Theo cô Vũ Thị Ngọc Loan (Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ Trường THPT Gia Định, TP.HCM), so với năm 2016, môn tiếng Anh tại kỳ thi THPT quốc gia 2017 có nhiều thay đổi về hình thức ra đề, số lượng câu hỏi, thời gian làm bài thi…
Với môn tiếng Anh, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản. Ảnh: Nguyễn Trinh |
Do đó, để đạt điểm cao, theo cô Loan, thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, quản lý thời gian, và không nên bỏ câu trong quá trình làm để tránh mất điểm.
Biết quản lý thời gian, không bỏ câu hỏi nào
So với năm trước, năm nay thí sinh vẫn làm bài thi dưới dạng trắc nghiệm nhưng phần thi viết không còn. Do đề thi kết hợp xét tốt nghiệp, xét tuyển vào ĐH nên sẽ có sự phân hóa.
Đối với trường hợp thí sinh xét tốt nghiệp THPT, mục tiêu chỉ đủ điểm để xét tốt nghiệp nên đa số các em không học thêm bên ngoài, chỉ học chủ yếu trong nhà trường. Ngược lại, những thí sinh dùng điểm thi để xét tuyển ĐH sẽ có sự chuẩn bị từ nhiều năm học trước đó cũng như đến trung tâm học thêm, nâng cao kiến thức.
Để làm tốt bài thi, cả hai đối tượng nên ôn tập kỹ kiến thức cơ bản, luyện giải nhiều đề thi do giáo viên trong trường đưa ra và đề thi năm học trước nhằm làm quen với các dạng đề cũng như cách làm bài. Riêng đối tượng thí sinh xét tuyển ĐH, các em có thể mua thêm sách hoặc lên internet tìm các dạng đề khác nhau để làm thêm lấy kinh nghiệm.
Thời gian làm bài trắc nghiệm là 60 phút với 50 câu. Như vậy thí sinh sẽ có hơn 1 phút làm 1 câu. Trong bài thi sẽ có câu dễ và khó, kiến thức đi từ cơ bản đến nâng cao, thí sinh không nên tốn quá nhiều thời gian vào câu khó để suy nghĩ. Đặc biệt không nên bỏ qua bất kỳ câu nào để tránh mất điểm. Nếu gặp câu khó có thể đánh dấu làm sau cùng để chuyển sang các câu khác. Đến cuối giờ quay lại làm câu khó, nếu còn thời gian thì đọc kỹ, ngược lại thì đọc lướt và nhanh chóng chọn đáp án theo cảm tính.
Thí sinh cần lưu ý, làm đến đâu ghi đáp án kết quả vào giấy làm bài đến đó. Đã từng xảy ra trường hợp thí sinh làm xong hết trên đề rồi mới bắt đầu dùng bút chì đánh dấu vào tờ giấy làm bài, như vậy rất dễ bị sai vì cuối giờ thường không tránh được vội vàng. Mặt khác, thói quen này khiến thí sinh không kiểm soát được thời gian.
Phần đọc hiểu: Nên đọc câu hỏi trước
Hạn chế của thí sinh là khi giám thị phát đề thi liền cắm cúi làm, rất ít khi đọc kỹ, đọc hết câu hỏi đến câu trả lời dẫn đến kết quả sai. Ví dụ, đề bài yêu cầu tìm từ đồng nghĩa thì thí sinh lại tìm trái nghĩa và ngược lại. Cũng có nhiều thí sinh trông đợi may rủi từ việc đánh lụi khiến kết quả điểm không cao. Để tránh đánh lụi, thí sinh nên áp dụng phương pháp loại trừ. Thông thường một câu hỏi sẽ có 4 đáp án A, B, C, D; trong đó sẽ có 2 đáp án sai dễ nhìn thấy rõ thì loại ngay, còn lại hai đáp án đúng sẽ giúp khâu giải đáp, lựa chọn dễ dàng hơn.
Để tránh đánh lụi, thí sinh nên áp dụng phương pháp loại trừ. Thông thường một câu hỏi sẽ có 4 đáp án A, B, C, D; trong đó sẽ có 2 đáp án sai dễ nhìn thấy rõ thì loại ngay, còn lại hai đáp án đúng sẽ giúp khâu giải đáp, lựa chọn dễ dàng hơn. |
Về cấu trúc đề thi, đối với phần ngữ âm, trọng âm không quá khó, thí sinh cố gắng để ý đến những mẹo nhận diện trong quá trình giáo viên ôn tập, hướng dẫn giải thì sẽ làm tốt. Tương tự là phần văn phạm, kiến thức cơ bản lặp đi lặp lại trong suốt quá trình học nên thí sinh không nên quá lo lắng. Riêng phần từ vựng, mặc dù đề thi tập trung nhiều ở lớp 12 nhưng đối với tiếng Anh, từ vựng phải được mở rộng thêm ở các lĩnh vực đời sống, khoa học, xã hội, giáo dục…
So với các phần trên, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, nhận diện lỗi sai, chuyển đổi câu sẽ khó hơn một chút. Khi làm đồng nghĩa, trái nghĩa, tránh tình trạng cứ thấy từ A được gạch chân, thí sinh liền nắm nghĩa của riêng từ A, sau đó đối chiếu với các từ khác để chọn thì rất dễ bị sai. Thay vào đó, thí sinh nên đọc hết câu, hiểu ngữ cảnh để chọn từ trong ngữ cảnh.
Còn đối với nhận diện lỗi sai, thường xoay quanh văn phạm chứ không cho sai về nghĩa. Bước vào chuyển đổi câu, nên đọc kỹ để thấy điểm khác. Có trường hợp, nội dung 4 câu na ná giống nhau nhưng chỉ cần có mạo từ A, An hoặc The thì nghĩa trong câu sẽ khác…
Cuối bài thi thông thường là phần đọc hiểu (tất cả 20 câu khoảng 700 chữ), chiếm 4 điểm. Đây là phần quyết định điểm thấp hoặc cao của bài thi, nên để phần này làm sau cùng. Mỗi năm, đề tài đọc hiểu không giống nhau, chủ đề đa dạng từ y học, văn học, kinh tế… Muốn lấy điểm cao phần này, trước hết thí sinh nên đọc câu hỏi để xem đề hỏi gì, đồng thời nắm luôn nội dung bài đọc. Vì đề tài đa dạng nên từ mới sẽ rất nhiều, thí sinh không nên đọc từng từ, thay vào đó đọc lướt. Trong quá trình đọc chú ý những ý chính đã gặp trong câu hỏi. Bởi về nguyên tắc, nội dung câu hỏi sẽ cho theo trật tự, tương ứng với nội dung bài đọc từ trên xuống dưới. Ví dụ, câu hỏi 1 sẽ nằm ở dòng 2, câu 2 nằm ở dòng 3, câu 3 nằm ở dòng 4…
N.Trinh (ghi)
Bình luận (0)