Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mong đợi sự đổi mới hiệu quả!

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến thời điểm hôm nay, tôi đã gắn bó với sự nghiệp “trồng người” hơn 12 năm. Cuộc đời có nhiều đổi thay nhưng ước mơ trở thành người thầy của tôi không hề thay đổi.

Ước mơ ấy càng lớn dần theo năm tháng. Để rồi, khi trở thành người thầy cũng như chặng đường hơn 12 năm trôi qua, tôi yêu nghề biết bao, yêu học trò biết nhường nào. Với tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục, trên cương vị là một giáo viên đã từng dạy nhiều môi trường khác nhau (công lập, dân lập – tư thục, GDTX, học sinh khuyết tật) cùng với những nỗi niềm tâm sự của đồng nghiệp, những mong ước của học trò… về một sự đổi mới có hiệu quả thật sự cho ngành giáo dục. Chúng ta vẫn luôn đổi mới, ấy thế nhưng đổi mới không phù hợp, đổi mới còn mang tính hình thức, chưa có hiệu quả tích cực. Tôi thừa nhận những năm qua Bộ GD-ĐT đã và đang cải cách, đang cố gắng để đổi mới và đem đến nền giáo dục mới. Ấy thế, người thực hiện: từ sở đến phòng, trường học, giáo viên (kể cả phụ huynh) chưa hẳn đổi mới vì bệnh thành tích, vì lối dạy sáo mòn.

Tôi mong muốn ngành giáo dục của chúng ta trong thời gian tới, học sinh đến trường phải thực sự là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, ở đó thực sự là “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; mỗi thầy cô giáo thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo “Thầy cô nói đi đôi với làm chứ không phải là lý thuyết suông”. Không muốn khi ra đường thấy cảnh học sinh “học… ngoài đường”, học sinh “ăn… ngoài đường”, học sinh “ngủ… ngoài đường” vì thầy cô bắt học nhiều khiến các em phải mệt mỏi, phải chịu áp lực kiến thức sách vở. Tôi không muốn nhà trường và gia đình nhồi nhét kiến thức cho học sinh để các em đánh mất tuổi thơ. Tôi không muốn bệnh thành tích của nhà trường, “bệnh sĩ” của gia đình mà đánh mất sự sáng tạo, đam mê của thế hệ trẻ. Đào tạo thế hệ trẻ thành những robot kiến thức giỏi mà nhận thức kém. Tôi mong muốn thế hệ trẻ phải thực sự “Học đi đôi với hành”, phải biết áp dụng lý thuyết vào thực tế của cuộc sống. Dạy học sinh về kỹ năng sống, về cách giao tiếp, ứng xử văn minh nghĩa tình. Tôi mong muốn học sinh được nói lên ý kiến của mình, thầy cô luôn lắng nghe và trân trọng ý kiến ấy chứ không phải sự áp đặt của người thầy.

Nếu thay đổi được thì tôi tin rằng: “Không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ”. Cần có một sự đổi mới căn cơ, cụ thể, thiết thực hợp lý. Từ những điều tưởng chừng nhỏ bé này nhưng sẽ mang đến những giá trị to lớn đối với sự nghiệp giáo dục nói riêng và một Việt Nam ngời sáng nói chung.

Hoàng Đà Lạt

Bình luận (0)