Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một kỳ thi có nhiều thử thách

Tạp Chí Giáo Dục

Không như thông lệ hàng năm (sau tháng 3 mới công bố môn thi và lịch thi tốt nghiệp THPT quốc gia), năm nay Bộ GD-ĐT đã công bố lịch thi, môn thi ngay từ đầu tháng 2. Đó là một tín hiệu đáng mừng vì các trường có nhiều thời gian và sự chủ động trong giảng dạy, hoàn tất chương trình và việc ôn luyện cho học sinh cuối cấp.

Thời gian thi được rút ngắn còn hai ngày rưỡi (so với bốn ngày trước đây). Nhưng đây cũng là thử thách lớn cho học sinh vì quá trình thi diễn ra khẩn trương, gấp rút; không còn khoảng trống bao nhiêu để “phục hồi bộ nhớ” vốn bị quá tải.

Thử thách thứ nhất là đề thi. Theo các nguồn thông tin thì trong phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề riêng mà câu hỏi trắc nghiệm khác nhau đến 80%. Lúc này, thí sinh không thể trao đổi, nhắc cho nhau bằng “tín hiệu” ngày xưa như ho mấy tiếng, đưa mấy ngón tay… lên nữa. Nhưng liệu có xảy ra tình trạng hên xui khi thí sinh may mắn nhận mã đề có nhiều câu dễ thở và có khi xui xẻo nhận ngay mã đề có nhiều câu khó? Làm thế nào để phân bổ kiến thức một cách khoa học, công bằng?

Thử thách thứ hai là việc điều hành giảng dạy, đảm bảo kiến thức và việc ôn tập sao cho đạt kết quả của các nhà quản lý giáo dục. Trong thời điểm này, áp lực cắt xén chương trình có chiều hướng tăng lên rõ rệt “so với tháng trước”. Bỏ những môn phụ, những môn không thi nằm “ngoài vùng phủ sóng” thì nên rút gọn cho học sinh những kiến thức cơ bản; còn lại thời gian dành cho việc “đại sự” là ôn thi! Cắt xén chương trình vừa thiệt hại quyền được học của học sinh, vừa không thể hiện tính trung thực trong nhà trường!

Có nhiều phương pháp ôn thi đã được phổ biến cùng áp dụng. Vừa học kiến thức vừa ôn thi; học đến đâu củng cố kiến thức, khắc sâu kiến thức đến đó. Việc ôn thi cũng cần có khoa học: ôn bài tự nhiên xen kẽ bài xã hội; học theo nhóm, phân loại học sinh theo trình độ để tiếp thu tốt hơn.

Thử thách thứ ba là việc ôn tập của giáo viên bộ môn. Cái mới của kỳ thi đã cho biết; bài thi trắc nghiệm được ôn như thế nào để học sinh có được những thao tác cần thiết; biết xử lý một khối lượng kiến thức trong một khoảng thời gian quy định. Môn ngữ văn tưởng chừng dễ mà “khó ăn” đấy! Viết ngắn gọn, diễn đạt rõ ràng, khúc chiết; dùng từ ngữ chuẩn, chính xác (vốn từ ngữ là phần yếu nhất của học sinh hiện nay).

Thử thách thứ tư là khâu ôn luyện và làm bài của học sinh. Ôn luyện thế nào để có kết quả; nắm chắc kiến thức cơ bản nhiều môn; phân bố thời gian nghỉ ngơi, thư giãn… Bao nhiêu công sức, bao nhiêu hy vọng dồn vào việc làm bài của các em. Do vậy, các em cần có sức khỏe tốt (sức khỏe cơ thể, sức khỏe tinh thần) để vượt qua những thử thách của kỳ thi sắp tới!

Lê Đức Đồng

Bình luận (0)