Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Loay hoay trong tự chủ giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Tăng cường tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa là một trong những biện pháp để phát triển giáo dục TP.HCM. Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn khi có trường 20 năm… vẫn thu một mức học phí, loay hoay trong các chức danh vị trí việc làm do Bộ GD-ĐT quy định.

Trẻ vui chơi tại Trường MN Nam Sài Gòn. Ảnh: B.Vân

Hai thập niên, một mức học phí

Trường MN Nam Sài Gòn là một trong rất ít những đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Nói là tự chủ hoàn toàn nhưng thực tế vẫn chưa hoàn toàn được do “bị trói” bởi mức trần… học phí.

Cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ năm 1997 đến nay, đã 20 năm nhưng vẫn tồn tại một mức học phí là 400.000 đồng/HS/tháng”.

Giá cả ngày một leo thang nên để đảm bảo mức lương cho người lao động, nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh về công chăm sóc thêm cho HS, dịch vụ đưa rước HS, học các kỹ năng mềm… Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ, không thông báo rõ ràng, minh bạch cho phụ huynh thì điều này cũng dễ gây lo lắng dẫn đến bức xúc cho phụ huynh.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng thừa nhận: Trường tự chủ tài chính chưa thể hoàn toàn 100% do vướng quy định thu – phải theo mức trần.

Tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy TP.HCM tuần qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất cho phép một tỷ lệ nhất định các trường có điều kiện chuyển sang tự chủ hoàn toàn 100% tự quyết định mức thu (có thể ở mức cao), đảm bảo sự phát triển của nhà trường theo hướng tiên tiến, hiện đại. Tất nhiên phải thực hiện đầy đủ công tác báo cáo, kiểm tra, công khai theo quy định của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tài sản.

Gỡ rối nhân sự

Theo lộ trình thực hiện tự chủ nhân sự của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm 2016 đã có 14 trường CĐ, TCCN, trường chuyên biệt, trường MN trực thuộc được phân cấp tuyển dụng; Từ năm 2017-2020 tiếp tục phân cấp trong tuyển dụng đối với các trường chuyên, trường năng khiếu và 24 trường THPT trên địa bàn TP. Sau năm 2020, 100% các trường THPT sẽ thực hiện tự chủ về nhân sự.

Việc phân cấp này giúp các cơ sở giáo dục lựa chọn những cán bộ giỏi, có kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD-ĐT TP cho biết: “Một số chức danh như giám thị, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý chưa được quy định trong khung vị trí việc làm nên chưa có định biên để tuyển dụng. Mặc dù đây là những chức danh cần thiết trong nhà trường. Đặc thù của TP là số lượng HS rất đông, hàng năm đều tăng nên các trường phải sử dụng nguồn xã hội hóa để trả lương cho những chức danh này. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với Bộ GD-ĐT bổ sung chức danh này nhưng đến nay chưa có kết quả”.

Cũng tại buổi làm việc trên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, đã tự chủ đừng giới hạn biên chế, miễn là đủ khả năng trả lương và đảm bảo chất lượng.

Trên thực tế, dù tự chủ, dù có nguồn xã hội hóa nhưng để tuyển một vị trí giám thị hay một giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý không có trong định biên rất khó đối với nhiều trường. Hiệu trưởng một trường THPT ngoại thành cho biết: “Nhà trường có phòng tư vấn tâm lý, có tuyển người nhưng đến nay vẫn không được. Nhà trường buộc phải phân công giáo viên dạy giáo dục công dân đảm nhiệm”.

Còn về giám thị, cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc chia sẻ: “Nếu không có giám thị thì nhà trường khó hoạt động được nên buộc phải nhờ giáo viên… dư tiết qua làm giám thị. Theo quy định, sau 17 tiết/tuần, giáo viên sẽ được trả 80.000 đồng/tiết nếu làm thêm nhiệm vụ giám thị. Lý do nhà trường không tuyển giám thị bên ngoài là sợ không có đủ nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc”.

Trao đổi với tư cách cá nhân, cô Hồng Chương thẳng thắn: “Được tự chủ nhưng bài toán đau đầu với nhà trường là tìm người chuyên môn, đặc biệt là giám thị. Giám thị không thể tuyển ai vào cũng được vì họ phải biết quản lý nề nếp HS, có uy tín, hỗ trợ luôn cả giáo viên khi tiếp phụ huynh có HS vi phạm. Nếu có chức danh, có đơn vị đào tạo chức danh này thì vẫn tốt hơn cho nhà trường”.

Minh Châu

Bình luận (0)