Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao đao tìm lao động đánh bắt xa bờ

Tạp Chí Giáo Dục

“Tàu cá nằm bờ sau rằm tháng Giêng là hi hữu với nghề biển. Nhưng năm nay thì tình trạng này rất phổ biến, nguyên nhân là do thiếu lao động. Nhiều chủ tàu đã tăng tỉ lệ ăn chia, trả thêm lương cứng… nhưng vẫn tìm không ra bạn, đành tuyển lao động nông nghiệp để đi biển” – ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nói.

Lao đao tìm lao động đánh bắt xa bờ
Nhiều tàu cá nằm bờ chờ lao động.

Xã Đức Trạch là một trong những địa phương đứng trong tốp đầu của Quảng Bình về số tàu đánh bắt xa bờ và cũng đi đầu trong việc đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Theo ông Hoạt, toàn xã có 240 tàu cá đánh bắt xa bờ thu hút gần 1.700 lao động.

“Nóng thị trường” lao động biển xa

Bước vào vụ đánh bắt năm 2017, nhiều tàu cá phải nằm bờ do thiếu lao động. Ông Hoạt cho biết, nhiều chủ tàu đã đôn đáo chạy tìm người từ trước Tết Nguyên đán, tăng tỉ lệ ăn chia, thậm chí ngoài tỉ lệ ăn chia còn có thêm phần lương cứng hàng tháng nhưng vẫn không đủ lao động để ra biển. Hiện địa phương này còn thiếu khoảng 300 lao động chưa thể tìm ra nguồn bổ sung.

“Các lao động có tay nghề được nhiều chủ tàu lôi kéo rất mạnh, giá ăn chia lên vùn vụt. Lao động ăn chia theo tỉ lệ %, nay còn được trả thêm phần lương cứng hàng tháng. Phần lương cứng này, ban đầu có chủ tàu đưa ra mức 3 triệu đồng/tháng, chủ khác 5 triệu, nay lên đến 7 triệu đồng. Nhiều chủ tàu vì quá bí, đành phải tìm về các xã làm nông nghiệp tìm người. Biết trước là hiệu quả đánh bắt sẽ giảm sút do các lao động này chưa quen nghề biển, nhưng không thể để khối tài sản hàng chục tỉ đồng nằm bờ” – ông Hoạt nói.

Không chỉ Đức Trạch, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới cũng chung tình trạng thiếu lao động đánh bắt xa bờ. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết: Các năm trước tình trạng thiếu lao động đánh bắt xa bờ sau Tết Nguyên đán cũng có nhưng không gay gắt như năm nay. Xã này có 370 tàu cá xa bờ, nhưng nay cũng chỉ mới có 1/3 số tàu nói trên mở biển đầu năm, số còn lại vẫn lao đao tìm lao động. Xã chưa thống kê là thiếu bao nhiêu lao động, nhưng đây là tình trạng đáng báo động.

Ông Nguyễn Văn, chủ tàu làm nghề vây ở xã Bảo Ninh cho biết: Hầu hết 20 lao động trên tàu ông không phải người địa phương mà chủ yếu được tuyển từ xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. “Tìm lao động ở địa phương giờ khó lắm, may mà Hải Ninh khó khăn trong đánh bắt biển gần do ô nhiễm, nên tôi mới tìm được người. Tết vừa rồi, gia đình tôi phải lên thăm Tết, động viên từng nhà, nếu không thì cũng khó mà giữ được họ” – ông Văn nói.

Hậu quả của ô nhiễm môi trường biển

Ông Trương Công Hoạt cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng thiếu lao động đánh bắt biển xa là do sự cố  Formosa gây ra. Năm 2016, sản lượng đánh bắt của xã Đức Trạch tăng cao nhưng thu nhập của người lao động lại bị giảm sút. Có những thời điểm giá cá chỉ còn 20% so với trước khi Formosa gây ra sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Thu nhập từ nghề biển bị giảm sút, nhiều lao động tìm cách đổi nghề. Ở Đức Trạch, thanh niên trong độ tuổi lao động đua nhau đi xuất khẩu lao động… Nhà nào không có điều kiện thì cho con em vào miền Nam đi biển, thu nhập cao và ổn định hơn.

Ông Hoạt cho biết: Chính quyền xã đã cảnh báo người dân không nên phát triển nghề biển quá nóng khi môi trường biển bị ô nhiễm. Cứ mỗi chiếc tàu đóng mới theo Nghị định 67 cần ít nhất 10 lao động. Vậy mà vừa qua, Đức Trạch đóng một lúc 20 chiếc, trong đó có 3 chiếc tàu sắt lớn.

Ông Nguyễn Văn Đào, một ngư dân đánh bắt xa bờ nói: “Nghề biển vất vả hơn nhiều nghề khác, sóng gió bất thường, nguy hiểm luôn cận kề. Nay lại gặp sự cố môi trường biển, sản phẩm làm ra có lúc không ai mua, bán đổ bán tháo nên nhiều người dân biển không còn tha thiết với nghề. Ngay cả con cái của các chủ tàu có điều kiện họ cũng hướng con em mình tìm nghề khác, thậm chí li hương để tránh ô nhiễm môi trường.

Ngư dân Quảng Trị về quê bám biển 

Bí thư Đảng ủy xã Gio Hải (huyện Gio Linh) Trần Văn Chương cho hay, chưa năm nào ngư dân ra khơi đánh bắt đầu năm lại đạt được sản lượng lớn và có giá trị như năm nay. Không chỉ được mùa cá khoai mà nhiều loại hải sản khác cũng dồi dào nên nhiều ngư dân trúng đậm. Theo ông Chương, tại bờ biển Gio Hải, từ ngày mùng 2 Tết đã tấp nập người mua kẻ bán cá khoai. Vụ cá khoai bắt đầu từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 4 năm sau. Vì vậy ngư dân ở vùng biển bãi ngang đã tổ chức đánh bắt cá khoai từ cuối tháng 12 âm lịch đến nay và liên tiếp trúng đậm. Theo thống kê của UBND xã Gio Hải, từ 29/1-7/2, hầu hết thuyền đánh bắt gần bờ có công suất từ 7-10 mã lực của ngư dân trong xã đã ra khơi đánh bắt hải sản. Tổng sản lượng đánh bắt được trên 50 tấn cá các loại như cá thu, ghẹ, tôm, trong đó có gần 40 tấn cá khoai. “Gần 300 lao động biển của Gio Hải sau sự cố môi trường biển lao vào Nam kiếm cơm, giờ đã về làng hết. Bà con phấn khởi ở lại bám biển quê nhà”, ông Chương cho hay.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Hoàng Văn Vinh, huyện này có 90 – 100 thuyền ra khơi đánh bắt hải sản các loại, đặc biệt là loại ghẹ xanh xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngư dân Trần Viễn (thôn Thâm Khê, Hải Khê) nói, năm nay ngư dân vùng biển bãi ngang trúng đậm ghẹ xanh. Ngay tại bãi giá bán 300.000 đồng/kg ghẹ xanh, 100.000 đồng/kg ghẹ thường. “Mỗi thuyền của ngư dân ra khơi trong vòng một ngày đánh bắt thu về 3-4 triệu đồng, có thuyền thu hơn chục triệu nhờ trúng đậm ghẹ xanh”, anh Viễn nói.

              H.Thành

Hoàng Nam (TPO)

Bình luận (0)