Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh được nói thẳng, nói thật

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 23-2, Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) đã tổ chức chương trình “Đối thoại học đường” – đây là một trong những hoạt động thiết thực để thầy và trò có cơ hội gần gũi, gắn bó với nhau sau những giờ học trên lớp.

Em Võ Phi Thành Đạt (học lớp 11B11) đặt câu hỏi trong chương trình “Đối thoại học đường”

Tạo cơ hội đối thoại với học sinh

“Tôi mong muốn qua các hoạt động đối thoại, trao đổi, chuyện trò với học sinh, tổ chức các diễn đàn để các em được nói lên suy nghĩ thật của mình. Qua đó, nhà trường sẽ nắm bắt được tâm tư, tình cảm, diễn biến của học sinh để có sự thay đổi và định hướng, giáo dục phù hợp”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết. Để hiểu được tâm tư của học sinh, nhà trường luôn cần tạo ra các cơ hội đối thoại để hiểu rõ suy nghĩ, cách hành động của các em.

Em Võ Phi Thành Đạt (học lớp 11B11) chia sẻ: “Em vui mừng khi năm học này nhà trường đã tạo ra nhiều hoạt động thiết thực cho chúng em. Chương trình đưa Báo Giáo dục TP.HCM xuống các chi đoàn đã giúp em và các bạn có thể chọn lọc thông tin, tìm kiếm cho mình những nội dung phù hợp giữa muôn vàn thông tin trên mạng xã hội hiện nay”.

Khi có cơ hội được đối thoại trực tiếp cùng các thầy cô, Đạt cũng không ngại ngần bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình về việc xếp lớp theo khối thi THPT quốc gia ngay từ đầu năm lớp 10 để các em có sự chuẩn bị sớm. Nguyện vọng của Đạt chưa thể được nhà trường đáp ứng bởi chưa có quy định về việc phân lớp theo khối thi ngay từ đầu năm lớp 10 nhưng điều đó đã cho thấy các em có ý thức cao, tinh thần ham học hỏi.

Trong khi đó, em Nguyễn Lê Nguyên (học lớp 11B6) lại có những trăn trở riêng về điểm đầu vào lớp 10 của trường. Theo đó, Nguyên mong muốn điểm chuẩn năm sau tăng hơn năm trước để cải thiện chất lượng đào tạo, tạo nên “thương hiệu” riêng của Trường THPT Nguyễn Du. Mong muốn của Nguyên cũng chính là mong muốn của các thầy cô. Bởi, tất cả những nỗ lực của nhà trường trong suốt thời gian qua đều góp phần xây dựng và lan tỏa hình ảnh về một ngôi trường chất lượng, thân thiện.

Nhà trường – gia đình cần sâu sát học sinh

Bất kì thắc mắc nào của học sinh đưa ra cũng được Ban Giám hiệu nhà trường và các thầy cô giải đáp để các em hiểu rõ nguyên nhân và có cách giải quyết thỏa đáng. Một thực tế đáng lo ngại là hiện nay việc áp dụng các giáo trình dạy tiếng Anh tại các trường THPT mang lại hiệu quả không cao, khiến cho các bậc phụ huynh và học sinh chưa thật sự hài lòng. Em Dương Minh Toàn (học lớp 10C9) cho biết: “Em mong chương trình dạy và học tiếng Anh cải thiện hơn nữa. Bản thân em đã học tiếng Anh 8 năm nhưng em vẫn khó khăn trong vấn đề giao tiếp”. Nắm bắt nhu cầu này, Trường THPT Nguyễn Du đã tăng cường tiết học tiếng Anh với người bản xứ để các em có thêm cơ hội giao tiếp, mạnh dạn hơn khi thể hiện vốn tiếng Anh của mình.

Được biết, năm học này nhà trường tiếp tục chú trọng, quan tâm nhiều hơn tới giáo dục đạo đức và kỹ năng sống đẹp cho học sinh chứ không chỉ quan tâm dạy kiến thức. Đặc biệt, những vấn đề đang gây nhức nhối xã hội như: bạo lực học đường, “cuồng” thần tượng trong giới trẻ… cần được chia sẻ để các em có cái nhìn thấu đáo hơn. Em Nguyễn Lê Nguyên phấn khởi khi được biết một chương trình văn nghệ sắp tới do nhà trường tổ chức có thể có sự góp mặt của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Hiện tượng “cuồng” thần tượng không còn quá xa lạ với các em học sinh nên niềm vui của Nguyên và nhiều học sinh khác là điều hết sức bình thường. Thay vì chỉ trích các em, gia đình và nhà trường nên có sự định hướng cho các em hiểu, thấy được mặt lợi ích khi thần tượng một ai đó để cố gắng phấn đấu và học tập.

Ngoài ra, những vấn đề về việc mặc đồng phục, trang thiết bị vật chất ở nhà trường… cũng được các em đặt câu hỏi trong buổi đối thoại. Có thể nói, “Đối thoại học đường” đã phát huy tính dân chủ trong nhà trường, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Yên Hà

Bình luận (0)