Đầu năm đến một ngôi chùa ở quận Thủ Đức (TP.HCM), tôi cảm phục sự khôn ngoan của một người cha về cách dạy con kiềm chế ngôn ngữ.
Trước cổng chùa, có hai gia đình cùng bước vào phía trong, hai cậu con trai cùng học lớp 7 trong một trường THCS, nhìn cũng khá lớn và hoạt bát. Được biết, hai học sinh này có xích mích mà chưa giải quyết gì ổn thỏa nên gặp nhau là muốn lao vào chửi nhau, đánh nhau. Tuy chưa xảy ra chuyện gây gổ nhưng hai em đã to tiếng với ngôn ngữ hơi tục tĩu làm mọi người một phen nhìn với ánh mắt ái ngại. Một gia đình can ngăn cậu con trai lại và xin lỗi gia đình kia rồi cùng đi vào chùa.
Gia đình còn lại thì bước chậm rãi hơn, người cha không vội đưa cả nhà vào trong, ông nắm tay con trai ngồi xuống ghế đá rồi giảng giải cho con mình một bài học rất cơ bản mà tưởng chừng nhiều phật tử cúng viếng chùa đã quên. Người cha hỏi: “Tại sao vào chùa là nơi nghiêm trang mà con có thái độ cùng lời nói to tiếng và thô tục như vậy?”, con trai thưa: “Tại thằng đó ở trường ỷ thế có đông bạn bè xung quanh rồi ức hiếp con và nhiều bạn khác nữa, hôm nay gặp con chỉ muốn đánh, muốn chửi khi nó không đi đông cùng bạn…”.
Người cha hiểu chuyện, nói một cách ôn tồn: “Con biết cha đưa gia đình mình đi chùa với mục đích gì không?”. Không cần con trả lời, người cha tiếp tục: “Cửa chùa không phải nơi người ta đến với mục đích cầu khấn lợi lộc, càng không có bậc thần thánh nào ban cho ai đến cầu cạnh chức tước hay vinh hoa phú quý. Trước không gian thanh tịnh của nơi trang nghiêm này, con người trở về với thinh lặng, tự vấn lương tâm mình, xem cuộc sống sai đúng chỗ nào. Từ đó sửa đổi bản tính để sống tử tế hơn, làm nhiều điều lành hơn, kiềm chế những ham muốn xấu xa cũng như bỏ dần lối sống làm mất tình thân đồng loại”.
Nghe người cha khuyên dạy đứa con mà tôi thấy được an ủi phần nào, khi mình chưa làm tròn trách nhiệm giáo dục học sinh của mình. Cảm động là phần nhiều nên tôi nghe tiếp đoạn sau của người cha. “Con biết con làm cha xấu hổ trước những lời nói của con vừa rồi không? Riêng cha, cha thấy hổ thẹn đó con. Dù sai, dù đúng thì con cũng kiềm chế lời nói của mình. Nếu đến chùa mà mang trong lòng nỗi uất hận thì vô ích. Con hãy tìm hiểu kỹ những thắc mắc quanh chuyện của con, gặp thầy cô hay người lớn tuổi xin cách giải tỏa bức xúc, không nên vì bạn sai mà xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Tiết chế lời nói là một đức tính tốt. Hãy góp ý chân thành khi người khác sai, và góp ý kín đáo. Mình tôn trọng người khác thì người khác mới tôn trọng mình với bất kỳ hành vi và lời nói nào…”.
Tôi không cần nghe hết chuyện của gia đình họ, nhưng tôi tin đứa con trai sẽ hiểu một vài điều người cha nói. Và tôi tin, mọi người biết kiềm chế những lời nói thô lỗ thì những đứa trẻ cũng như xã hội này văn minh và ít tổn thương hơn.
Nguyễn Minh Thanh
Bình luận (0)