Dù thời đi học đã xa nhưng với nhiều người, hình ảnh những thầy cô giáo tận tụy dạy cho mình từng con chữ vẫn luôn khắc sâu vào tâm khảm. Để rồi dù trưởng thành và có tên tuổi trong xã hội nhưng họ vẫn dành tình yêu và lòng biết ơn vô hạn đối với thầy cô.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang (mặc áo dài, hàng ngồi thứ nhất) cùng nhiều thế hệ học trò của GS.TS Trần Văn Khê họp mặt tại Lễ kỷ niệm 5 năm ngày mất của thầy (2015-2020) tại TP.HCM
NSND Trần Ngọc Giàu: “Không thầy đố mày làm nên”
Nói đến NSND Trần Ngọc Giàu giới nghệ sĩ luôn bày tỏ sự trân trọng và quý mến ông. Ngoài vai trò là Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, ông còn là một người thầy tận tụy “đưa đò” cho nhiều thế hệ thành danh trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông cũng là đạo diễn tên tuổi và duy nhất của miền Nam liên tiếp nhận nhiều lời mời dựng vở cho sân khấu phía Bắc.
Để có được vinh quang đó, đối với NSND Trần Ngọc Giàu, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của gia đình thì thầy cô chính là những người đã truyền cảm hứng và động lực để ông có được như ngày hôm nay. “Mỗi thầy cô đều để lại cho mình những dấu ấn riêng nhưng có bốn người mà tôi biết ơn nhất đó là cô Hà Thị Dũng, thầy Lê Văn Tỉnh, cô Tường Trân và NSƯT Ca Lê Hồng” – NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.
NSND Trần Ngọc Giàu
Cô Hà Thị Dũng là người khám phá ra năng khiếu của NSND Trần Ngọc Giàu lúc ông học phổ thông. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của cô Dũng đã giúp NSND Trần Ngọc Giàu thi đậu vào Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM để nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Chia tay cô Dũng bước vào giảng đường ĐH, NSND Trần Ngọc Giàu tiếp tục được nhiều thầy cô dìu dắt, giúp đỡ trong học tập lẫn cuộc sống. Trong đó thầy Lê Văn Tỉnh đã sát cánh cùng ông vào những ngày đầu bước vào con đường nghệ thuật còn nhiều bỡ ngỡ và mới mẻ. “Thời đó, chúng tôi rất khó khăn trong khi hoàn cảnh của thầy cũng không mấy khá giả. Vậy mà hễ học trò nào không có cơm ăn, cần giúp đỡ gì là thầy sẵn sàng chia sẻ hết cho học trò. Tôi nhớ nhất là câu nói của thầy về một bạn sinh viên nghèo: “Em thấy đó, khi đứng trên sân khấu bạn ấy là một “ông hoàng” nhưng bước xuống lại khó khăn như thế”. Từ hoàn cảnh đó thầy dạy tôi phải biết sẻ chia, vun đắp cho những bạn nghèo khó. Lời dạy đó đã theo tôi cho đến tận bây giờ” – NSND Trần Ngọc Giàu nhắc lại.
Người giúp NSND Trần Ngọc Giàu viết tiếp nghề giảng dạy đó là cô Tường Trân. Trong ký ức của NSND Trần Ngọc Giàu, cô Tường Trân là một cô giáo nghiêm khắc nhưng rất thương ông. Cô không dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc mà luôn để học trò tự do trong suy nghĩ, sau đó cô uốn nắn lại. Điều đó đã giúp cho NSND Trần Ngọc Giàu luôn thành công trên con đường giảng dạy.
Người đã mở đường thuận lợi cho NSND Trần Ngọc Giàu đến với đạo diễn sân khấu đó là NSƯT Ca Lê Hồng. Khoảng 40 năm trước, thời truyền hình phổ biến NSƯT Ca Lê Hồng là người được mời dựng một vở diễn truyền hình. Nhưng vì thương, tin tưởng và muốn nhường tiếng tăm lại cho học trò, NSƯT Ca Lê Hồng đã giao vở diễn ấy cho NSND Trần Ngọc Giàu. Vở diễn đã thành công vang dội tạo nên tên tuổi cho NSND Trần Ngọc Giàu và nhiều gương mặt mới trong lĩnh vực sân khấu thời bấy giờ như: Thành Lộc, Ngọc Lan, Mai Phương… Theo NSND Trần Ngọc Giàu, “không thầy đố mày làm nên”, tuy nhiên vì hoàn cảnh nhiều người ít khi có điều kiện thăm thầy cô. Nếu có điều kiện chúng ta nên ráng đi thăm thầy cô. Trong tâm thế người thầy luôn hướng về học trò thì ngược lại học trò sau này thành tài cũng phải nhớ rằng mình từng có những người thầy như thế.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang: Tiếp bước thầy Khê!
