Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên tiếng Anh: Ngại đi học vì thu nhập chưa thỏa đáng

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là vấn đề được Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra tại Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên năm 2016.  Theo Sở GD-ĐT, chế độ đãi ngộ cho giáo viên (GV) có trình độ sau ĐH chuyên ngành, GV tiếng Anh đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam chưa thỏa đáng nên chưa thu hút được người có năng lực.

GV dạy tiếng Anh ở Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: M.Bình

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực tiếng Anh cho HS trung học và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020” đã giúp GV tiếng Anh nâng cao một bước nhận thức, năng lực, trình độ và phương pháp dạy học thực tiễn. Tuy nhiên, do đặc thù bộ môn tiếng Anh là quá trình học tập phải có điều kiện rèn luyện thường xuyên nhưng một số GV khó khăn về điều kiện kinh tế, thời gian đầu tư và vấn đề tuổi tác nên kết quả học tập chưa cao.

Về vấn đề này, bà Ngô Hà Quỳnh Trâm, Phó Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng Giáo dục Q.Tân Bình thông tin: Tổng số GV tiếng Anh trên địa bàn Q.Tân Bình ở bậc tiểu học có 118 người, THCS có 125 người. Tổng số GV chưa tham gia bồi dưỡng theo Đề án ngoại ngữ quốc gia (NNQG) 2020 ở tiểu học 21 người (chiếm 17,8%), THCS 4 người (chiếm tỷ lệ 4%). Điều đáng nói là tổng số GV đạt chuẩn sau bồi dưỡng theo đề án này rất thấp. Cụ thể: Chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam chỉ có 9 người (tỷ lệ 7,6%) và THCS có 30 người (tỷ lệ 23,6%); