Đam mê nghiên cứu khoa học với mục tiêu vì lợi ích cộng đồng, Vũ Hoàng Thương (sinh năm 1976, TP.HCM) đã dày công nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các giải pháp tối ưu phục vụ xây dựng đô thị thông minh.
Vũ Hoàng Thương báo cáo thuyết minh giải pháp tham gia AIoT & SmartCity HCM 2019
Vũ Hoàng Thương cũng chính là tác giả của các công trình, dự án đã và đang tham gia 7 chương trình đột phá của TP.HCM, trong đó có 2 sản phẩm: Ứng dụng GIS mã nguồn mở trong công tác cải cách hành chính lĩnh vực đất đai TP.HCM; Ứng dụng công nghệ GIS mã nguồn mở, điện toán đám mây xây dựng hệ thống cảnh báo tình trạng ngập nước tại TP.HCM – đây cũng là sản phẩm lọt vào top 20 cuộc thi AIoT&Smart Cities 2019 với chủ đề “Thông minh hơn để cuộc sống tốt hơn” do Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung tổ chức.
Dịch vụ thông minh trong thành phố thông minh
Theo anh Thương, một TP thông minh (SmartCity) phải được quản lý dựa trên các ứng dụng công nghệ hiện đại hữu ích như hệ thống thông tin địa lý GIS, nền tảng công nghệ mới như dữ liệu lớn – Big Data, điện toán đám mây – Cloud Computing, trí tuệ nhân tạo – AI…
Theo đó, mô hình kiến trúc của giải pháp công nghệ cho SmartCity anh Thương đưa ra được chia làm các phân hệ quản lý, gồm: đất đai; giao thông; biến đổi khí hậu; y tế; công cụ phân tích, tổng hợp, dự đoán phục vụ điều hành… Kết quả lấy ý kiến từ cộng đồng thì dự án SmartCity được các nhà chuyên môn đánh giá cao về tính cần thiết, tính cộng đồng và khả thi.
Anh Thương chia sẻ, mỗi phân hệ giải quyết cơ bản các vấn đề mà SmartCity cần. Cụ thể, ở phân hệ cơ sở dữ liệu giao thông sẽ xây dựng hệ thống bản đồ ứng dụng công nghệ GIS, ngoài ra còn kết hợp với hệ thống camera và thuật toán AI để hình thành một hệ thống hoàn chỉnh điều hành, phân luồng, giải quyết các vấn đề an toàn, xử lý vi phạm.
Đất đai là lĩnh vực phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, tổ chức, doanh nghiệp và là thước đo đánh giá tính đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, ứng dụng CNTT như Cloud, AI trong quản lý là cần thiết.
“Vì sự phát triển chung của TP, vì chất lượng cuộc sống người dân TP, tôi mong muốn được đóng góp chút công sức, trí tuệ bằng các giải pháp, sáng kiến cụ thể”, Vũ Hoàng Thương. |
Hay như phân hệ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, bệnh nhân có thể đặt lịch khám trên ứng dụng web hoặc điện thoại thông minh. Các dữ liệu sau đăng ký sẽ tự động kết nối với hệ thống ứng dụng quản lý bệnh viện để tăng tính hiệu quả. Phân hệ này còn giúp hạn chế giám định trả về, đảm bảo dữ liệu lên cổng BHYT đầy đủ, kịp thời, chính xác. Việc giám định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT, đồng thời giúp quản lý chi tiêu quỹ BHYT hiệu quả mà không gây khó khăn cho người bệnh cũng như cơ sở y tế. Đặc biệt công nghệ AI áp dụng trong phân hệ này để đưa ra các cảnh báo về sử dụng thuốc, tương tác thuốc; trong dự đoán một số bệnh như đau cột sống dựa trên phân tích hình ảnh y khoa; dự đoán bệnh võng mạc, đái tháo đường…
Phân hệ biến đổi khí hậu gồm các chức năng cảnh báo ngập lụt trên nền tảng GIS nguồn mở và điện toán đám mây, kết hợp tin nhắn SMS để thông báo tình trạng ngập đến điện thoại người dân; Xây dựng bản đồ GIS cảnh báo nắng nóng, nguy cơ cháy rừng. Riêng phân hệ xây dựng công cụ phân tích, tổng hợp, dự đoán phục vụ điều hành được thiết kế trực quan bằng các báo biểu, thống kê, tổng hợp theo tiêu chí của các lĩnh vực để hỗ trợ các nhà quản lý phân tích, tổng hợp, dự đoán, từ đó phục vụ điều hành, quản lý TP. Với công nghệ Cloud, Big Data, GIS mã nguồn mở, AI, lãnh đạo TP và cán bộ được phân quyền có thể quản lý hiệu quả và khoa học nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội.
“Tất cả các phân hệ đều đảm bảo người dân sẽ được hưởng nhiều dịch vụ thông minh từ một đô thị thông minh”, tác giả giải pháp SmartCity quả quyết.
Hướng đến chất lượng cuộc sống
Anh Thương khẳng định, mô hình kiến trúc các phân hệ chức năng cơ bản đáp ứng tiêu chí của SmartCity theo khung tham chiếu ICT của Bộ TT-TT. Các phân hệ chức năng đề xuất đối với TP.HCM là một đô thị lớn, nên việc giải quyết cần có thời gian, sự hợp lực, đoàn kết và quyết tâm của chính quyền TP, chính quyền địa phương nếu nhân rộng mô hình. Xây dựng SmartCity là để người dân được hưởng một cuộc sống chất lượng hơn, thông minh hơn trên nhiều phương diện. Nếu làm tốt cho TP thì các tỉnh, thành khác có thể tham khảo, xây dựng phù hợp cho địa phương mình.
Lấy bằng cử nhân khoa học CNTT (Đại học KHTN Hà Nội) và cử nhân quản trị kinh doanh, Vũ Hoàng Thương về công tác tại Văn phòng đăng ký đất đai (Sở TN-MT Bình Định). Từ năm 2010-2018, anh là Phó Trưởng phòng Thông tin – Lưu trữ thuộc cơ quan này. Thời gian ấy, anh đã đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng CNTT để giải quyết các bài toán liên quan đến lĩnh vực đất đai, biến đổi khí hậu, thiết kế xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, tăng cường cải cách thủ tục hành chính; cập nhật công nghệ mới trong giải quyết các bài toán về xây dựng TP thông minh, ứng dụng IoT (Internet of Things) để giải quyết bài toán quản lý bản đồ trên nền điện thoại di động, ứng dụng AI trong xây dựng TP thông minh; Ứng dụng AI, GIS trong viễn thám, chăm sóc sức khỏe… Từ 2018, anh công tác tại Phòng CNTT – Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM. Tại đây, anh đã tham mưu lãnh đạo bệnh viện ứng dụng CNTT trong chuyển dữ liệu khám chữa bệnh tự động lên cổng giám định y tế, xây dựng bản kế hoạch đẩy mạnh phát triển mô hình y tế thông minh Smart Healthcare, bệnh án điện tử… Ngoài ra, anh còn tham gia một số chương trình khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho TP. Hiện anh đang hình thành nhóm nghiên cứu khởi nghiệp cho các dự án KHCN về đô thị thông minh, y tế thông minh, đất đai… Ngoài các giải thưởng từ Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định, Vũ Hoàng Thương vinh dự hai lần nhận danh hiệu “Trí thức tiêu biểu về khoa học – công nghệ tỉnh Bình Định; 2 lần được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bình Định; 3 lần nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam… Thương còn được biết đến là tác giả của nhiều bài báo khoa học được đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành, trong đó nổi bật là các bài: Ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh y tế; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn quản lý giao thông thông minh tại TP.HCM…
Vũ Hoàng Thương (hàng đầu, thứ hai từ trái qua) giới thiệu giải pháp công nghệ |
Theo đánh giá của giới nghiên cứu, giải pháp SmartCity cũng đưa ra cách tiếp cận thêm một số phân hệ mới như đất đai, bài toán về ngập nước, kết nối 2 chiều giữa chính quyền và người dân. “Đây là giải pháp lớn rất cần chung tay của các nhóm nghiên cứu khoa học dữ liệu, chuyên gia biến đổi khí hậu, giao thông, y tế, đặc biệt là nguồn tài chính để đảm bảo tính ổn định của dự án. Bên cạnh đó, để dự án thành công rất cần sự quyết tâm của lãnh đạo chính quyền TP”, anh Thương kiến nghị.
Được biết, kết quả các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực giao thông, y tế, đất đai… trong SmartCity cũng được anh chia sẻ, triển khai và nhân rộng tại các cơ quan, đơn vị thuộc các tỉnh, thành.
Thuận lợi khi nghiên cứu SmartCity là nhờ vốn kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và mô hình hóa những nghiên cứu đó thành sản phẩm cụ thể, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn do việc tiếp cận với nguồn dữ liệu. Từ khó khăn đó, tác giả đề xuất tiếp cận được một số nguồn dữ liệu mở dùng chung như về đất đai, y tế, khí tượng, biến đổi khí hậu, dữ liệu thu thập từ camera giao thông… Có cơ chế tài chính riêng với các dự án dạng này như nguồn động viên tinh thần.
Trần An
Bình luận (0)