Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Không quá lo lắng về nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Điền thông tin cá nhân, số điện thoại cố định, địa chỉ email… một cách cẩn thận, chính xác vào hồ sơ dự thi, xét tuyển. Bởi thông tin sẽ được cập nhật, thông báo thường xuyên đến thí sinh qua các địa chỉ này kể từ ngày nộp hồ sơ.

Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng trao đổi thêm với bà Hoàng Thị Hồng Hà (đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) sau chương trình. Ảnh: N.Trinh

Đây là những lưu ý ông Nguyễn Quốc Cường (nguyên chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) nhắn nhủ đến học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (TP.HCM) trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 22-2.

Cẩn thận luôn không thừa

Ông Cường cho biết, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH-CĐ các năm trước thường xảy ra những sự cố khiến nhiều thí sinh không được dự thi, hoặc ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào ĐH-CĐ. Nguyên nhân do thí sinh điền sai thông tin trong quá trình làm hồ sơ đăng ký dự thi. Cũng không thể không nhắc đến những thí sinh muộn giờ, tìm hiểu thông tin quy chế dự thi, xét tuyển không kỹ lưỡng dẫn đến những sự cố đáng tiếc.

“Thông tin liên lạc giữa nhà trường và thí sinh hiện nay phần lớn là số điện thoại cá nhân, hộp thư điện tử và được cập nhật thường xuyên để thí sinh kịp thời nắm bắt. Chỉ cần ghi sai số điện thoại, email thì người bị thiệt thòi chính là thí sinh. Nhằm tránh sai sót, không ảnh hưởng đến kỳ thi cũng như xét tuyển, thí sinh nên ghi thông tin cá nhân vào hồ sơ một cách cẩn thận, chính xác. Số điện thoại, địa chỉ email ghi vào hồ sơ phải được dùng thường xuyên”, ông Cường nhắn nhủ.

Cũng theo ông Cường, khi đăng ký tổ hợp môn thi, ngoài 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ, thí sinh phải chọn thêm tổ hợp môn thi bắt buộc, không được chọn môn độc lập trong tổ hợp. Năm nay có thể có hơn 240 tổ hợp môn thi xét tuyển, vì thế trong quá trình ghi mã ngành, mã trường tương ứng với tổ hợp, thí sinh phải hết sức lưu ý. Nếu ghi sai sẽ không khớp với tổ hợp, như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến việc xét tuyển.

Liên quan đến việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, em Thủy Trang (học lớp 12A5) hỏi: “Em đăng ký 5 nguyện vọng vào một trường thì có thuận lợi, khó khăn gì? Nếu đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành y thuộc Trường ĐH Y dược TP.HCM mà không trúng tuyển thì có thể xét nguyện vọng 2 vào ngành y của ĐH Quốc gia TP.HCM được không?”. Trả lời câu hỏi này, ông Cường cho biết: “Nếu thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng ở 5 ngành khác nhau trong cùng một trường thì sẽ không có lợi. Vì thí sinh trúng nguyện vọng 1 thì không có cơ hội trúng tuyển ở nguyện vọng tiếp theo, đồng nghĩa với việc các em có thể trúng tuyển ở nguyện vọng mà bản thân không yêu thích. Ví dụ, thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 ngành marketing, nguyện vọng 2 ngành kế toán, nguyện vọng 3 ngành quản trị kinh doanh… tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trong đó marketing là ngành bản thân yêu thích. Tuy nhiên, khi thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 thì chắc chắn không có nguyện vọng 1, đồng nghĩa với việc không được học ngành marketing”.

Ông Cường cho hay: “Hiện có 4 cơ sở đào tạo ngành y khoa. Các em có thể đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, nguyện vọng 2 vào ĐH Quốc gia TP.HCM, nguyện vọng 3 vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyện vọng 4 vào Học viện Quân y thì cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng bản thân yêu thích sẽ cao hơn”.

Không nhất thiết phải làm đúng ngành học

Không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH-CĐ là nỗi lo của khá đông học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ năm nay. Tại Trường THPT Lý Tự Trọng, trong khoảng 15 câu hỏi đặt ra cho Ban tư vấn thì có đến 1/2 câu có nội dung: “Liệu ra trường có tìm được việc làm không? Trường đào tạo có giới thiệu việc làm cho tân cử nhân không?”.

Em Thanh Tuyền (học lớp 12A6) băn khoăn: “Em muốn học ngành quản trị doanh nghiệp thuộc Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì có dễ xin việc không?”. Trước nỗi lo của Thanh Tuyền cũng như các học sinh khác, PGS.TS Lê Hiếu Giang (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Hiện nước ta có khoảng 250 ngàn cử nhân thất nghiệp, nhưng có đến hơn 5 triệu người đang có việc làm. Kết quả này cho thấy tỉ lệ thất nghiệp là không cao nên các em đừng quá lo lắng”.

Năm nay có thể có hơn 240 tổ hợp môn thi xét tuyển, vì thế trong quá trình ghi mã ngành, mã trường tương ứng với tổ hợp, thí sinh phải hết sức lưu ý.

Tuy nhiên, ông Giang cũng phân tích, thất nghiệp hay không đều xuất phát từ bản thân người học. Vào ĐH-CĐ, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức, kỹ năng để có thể sử dụng khi ra làm việc. Tuy nhiên, học ngành A không nhất thiết ra trường phải làm đúng việc của ngành A mà ngược lại, tân cử nhân có thể làm trái ngành. Điều quan trọng là ngay từ ban đầu, các em có chọn đúng ngành yêu thích, phù hợp với năng lực học tập không? Thái độ học tập của người học có thực sự nghiêm túc không? Một sinh viên có thái độ học tập nghiêm túc sẽ tập trung lĩnh hội kiến thức, chủ động rèn luyện các kỹ năng… thì ngay trong quá trình thực tập đã dễ dàng có được cơ hội việc làm. Đối với sinh viên chỉ học cho có, học đối phó cho xong môn, khi ra trường đi làm sẽ khó hoàn thành tốt công việc và dĩ nhiên cơ hội việc làm sẽ thấp.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm, hiện trên cả nước chỉ đào tạo 300 ngành học, phục vụ cho khoảng 40 ngàn công việc khác nhau. Như vậy, sinh viên học một ngành không nhất thiết phải làm việc theo đúng ngành đó khi ra trường. Bà Phạm Ngọc Liên Thảo (đại diện Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn) cũng thông tin, kể từ năm 2017, tất cả các trường CĐ (ngoại trừ trường CĐ đào tạo ngành sư phạm) đều thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý và yêu cầu 70% chương trình đào tạo phải thiên về thực hành, chỉ 30% thiên về lý thuyết. Sự thay đổi sẽ giúp cho sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm các kỹ năng, tác phong công nghiệp trong quá trình học và đáp ứng yêu cầu thị trường lao động các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)