Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thay thế Nghị định 73 Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định thay thế có một số điểm mới, theo đánh giá của chuyên gia, đã tạo hành lang thông thoáng cho các trường ĐH nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết, so với Nghị định 73 dự thảo Nghị định thay thế có nhiều điểm mới. Trong đó, quan trọng nhất là bỏ quy định về tỉ lệ phần trăm tiếp nhận học sinh Việt Nam ở các bậc học phổ thông và bỏ quy định học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài. Nhưng bổ sung thêm yêu cầu cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông dạy chương trình giáo dục của nước ngoài cho học sinh Việt Nam phải giảng dạy các nội dung giáo dục bắt buộc theo quy định.
Điểm mới quan trọng nữa theo ông Vang đó là về cơ sở vật chất. So với Nghị định 73, dự thảo Nghị định mới có thoáng hơn. Đó là các đối tác nước ngoài muốn mở trường ĐH tại Việt Nam có thể thuê cơ sở vật chất tạm thời trước khi xây dựng trường.
Mặt khác, về vốn đầu tư, dự thảo Nghị định tăng quy định về đầu tư xây dựng cơ sở GD ĐH với tổng vốn đầu tư lên 1.000 tỷ đồng. Cũng theo ông Vang, dự thảo quy định rõ hơn về văn bằng của giảng viên trong liên kết đào tạo. “Văn bằng của các giảng viên là người nước ngoài do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải đáp ứng yêu cầu: Chương trình đào tạo đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước cấp bằng công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng. Văn bằng của các giảng viên Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải đảm bảo đủ điều kiện được công nhận ở Việt Nam” – ông Vang nói.
Về chế tài xử lý, ông Vang cũng cho hay, dự thảo bổ sung quy định về chấm dứt chương trình liên kết đào tạo (LKĐT). Trong đó, có bổ sung quy định về trách nhiệm của các bên LKĐT như bồi hoàn kinh phí cho người học trong trường hợp chương trình LKĐT bị đình chỉ, hoặc bị chấm dứt hoạt động mà người học không được hoặc không muốn chuyển sang cơ sở đào tạo khác.
Hứa hẹn môi trường đầu tư thông thoáng
Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Kim Dung – Luật sư, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Đại học Anh Quốc Việt Nam cho biết Nghị định mới thay thế nghị định 73 có nhiều điểm thay đổi đem lại một môi trường đầu tư đổi mới, thuận lợi trong lĩnh vực giáo dục, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu tư. Thứ nhất, Nghị định mới giúp giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết. Nghị định 73 cũ quy định thẩm quyền cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là Thủ tướng Chính phủ. Nay Nghị định mới quy định thẩm quyền cấp phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài là Bộ GD&ĐT. Quy định này thể hiện đúng tinh thần của Luật giáo dục đại học và giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng trong thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Đại học Anh Quốc Việt Nam. Thứ hai, Nghị định mới bổ sung các điều kiện cho phép hoạt động giảng dạy phù hợp với thực tế nhưng vẫn đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục. Nghị định 73 quy định giáo viên dạy tại các chương trình liên kết đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải có 5 năm kinh nghiệm và phải có bằng thạc sĩ, không phân biệt giảng dạy ngành gì. Nghị định mới đã có những quy định phù hợp thực tế, cho phép các giáo viên bản ngữ dạy kỹ năng ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục đại học chỉ cần có bằng đại học và chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp.
“Nghị định mới đem lại các tín hiệu hứa hẹn một môi trường đầu tư thông thoáng hơn trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể là Bộ Giáo dục sẽ có những quy định riêng dành cho các ngành đào tạo đặc thù theo hướng thực hành.Chúng tôi thực sự mong muốn và hy vọng Bộ sẽ sớm ban hành các quy định này” – bà Dung nói.
Bà Dung cũng đưa ra ví dụ như sẽ không quy định giảng viên giảng dạy các ngành như Ẩm thực, Hội hoạ, Quản trị khách sạn cần phải có trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ, mà chỉ quy định các nghệ nhân, những người có uy tín với nhiều năm kinh nghiệm. Họ thực sự sẽ là những người truyền đạt các kiến thức thực tế tốt nhất cho sinh viên.
Nghiêm Huê (TPO)
Bình luận (0)