Học sinh lớp 2 sẽ được học xác suất, thống kê ở môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng với nội dung gắn thực tiễn, đơn giản, không phải “lôi” kiến thức lớp 11 xuống như mọi người nghĩ.
TS. Phạm Sỹ Nam thông tin về chương trình giáo dục phổ thông mới môn toán
TS. Phạm Sỹ Nam (giảng viên Khoa Toán ứng dụng Trường ĐH Sài Gòn, thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn toán) đã thông tin điều này tại hội thảo “Xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam” diễn ra ở TP.HCM mới đây. Thông tin ông Nam đưa ra giải tỏa một số băn khoăn của phụ huynh, giáo viên trước việc xác suất, thống kê được đưa vào môn toán của chương trình giáo dục mới từ lớp 2.
Tăng tính thực tế
Chương trình giáo dục phổ thông mới môn toán được xây dựng theo quan điểm tinh giản, chú trọng yếu tố thiết thực thông qua việc tăng tính thực tế; tăng nội dung xác suất, thống kê đi vào cuộc sống. “Trong chương trình hiện hành, phần xác suất chỉ học ở lớp 11; phần thống kê học rải rác ở tiểu học, lớp 7 và lớp 10. Bây giờ dạy xác suất từ lớp 2 trong chương trình mới không có nghĩa “lôi” chương trình của lớp 11 xuống dạy. Thực tế có những kiến thức đòi hỏi có tiến trình, quá trình cho học sinh trải nghiệm. Với lớp 2, học sinh sẽ được học những khái niệm cơ bản của xác suất thiên về xác suất thực nghiệm, chẳng hạn như “chắc chắn” hay “không chắc chắn”. Ví dụ, trời đang mưa, học sinh đi ra ngoài chắc chắn bị ướt hay xác suất bị ướt 100%… Chương trình không dạy học sinh những cách tính toán to tát như ở lớp 11”, ông Nam cho biết.
Ông Nam lý giải thêm, khi làm chương trình, nếu lớp 2 học phần nội dung này mà các năm sau không tiếp tục học thì mạch kiến thức đó sẽ bị đứt, ảnh hưởng đến việc lĩnh hội kiến thức. Do vậy, nguyên tắc xây dựng chương trình là phải đảm bảo tính liên tục. “Khi chúng tôi làm chương trình, một số chuyên gia cũng nhận xét phần nội dung này ít, sao phải dồn vào một số lớp, làm đứt mạch, việc lĩnh hội kiến thức bị hạn chế”, ông Nam nói.
Bên cạnh khơi được nguồn sáng tạo cho học sinh thông qua những hoạt động trải nghiệm, quan điểm xây dựng chương trình môn toán còn đảm bảo tính tinh giản, thiết thực, hiện đại; đảm bảo tính thống nhất, sự nhất quán và phát triển liên tục; tính tích hợp và phân hóa; tính mở. Tuy nhiên, theo ông Nam, tùy từng điều kiện các trường có thể thực hiện tính mở. Do điều kiện cơ sở vật chất các trường không đồng đều, khó có thể để học sinh thành phố học chương trình với cùng một điều kiện với học sinh miền núi khó khăn được. Vì vậy, trong chương trình có những phần bắt buộc tối thiểu nhưng cũng có những khoản mở.
Phát triển năng lực
Tại hội thảo, TS. Phạm Sỹ Nam cũng đề cập đến một số hạn chế của chương trình toán học hiện hành như chú trọng việc truyền đạt kiến thức; cố gắng thiết kế chặt chẽ về mặt toán học, thiếu chú trọng hình trực quan; trong phân bổ nội dung, nguyên tắc “đồng tâm” được áp dụng có chỗ không thật hợp lý dẫn đến quá tải; có những kiến thức được đưa vào quá sớm; tính liên thông các cấp chưa tốt; trong tổ chức dạy học, học sinh thường được yêu cầu làm bài tập tổng hợp trong khi từng đơn vị kiến thức chưa nắm vững; chưa coi trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, chương trình còn nặng, trong đó có những nội dung tiềm ẩn cho việc giáo viên khai thác quá sâu, tăng nặng bằng cách ra những bài tập nâng cao, thiên về mẹo…
Nhiều điểm mới trong môn toán các cấp Ở nội dung môn toán tiểu học, có 4 mạch kiến thức cốt lõi là số học; đại lượng và đo đại lượng; các yếu tố hình học; giải toán. Mạch giải toán tích hợp vào các mạch kiến thức còn lại thông qua hoạt động thực hành giải quyết vấn đề. Chú ý rèn luyện những kỹ năng tính nhẩm căn bản. Giảm độ khó của kỹ thuật tính viết (ví dụ, ở lớp 4 chỉ yêu cầu thực hiện được phép chia cho số có không quá 2 chữ số). Tăng cường thực hành luyện tập và ứng dụng toán học vào thực tiễn. Còn ở môn toán THCS, chủ đề hàm số và đồ thị được bố trí từ lớp 8, tăng cường các yếu tố trực quan trong dạy học nội dung hàm số; giảm mức độ phức tạp trong dạy học phân tích đa thức thành nhân tử, trong dạy học về đường tròn và trong dạy học giải phương trình bằng phương pháp đặt ẩn phụ, đặc biệt là phương trình chứa dấu giá trị tuyệt đối. Trong khi đó, nội dung chương trình môn toán THPT cũng giảm mức độ phức tạp trong dạy học giải phương trình, bất phương trình; giảm nội dung phương pháp tọa độ trong hình học; tăng cường thêm các nội dung về thống kê và xác suất gần với ứng dụng trong đời sống thực tiễn; không đưa nội dung số phức vào chương trình. Nhấn mạnh việc đọc, vẽ, tưởng tượng, tạo dựng trong việc dạy hình học không gian… |
Chương trình hiện hành tiếp cận nội dung, trả lời câu hỏi “muốn học sinh biết cái gì”, khi đó những học sinh đạt được nhiều đơn vị kiến thức được đánh giá giỏi, thầy cô cố gắng dạy cho các em thật nhiều đơn vị kiến thức. Chương trình mới theo hướng tiếp cận năng lực, quan tâm việc “muốn học sinh làm được gì”. Theo đó, chương trình môn toán xác định 5 thành tố năng lực, gồm: Giao tiếp toán học, tư duy và lập luận toán học, mô hình hóa toán học, sử dụng công cụ phương tiện học toán, giải quyết vấn đề toán học.
Một số định hướng chính trong xác định nội dung cũng được ông Nam nhấn mạnh như chương trình phải bao gồm 2 mạch là nội dung, năng lực liên kết nhau; tăng cường tính ứng dụng; trong dạy học phải đi từ cụ thể đến trừu tượng; cấu trúc dạy học môn toán phải có tính hệ thống, thống nhất từ lớp 1 tới hết THPT, liên thông với mầm non và nhu cầu định hướng nghề nghiệp…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)