Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đẩy mạnh thương mại hóa nông sản

Tạp Chí Giáo Dục

Quang cảnh hội thảo

“Phát triển thương mại và khoa học công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế” là chủ đề Hội thảo khoa học quốc tế do trường Đại học Nam Cần Thơ phối hợp trường Đại học Tây Đô tổ chức ngày 16-11-2019.

Tham dự hội thảo có ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đại diện các sở, các trường ĐH trong khu vực, trường ĐH RMIT; các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, các trường ĐH đến từ Pháp, Thái Lan, Malaysia và Bangladesh.

Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ trình bày chuyên đề “Phát triển thương mại tại TP.Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”

Báo cáo tại hội thảo, đồng bằng Sông Cửu Long sản xuất và cung ứng 50% sản lượng gạo của cả nước, 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây và 65% sản lượng thủy sản. Tuy nhiên giá trị mang lại chưa tương thích với tiềm năng phát triển của vùng và tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực còn rất cao, nhiều loại nông sản của vùng bán với giá thấp, nhất là thời điểm được mùa.

Để giải bài toán nâng cao thu nhập cho người nông dân thì yêu cầu tái cơ cấu sản xuất và liên kết nâng cao chuỗi giá trị trở nên rất cấp thiết. Đồng thời phải quan tâm việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; phát triển các mặt hàng nông nghiệp có ưu thế cạnh tranh và phù hợp nhu cầu thị trường để tăng cường hội nhập.

Qua 3 phiên hội thảo với các chủ đề “Phát triển thương mại”, “Nông nghiệp – Cây thuốc – Kỹ thuật”, “Sản phẩm tự nhiên và sức khoẻ con người”, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, trao đổi và thảo luận về thực trạng, các kết quả nghiên cứu khoa học nhằm cải thiện, phát triển thương mại, khoa học công nghệ Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế để tìm lời giải cho các bài toán trên; Đồng thời chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về lý thuyết và thực tiễn hội nhập kinh tế thế giới, cũng như ứng dụng các lý thuyết này nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư; Qua đó đề xuất với các cấp lãnh đạo, và cộng đồng doanh nghiệp những giải pháp nhằm phát triển thương mại, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam nói chung, và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển thương mại và khoa học-công nghệ

Hội thảo góp phần tạo ra cách tiếp cận mới nhằm thay đổi nền nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, trong đó tập trung vào các vấn đề cần quan tâm là: nâng giá trị gia tăng; Đẩy mạnh thương mại hóa nông sản; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ để phục vụ phát triển bền vững.

Đan Phượng

Bình luận (0)