Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Làng nghề nấu cao dược liệu

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm trên vùng đồi, vốn ít ruộng, đa số bà con là công nhân nông trường Tân Lâm một thuở, bà con làng Định Sơn (xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã phát triển cho mình một nghề mới: nghề nấu cao lá vằng. Sản phẩm kết tinh từ loài dược liệu có vị đắng chát ấy đã phần nào giúp bà con có thêm thu nhập, ổn định đời sống!

Một gia đình nấu cao dược liệu

1.Không khó để hỏi thăm đường đến Định Sơn. Địa danh vài năm trở lại đây đã nổi tiếng bởi nghề nấu cao dược liệu, sản phẩm được bà con khắp nơi, từ Bắc vào Nam tìm mua. Một điều đặc biệt khác, là vừa đặt chân đến đầu làng, mùi thơm đặc trưng tỏa ra trong các lò nấu cũng đủ sức hấp dẫn níu chân ai từng một lần đến với miền đất này. Ông Trần Văn Luyến, Trưởng ban điều hành làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn vui vẻ cho biết, cách nay hơn chục năm về trước, nghề nấu cao dược liệu ở làng chỉ đếm được trên đầu ngón tay với tầm dăm bảy hộ. Mà chủ yếu người dân nấu cao nhằm mục đích gửi đi đây đó cho người thân quen cái hương vị đặc trưng của quê nhà vì không thể gửi một lúc đi mấy chục cân lá tươi cồng kềnh. Rồi tiếng lành đồn xa, từ chỗ nấu cao làm quà biếu, bán nhỏ lẻ, dần dà người dân mở rộng quy mô nhằm kiếm thêm thu nhập, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn cử như năm 2015 cả làng đã có 35 hộ sản xuất cao để bán ra thị trường. Nghề cứ thế phát triển tự nhiên để đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

 Nghề nấu cao tuy không thể làm giàu trong ngày một ngày hai nhưng đem đến cho người dân một việc làm ổn định. Định Sơn có 138 hộ thì có hơn 70 hộ tham gia nấu cao dược liệu. “Ngày trước, người dân chỉ nấu các loại cao lá phổ biến như lá chè vằng, cây chó đẻ, cây lá đung thì nay nghề nấu cao đa dạng hơn nhiều với các loại như dây leo lạc tiên, hà thủ ô, cà gai leo, vằng…”. Ước tính mỗi năm người dân Định Sơn cho ra thành phẩm hơn 100 tấn cao các loại. Giá cao được bán ra thị trường dao động từ khoảng 140.000-200.000 đồng/kg, tùy theo loại. Trừ chi phí các loại, mỗi hộ một ngày lãi khoảng 300.000 đồng, có hộ sản xuất quy mô lớn, đông nhân lực thì lãi lên đến gần 1 triệu đồng. “Nghề nấu cao không giàu nhưng thu nhập ổn định, nhờ đó đời sống của bà con trong thôn nâng cao hơn mấy năm trước. Bây giờ bà con ai cũng chú trọng việc cho con cái học chữ”.

Cao dược liệu mở ra hướng sản xuất mới cho bà con Định Sơn

2.Ông Luyến bảo, điều đáng mừng nữa là bây giờ bà con khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc đã biết đến và ưa chuộng các loại cao này nên sản phẩm làm ra là có đơn đặt hàng ngay. Nhiều tiệm thuốc bắc, thuốc nam cũng đặt mua sỉ để bán lại cho khách hàng bởi cao dược liệu không chỉ có mùi thơm đặc trưng mà còn được chiết xuất từ tinh chất cây lá có dược lý rất tốt cho sức khỏe con người. Nhiều loại cao của bà con Định Sơn còn được xuất bán sang thị trường Hàn Quốc. Nghề nấu cao không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì, kỹ lưỡng trong khâu chọn dược liệu. Từ các loại lá, thân cây tươi, được bà con cắt về rửa sạch, cho vào những chiếc nồi nhôm cỡ lớn. Củi để nấu cao cũng được chọn lựa kỹ càng từ những cây thân gỗ như cây phi lao già để đượm lửa. Mỗi nồi cao kể từ lúc bắc lên bếp đến khi thành cao luôn được bà con canh chừng mức độ lửa và tính thời gian cụ thể. Để một nồi lá cây đong thành cao mất hàng chục tiếng đồng hồ với vài lần thêm nước. Người nấu cao quen nghề, chỉ cần ngửi mùi thơm bốc ra từ lò nấu là đã biết cao đang cô đặc đến độ nào và lúc nào thì có thể ngừng lửa. Cao sau khi nấu, đợi nguội, bà con bắt đầu cho vào những túi nilon vừa đủ cân lạng rồi dùng ống thép dàn mỏng và đóng gói, đóng nhãn mác và đưa ra thị trường.

3.Không dừng lại ở việc sản xuất nhỏ lẻ, một số hộ sản xuất có quy mô lớn đang tính đến kế hoạch thành lập HTX nấu cao dược liệu Định Sơn. Ông Luyến cho biết, hiện có khoảng 6 hộ tham gia thành lập HTX. “Nếu HTX được thành lập sẽ giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại như sẽ đưa ra quy định chung về giá cả của sản phẩm, thành viên HTX có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình cũng như thuận lợi trong việc vay vốn để mở rộng phát triển sản xuất”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Định Sơn được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là làng nghề nấu cao dược liệu duy nhất của tỉnh. Ông Đinh Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Cam Nghĩa phấn khởi, nghề nấu cao dược liệu của bà con Định Sơn đã mở ra hướng sản xuất mới. Khi sản phẩm của làng nghề đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước ngày càng nhiều, thì việc phải tính đến nguồn nguyên liệu lâu dài không còn là chuyện xa xôi.

Tính đến thời điểm hiện tại, Định Sơn được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là làng nghề nấu cao dược liệu duy nhất của tỉnh. Ông Đinh Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Cam Nghĩa phấn khởi, nghề nấu cao dược liệu của bà con Định Sơn đã mở ra hướng sản xuất mới. Khi sản phẩm của làng nghề đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước ngày càng nhiều, thì việc phải tính đến nguồn nguyên liệu lâu dài không còn là chuyện xa xôi. Bởi vậy, xã đã quy hoạch vùng trồng dược liệu khoảng 2ha tại địa bàn làng Định Sơn, bước đầu thực hiện thí điểm để có cơ sở vận động người dân chuyển đổi sang trồng cây dược liệu. Trong tương lai gần, xã hướng đến việc giúp đỡ bà con xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm cao dược liệu vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)