Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2017: Lo ngại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 16-2, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Triển khai công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam năm 2017. Tại đây, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cúm gia cầm, Ebola, MERS-CoV đang có diễn biến phức tạp nên chúng ta cần chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo TP.HCM kiểm tra công tác chống dịch tại huyện Bình Chánh. Ảnh: M.Bình

Nhiều trường hợp tử vong

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: “Dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, có khả năng xâm nhập vào Việt Nam hoặc bùng phát nếu không thực hiện tốt biện pháp kiểm soát và ngăn chặn như cúm gia cầm, Ebola, MERS-CoV… Nguyên nhân là do giao lưu thương mại, du lịch, chuyển dịch lao động mạnh mẽ giữa các nước trong khu vực khiến mầm bệnh có thể dễ dàng phát triển, trở thành nguy cơ đối với nhiều quốc gia, kể cả quốc gia đang nằm ngoài vùng dịch”.

Cũng theo ông Phu, một số bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Zika, dại, liên cầu lợn, viêm não virus vẫn là thách thức đối với ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là trong việc giảm số ca mắc tử vong. Ông đưa ra dẫn chứng, năm 2016 bệnh dại ghi nhận 91 trường hợp tử vong, tăng 13 trường hợp so với năm 2015. Số ca bệnh tập trung chủ yếu là ở các tỉnh miền Bắc do không đi tiêm phòng; viêm cầu lợn có 90 trường hợp mắc, 7 trường hợp tử vong; viêm não virus ghi nhận 975 trường hợp, 34 trường hợp tử vong…

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2016, cả nước có 219 trường hợp nhiễm virus Zika, từ đầu năm 2017 đến nay có thêm 13 trường hợp, chủ yếu là ở TP.HCM (199 trường hợp). Bệnh sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng ở Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á và châu Mỹ – Latinh. Riêng ở Việt Nam, số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung và gia tăng tại khu vực Tây Nguyên, trong đó 10 tỉnh có số ca mắc cao như TP.HCM, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương…

Không đợi dịch xảy ra mới cấp kinh phí

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị. Ông Long cho hay, vừa qua các tỉnh Tây Nguyên xảy ra dịch sốt xuất huyết, khi đoàn công tác của Bộ Y tế xuống khảo sát thì các địa phương đều gặp khó khăn trong đầu tư kinh phí chống dịch. Vì vậy, Bộ Y tế phải hỗ trợ thêm hai tỷ đồng để chống dịch trong khi về nguyên tắc thì ngân sách của bộ không cấp cho địa phương.

Từ lý do này, ông Long đề nghị: “Các sở y tế phải trình để UBND địa phương tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, đặc biệt là bằng ngân sách Nhà nước”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đề nghị: “Kinh phí cấp cho phòng chống dịch phải được cấp sớm, ngay từ đầu năm, nếu thiếu sẽ bù sau để giải quyết kịp thời khi có dịch bệnh”.

PGS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – đánh giá Zika vẫn là thách thức lâu dài đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. PGS.TS Phan Trọng Lân nêu lên những thách thức cho khu vực phía Nam: “Bệnh lây qua véc tơ (vật trung gian truyền bệnh) nên kiểm soát khó hiệu quả nhất, khó phát hiện vì nhẹ và không có triệu chứng, tần suất giao lưu đi lại cao, khu vực phía Nam thuộc vùng lưu hành của muỗi vằn… Dự báo năm 2017 sẽ gia tăng bệnh do virus Zika tại tất cả các tỉnh, thành khu vực phía Nam, khả năng bùng dịch nếu không có kế hoạch giám sát và ứng phó từ đầu năm, không kiểm soát triệt để véc tơ truyền bệnh”.

Riêng TP.HCM, dự kiến nguồn kinh phí dành cho y tế dự phòng sẽ tăng hơn năm 2016 khá nhiều. “Kinh phí đầu tư cho y tế dự phòng TP.HCM trong tổng số kinh phí đầu tư y tế dự kiến là 60%, mọi năm thường là 30%. Theo đó, năm 2017 dự kiến sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ đồng cho y tế dự phòng (năm 2016 đầu tư 75 tỷ)”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng chống dịch. Cụ thể, trong năm 2017 phải dự báo được tình hình dịch bệnh ở địa phương, đặc biệt là những dịch bệnh nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Đồng thời tập trung giải quyết các dịch bệnh đang diễn biến ở nước ta như virus Zika, sốt xuất huyết… và đánh giá, nhận định được các dịch bệnh khác như tiêu chảy, sốt rét…

Mỹ Bình

Bình luận (0)