Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GD-ĐT TP.HCM: Phải đào tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Đảng ủy Sở GD-ĐT TP về tự chủ – xã hội hóa và định hướng phát triển ngành GD-ĐT TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tại đây, các đại biểu đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp… để ngành GD-ĐT TP phát triển, luôn là đầu tàu về giáo dục của cả nước.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Q.Huy

HS còn phải thi và học quá nhiều

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày bậc MN là 99,6%, TH là 80%, riêng THCS và THPT còn thấp vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Ngành GD-ĐT TP phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 80% HS được học 2 buổi/ngày. Để làm được điều này, TP đang tích cực xây dựng trường lớp, đảm bảo sẽ có 300 phòng học/10.000 dân với sĩ số từ 30-35 HS/lớp”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, TP có 1/3 trường đủ điều kiện cơ sở vật chất như các trường quốc tế trong khu vực. Thậm chí là so với các nước như Malaysia, Philippines còn có nhiều trường tốt hơn, kể cả trường ngoại thành cũng được trang bị các trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, TP còn có hơn 30 trường quốc tế và 60 trường học thực hiện chương trình tích hợp Anh – Việt.

Dù ngành GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày để tăng cường rèn luyện kỹ năng, giảm áp lực học tập giúp HS có điều kiện phát triển toàn diện. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy nêu thực tế: “Đi khảo sát, tôi thấy rất nhiều HS mong muốn giảm tải chương trình. Vậy ngành GD-ĐT TP giảm tải như thế nào?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Ngành GD-ĐT TP hiện nay đã thay đổi nhiều, giáo viên (GV) giảng dạy không chỉ cung cấp kiến thức đơn thuần mà còn rèn luyện kỹ năng, hướng dẫn tự học, tự tìm kiếm tri thức cho HS”. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận vẫn còn một số GV chưa dám đổi mới vì sợ HS không tiếp thu đầy đủ kiến thức trong chương trình. Vì vậy, Sở GD-ĐT TP thường xuyên yêu cầu GV chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, thậm chí xây dựng giáo án phù hợp với từng đối tượng HS…

Xung quanh vấn đề giảm tải, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho rằng, giảm tải chương trình không chỉ giảm tải nội dung mà còn nhiều nội dung khác. “Chúng ta cần nghiên cứu lại về các cuộc thi để tránh tạo áp lực không đáng có cho HS. Dù các cuộc thi đều phục vụ cho mục đích học tập nhưng mỗi cuộc thi các em đều phải ôn tập, tập dượt, thi với các bạn trong và ngoài trường…”, bà Thu đề nghị. 

Đồng tình, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, HS phải thi quá nhiều, học quá nhiều. Ngành GD-ĐT TP phải giảm tải cho HS, không bắt các em phải thi nhiều mà dành thời gian để các em tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng. “Chúng ta phải tạo điều kiện cho các em được vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất, không để HS trở thành “nô lệ” của chương trình học”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Trả lương GV không cào bằng

Theo báo cáo, hiện ngành GD-ĐT TP có 1.325/1.326 đơn vị thực hiện tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP (đạt tỷ lệ 99,92%), trong đó có 5 đơn vị tự đảm bảo hoàn toàn chi phí hoạt động… Trong quá trình thực hiện, các trường đã gặp một số khó khăn, nhất là tự chủ về nhân sự. Ông Lê Hồng Sơn nêu: Đó là một số chức danh thực sự cần thiết trong nhà trường như giám thị, GV làm công tác tư vấn tâm lý… chưa được quy định trong vị trí việc làm nên không có định biên để tuyển dụng. Theo lộ trình, sau năm 2020, 100% trường THPT thực hiện tự chủ về nhân sự.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ cán bộ, GV đã đưa ngành GD-ĐT TP phát triển, xứng đáng là đầu tàu giáo dục của cả nước, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV. Ông Thăng cũng khuyến khích xã hội hóa giáo dục và cho rằng tăng cường xã hội hóa là một trong những điều kiện để phát triển giáo dục. Để đạt được điều này, các ban ngành phải tháo gỡ cơ chế tài chính, chính sách, tạo mọi điều kiện cho ngành giáo dục phát triển. Bí thư Thành ủy khẳng định: “Tất cả các công trình của TP phải quan tâm đầu tiên, lớn nhất cho ngành giáo dục vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.

Không chỉ gặp khó khăn trong nhân sự mà ngành GD-ĐT TP cũng đang gặp khó khăn về chi trả lương cho GV, đặc biệt là GV tiếng Anh. Ông Hiếu cho hay: Ngành GD-ĐT TP trả lương cho GV Philippines khoảng 2.000 USD/tháng nhưng GV của chúng ta (nhiều GV có thể ra nước ngoài giảng dạy) không chi trả được mức lương này mà phải tính theo giai đoạn. Bên cạnh đó còn có một thực trạng đáng buồn, trước đây GV TH dạy tiếng Anh tăng cường được trả thêm 80% từ học phí nhưng vừa qua Bộ GD-ĐT ký quyết định phải dạy đủ 23 tiết mới được hưởng lương trả thêm nên gần đây một số GV tiếng Anh đã bỏ việc.

Xung quanh vấn đề nhân sự, Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi: Giám thị không có chức danh nhà trường vẫn trả lương được tại sao GV lại không? Theo đó, ông đề nghị cần có các chính sách gỡ cơ chế, nếu khó quá thì TP xin làm thí điểm. “Sở GD-ĐT cần nghiên cứu quy chế, cơ chế chính sách trả lương cho GV, không cào bằng mà trả đúng năng lực, đúng khả năng của GV. Có đãi ngộ xứng đáng mới tuyển chọn được những GV giỏi, đào tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt”, ông Thăng nhấn mạnh.

Dương Bình

Bình luận (0)