng do không kham nổi học phí. Vì vậy, các em cần cân nhắc, tìm hiểu trường nào có mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Hiện nay, có nhiều trường, nhất là trường công lập có mức học phí phù hợp. Nếu có học lực tốt, các em nên tranh thủ xét tuyển vào những trường này. Bên cạnh đó, cũng có một số trường công lập thí điểm tự chủ nên mức học phí cao hơn.

Tại Trường THPT Phạm Hùng, em Nguyễn Ngọc Thảo Vi (học lớp 12D1) nêu tâm tư: “Em nên định hướng khâu chọn ngành như thế nào để ra trường không lo thất nghiệp, tại sao thời gian gần đây nhiều anh chị sinh viên học đúng chuyên ngành ra không có việc làm?”. Đây cũng là tâm tư của nhiều học sinh các trường THPT Võ Văn Kiệt, THPT Nguyễn Văn Thiệt, THPT Mang Thít…

TS. Lê Thị Thanh Mai nêu thực tế, hiện rất nhiều người có nhu cầu học ĐH. Nhưng chính vì tập trung học ĐH trong khi không xác định mục tiêu học để làm gì, không nắm được yêu cầu của thị trường lao động đối với ứng viên nên học chỉ để… học. Theo bà Mai, một trong những hướng để có việc làm ngay, người học có thể ưu tiên theo đuổi những chương trình ở trình độ nghề, TC, CĐ hoặc những ngành rất đặc thù như khối ngành CĐ sư phạm chẳng hạn… Riêng các trường ĐH, sản phẩm đào tạo cũng đại diện cho hình ảnh của trường, nên ngoài trang bị kiến thức, các trường còn chú ý khâu kỹ năng cho người học. “Nếu sinh viên không quan tâm rèn luyện kỹ năng thì dù có được thầy cô giới thiệu việc làm, các em cũng khó ứng tuyển thành công. Các em cần chọn ngành học mà bản thân cảm thấy có khả năng thực hiện”, bà Mai nhắn nhủ.

ThS. Trương Tiến Sĩ cũng đồng quan điểm, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp là rất khó nếu suốt 4 năm ĐH, sinh viên không chú tâm đầu tư học tập. Thực tế cho thấy, người có cơ hội việc làm cao thường tạo được sự khác biệt trong đám đông. Trong một tập thể, nếu ứng viên vững chuyên môn, thạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm tốt, trải nghiệm phong phú… thì sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn những người khác.

Thục Trân

Bình luận (0)