Đông Dương ngày ấy (ảnh) là cuốn du ký, cũng là dòng hồi ức của tác giả Claude Bourrin về những năm 1898-1908. Tác phẩm đưa chúng ta trở về thời xưa cũ và chiêm nghiệm cuộc đời của những người sống vào thời kỳ đó.
Tác phẩm có nhiều chi tiết thú vị, hài hước, lối kể chuyện dung dị, hóm hỉnh, nhẹ nhàng thể hiện cái nhìn cảm thông của tác giả với người dân Đông Dương. Một tư liệu quý cho bất cứ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử theo một hướng nhìn mới lạ.
Khác với những cuốn sách khác về lịch sử, Đông Dương ngày ấy thực sự là một cuốn du ký thời “ông bà tôi” về xứ Đông Dương dưới nhãn quan của một nhà kịch nghệ, qua lăng kính của một con người làm nên nghệ thuật, thế giới xung quanh trở nên thú vị đến bất ngờ.
Không chỉ có những ghi chép kiểu bông đùa, hóm hỉnh, Claude Bourrin còn cẩn thận, tỉ mỉ ghi lại những vùng đất, con người nơi ông đi qua, sinh sống và làm việc. Từ Hải Phòng – Đồ Sơn rồi đến đường sắt ở Thượng du Bắc Kỳ cho đến Lạng Sơn, Sài Gòn… mỗi một bước chân đi qua, là một câu chuyện được lưu lại.
Tác phẩm Đông Dương ngày ấy được xuất bản đầu tiên vào năm 2008 do NXB Lao Động xuất bản, được dịch từ cuốn Choses et gens en Indochine 1898-1908 của Claude Bourin, do NXB Aspar ở Sài Gòn xuất bản năm 1940.
Năm 2017, Huy Hoàng Bookstore cho tái bản cuốn sách ngoài việc bổ sung những phần thiếu và sửa chữa những chỗ sai trong lần xuất bản đầu, dịch giả Lưu Đình Tuân còn bổ sung một số ảnh minh họa cho nội dung các đoạn văn, sắp xếp, bổ sung các chú cho dễ hiểu và tiện cho quá trình tra cứu của độc giả.
Tác giả Claude Bourrin quê ở vùng Lorient, ông đến Đông Dương năm 1898, làm công chức sở Hải quan, nhưng với lòng say mê nghệ thuật, ông đã tích cực truyền bá nghệ thuật kịch Pháp vào Đông Dương, đặt nền móng cho sân khấu kịch Việt Nam. Claude Bourrin là một trong những người có công lớn trong việc đưa nghệ thuật kịch nói tại Đông Dương lên một tầm cao mới.
T.M
Bình luận (0)