Dù đã nửa tháng áp dụng quy định mới về xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi và tiểu bậy nơi công cộng nhưng thực tế rác vẫn ngập các con đường trung tâm TPHCM, người tiểu bậy vẫn vô tư xả nơi công cộng.
Những ngày này chạy dọc các tuyến đường trung tâm TPHCM, chúng tôi vẫn chứng kiến rác chất đống bên các gốc cây, bao quanh trụ điện, rác ngập dưới các chân cầu, bờ kênh. Không ít người vẫn bình thản cầm từng bịch rác quăng ra đường. Dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nối từ trung tâm thành phố đến quận Bình Tân được xây dựng làm tuyến du lịch đường sông nhưng rác vẫn tràn ngập nhiều đoạn. Trên bờ, hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều đoạn bốc mùi hôi thối nồng nặc bởi những đống rác chất chồng.
Đoạn đường Hoàng Sa gần cầu Hoàng Hoa Thám là nơi tập kết của nhiều xe chứa rác nhưng người dân vẫn không bỏ rác vào xe mà cho vào bao tải rồi chất đống bên trụ điện. Nước thải từ các bịch rác rò rỉ chảy tràn ra đường khiến ai đi qua đây cũng phải bịt mũi vì mùi hôi quá nặng. Trong khi đó, phía sau hàng cây cảnh sát bờ kênh, nhiều người dân vẫn vô tư đứng trên bờ “xả nỗi buồn” xuống kênh bất chấp dòng người qua lại tấp nập.
Không chỉ bỏ rác bừa bãi bên lề đường, nhiều nơi có thùng rác hẳn hoi nhưng người dân mang rác đến nơi lại bỏ dưới đất, không cho vào thùng. Chỉ tay vào thùng rác trống không bên đường Lê Văn Sỹ, ông Lê Văn Thành (chạy xe ôm) cho biết, hàng ngày có rất nhiều người dân mang rác ra nơi có thùng rác nhưng lại bỏ xuống đất chứ không cho vào thùng. Ông nói: “Cái thùng rác to đùng đó mà có mấy ai bỏ rác vào đâu, cứ mang đến sát bên rồi bỏ xuống đường. Bốn bên thì ngập rác trong khi thùng rác trống không.
Phạt nhiều vẫn chưa hiệu quả
Ngày 10/2, phóng viên theo chân Đội quản lý Trật tự đô thị quận 1 (TPHCM) kiểm tra tình trạng tiểu bậy, xả rác bừa bãi ở nhiều tuyến đường trung tâm thành phố. Trong buổi sáng, lực lượng phát hiện nhiều trường hợp là tài xế xe ôm, taxi,…tiểu bậy xung quanh khu vực vòng xoay Nguyễn Cư Trinh – Cống Quỳnh (quận 1). Chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, tổ kiểm tra đã phát hiện gần 10 trường hợp tiểu bậy ở khu vực này.
Ông Phạm Nhất Trí, Đội phó Đội quản lý Trật tự đô thị quận 1 (TPHCM) cho biết, trong năm 2016, lực lượng chức năng đã phạt hơn 2.000 trường hợp liên quan đến các hành vi trên với mức tiền 200 nghìn đồng mỗi trường hợp. Từ đầu năm đến nay đã lập biên bản xử phạt hơn 30 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp đang tham mưu cho UBND quận 1 ra quyết định xử phạt theo quy định mới. Với mức phạt tại Nghị định 155, người có hành vi tiểu tiện nơi công cộng bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng.
Rác chất đống bên đường ở TPHCM.
Ở các tuyến đường khu vực công cộng ở quận 1 như xung quanh công viên 30/4, đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão,… lực lượng đã lập biên bản vi phạm nhiều trường hợp. Các tổ quản lý trật tự đô thị của quận 1 và các phường thuộc quận 1 được trang bị camera ghi hình, camera hành trình gắn trên mũ bảo hiểm để ghi hình làm chứng cứ. Nhiều trường hợp tiểu bậy ở nơi công cộng bị phát hiện, chống chế nhưng khi được cho xem clip đã chấp nhận ký vào biên bản xử phạt và bị yêu cầu dội nước rửa sạch.
Lãnh đạo Đội quản lý Trật tự đô thị quận 1 (TPHCM) cho biết, việc xử phạt người tiểu tiện trái quy định có gặp một số khó khăn do người vi phạm chưa biết các quy định pháp luật xử phạt hành vi này. Một số người vi phạm là những người lao động nghèo, trong khi vào nhà vệ sinh công cộng có thu phí nên họ tranh thủ ở các nơi vắng để tranh thủ tiểu bậy. Một trong những giải pháp cần thiết nhất là cần có sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí, tuyên truyền các quy định của pháp luật, của việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Cty Luật TNHH Đức Chánh cho rằng, việc ra quân xử lý hành vi này là rất cần thiết, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung. “Tuy nhiên, bên cạnh việc xử phạt hành vi tiểu tiện ngoài đường phố, nơi công cộng thì cần xây dựng nhiều hơn nữa nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng nhu cầu tự nhiên của mỗi người. Khi nào chúng ta có hệ thống nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, an toàn thì việc xử phạt mới đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao ý thức của mỗi người. Vì lúc này, người vi phạm không còn nại ra lý do thiếu nhà vệ sinh công cộng…để bào chữa cho hành vi vi phạm của mình”, luật sư Chánh nói.
PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết: “Việc xử phạt theo đúng pháp luật sẽ đảm bảo tính răn đe, giáo dục và giúp người vi phạm điều chỉnh hành vi. Song song với biện pháp chế tài, cần quan tâm đến vấn đề giáo dục, nhắc nhở. Ngoài ra, TPHCM cũng cần quan tâm đến điều kiện nhà vệ sinh thuận tiện, sạch sẽ, miễn phí,… để giải quyết việc vẫn còn tồn tại những hành vi chưa đạt chuẩn như tiểu bậy”.
Ngô Bình – Văn Minh (TPO)
Bình luận (0)