Ngày 20-2, TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Bàn giao quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ Sở GD-ĐT sang Sở LĐ-TB&XH.
Sinh viên CĐ Nghề Cần Thơ thực hành tại xưởng của trường |
Theo báo cáo, Cần Thơ hiện có 66 cơ sở GDNN. Ngoài các trường ĐH-CĐ có dạy nghề, các trường TC, còn có 9 trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên (GDTX) quận – huyện. Và trong quá trình chuyển giao này, 9 trung tâm GDNN-GDTX quận – huyện là nỗi băn khoăn, lo lắng của ngành GD-ĐT Cần Thơ.
Đó chính là việc học của các học viên tại đây, nhất là 663 học viên khối 12. Theo đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT Cần Thơ kiến nghị UBND TP.Cần Thơ dời việc sáp nhập đến thời điểm thi xong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
TS. Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, phân tích: “Trước đây các trung tâm GDTX do Sở GD-ĐT quản lý, từ con người, kinh phí hoạt động đến chất lượng chuyên môn. Nếu sáp nhập thời điểm này, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý thay đổi, lực lượng giáo viên có thể cũng thay đổi, e rằng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc chỉ đạo dạy và học, nhất là công tác ôn luyện, chuẩn bị cho học viên lớp 12 bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Đối với ngành GD-ĐT, từ trước tới nay công tác bổ nhiệm, phân công, thuyên chuyển cán bộ quản lý và giáo viên tại các đơn vị đều thực hiện trong hè để không gây xáo trộn trong thực hiện nhiệm vụ năm học”.
Một vấn đề khá tế nhị là nhân sự. Từ 3 trung tâm/huyện nay chỉ còn 1, trước hết sẽ dôi dư nhân lực thuộc các phòng ban và đội ngũ cán bộ quản lý. Một số đại biểu thẳng thắn góp ý: UBND các quận, huyện cần có hướng phân công, bổ nhiệm hợp lý để không tạo sự mất đoàn kết, có thể dẫn đến thưa kiện trong nội bộ.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, cho biết: “Năm 2017, Cần Thơ sẽ tuyển mới 45.000 HS-SV, trong đó CĐ – 6.500, TC – 8.400, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng – 30.000 người. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đón đầu nhu cầu về ngành nghề lao động của các nhà đầu tư mà thành phố đang thu hút nhưng ít người theo học và đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các nghề khó tuyển người học”. |
Riêng các trường CĐ, TC, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Sở GD-ĐT sớm bàn giao biên chế của các trường để có cơ sở phân bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017.
Theo kế hoạch, từ ngày 1-3, Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ chính thức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về GDNN, hướng dẫn các trường CĐ, TC thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH. Qua làm việc, hai sở thống nhất: Cần có giai đoạn chuyển tiếp để giáo viên, sinh viên theo hệ thống GDĐH (thuộc Bộ GD-ĐT) yên tâm trước khi triển khai chương trình đào tạo mới theo hệ thống GDNN (thuộc Bộ LĐ-TB&XH). Về tuyển sinh, Sở GD-ĐT tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường CĐ, TCCN năm học 2016-2017 trở về trước. Từ năm học 2017-2018 các trường này sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ LĐ-TB&XH ban hành. Sinh viên CĐ tuyển sinh từ khóa 2016-2017 trở về trước tiếp tục học chương trình CĐ hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017-2018 học theo chương trình mới của Bộ LĐ-TB&XH, cấp bằng CĐ thuộc GDNN. Việc đào tạo liên thông đối với HS-SV thuộc GDNN, tuyển sinh từ năm 2017 trở đi sẽ thực hiện theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.
Kết thúc buổi làm việc, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, chỉ đạo: “Các trung tâm GDNN-GDTX quận, huyện mới thành lập, nhiệm vụ chức năng quản lý Nhà nước thuộc sở nào thì sở đó chịu trách nhiệm. Trong đó, Sở GD-ĐT cần tiếp tục làm tốt công tác chỉ đạo giảng dạy, tổ chức ôn tập để học viên khối 12 chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia. Giao Sở Nội vụ chủ trì công tác bàn giao, sáp nhập các đơn vị do Sở GD-ĐT quản lý cho Sở LĐ-TB&XH trên cơ sở không để xảy ra xáo trộn lớn về cơ sở vật chất, nhân lực – nhất là lực lượng giáo viên công tác tại các trung tâm GDNN, GDTX. Sau khi tiếp nhận, Sở LĐ-TB&XH phải tiến hành thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo nghề”.
Đan Phượng
Bình luận (0)