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang là “môn đồ” của cố GS.TS Trần Văn Khê – một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Lúc sinh thời, GS.TS Trần Văn Khê có một tâm nguyện là đưa âm nhạc dân tộc vào trường học để lan tỏa đến thế hệ trẻ. Nhưng khi thực hiện được khoảng 10 chương trình thì GS.TS Trần Văn Khê qua đời. Từ đó, diễn giả Hồ Nhựt Quang tiếp bước ước mơ của thầy. Diễn giả Hồ Nhựt Quang vốn theo đuổi ngành Đông phương học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM). Anh biết GS.TS Trần Văn Khê trong một lần giáo sư về trường nói chuyện về nghệ thuật sân khấu. Từ cơ duyên đó, GS.TS Trần Văn Khê đã nhận anh làm học trò và truyền đạt cho anh nhiều tri thức quý báu mà GS.TS Trần Văn Khê đã nghiên cứu và tích lũy suốt cuộc đời của mình. Sau ngày GS.TS Trần Văn Khê mất, anh đã thay thầy quản lý CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ (do GS.TS Trần Văn Khê thành lập) và đi đến nhiều trường học để giới thiệu văn hóa, dân tộc đến với học sinh. Diễn giả Hồ Nhựt Quang khẳng định: “Nhờ có thầy nâng bước tôi mới trở thành diễn giả văn hóa như ngày hôm nay. Tôi cảm nhận ngọn lửa truyền của GS.TS Trần Văn Khê rất mãnh liệt và tôi nguyện giữ tình yêu đó để chia sẻ nhiều hơn nữa cho cộng đồng”.
Dù GS.TS Trần Văn Khê đã ra đi nhưng hằng năm cứ vào ngày mất của thầy, diễn giả Hồ Nhựt Quang cùng với nhiều thế hệ học trò của GS.TS Trần Văn Khê đều tề tựu về họp mặt để ôn lại kỷ niệm về thầy. Đặc biệt, trong những chương trình biểu diễn văn hóa, âm nhạc dân tộc cho học sinh, sinh viên, diễn giả Hồ Nhựt Quang còn dành một góc nhỏ để lập bàn thờ và thắp vài nén hương cho GS.TS Trần Văn Khê ở sau sân khấu. Đó không chỉ là cách để anh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và luôn nhớ đến thầy mà còn tự nhắc nhở bản thân về những kỳ vọng mà thầy dành cho mình trong những ngày cuối đời để từ đó anh tiếp tục hoàn thành trách nhiệm của mình. “Không có món quà nào để tri ân thầy cho xứng đáng. Tôi chỉ biết luôn cố gắng làm tốt công việc của mình để xứng đáng với những gì thầy kỳ vọng” – diễn giả Hồ Nhựt Quang xúc động.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang nói về Tết cổ truyền của Việt Nam
Ngoài GS.TS Trần Văn Khê, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang còn hai cô giáo mà anh vô cùng biết ơn đó là cô Nguyễn Thị Kiên và cô Lý Thị Kim Chi. Cô Kiên là người dạy cho anh phát âm tròn vành rõ chữ từ những ngày đầu đến trường. “Ngày xưa tôi phát âm không chuẩn câu thơ “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”. Trong đó có chữ “trời”, tôi phát âm thành “cời” nên bị cô khẻ tay. Nhưng cũng nhờ đó cách phát âm của tôi trở nên tốt hơn và mới trở thành diễn giả văn hóa như hôm nay” – diễn giả Hồ Nhựt Quang nhớ lại.
Người cô mà diễn giả Hồ Nhựt Quang biết ơn kế tiếp đó là cô Lý Thị Kim Chi – người vận động từng cuốn sách cũ, kết thành từng cuốn tập từ những trang giấy thừa từ những cuốn tập cũ để tặng học trò, trong đó có anh. Với diễn giả Hồ Nhựt Quang, cô Chi đã giúp anh tiếp bước con đường học ĐH. Số tiền ít ỏi mà cô dúi vào tay anh ngày nào kèm theo những lời dặn dò đầy chân tình khiến anh không thể nào quên.
“Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” là đạo lý luôn nhắc nhở mọi người rằng ngoài công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ thì thầy cô là những người cho chúng ta kiến thức, kinh nghiệm để bước vào đời. Vì vậy, chúng ta phải nhớ ơn thầy cô.
Hồ Thúy Kiều
Bình luận (0)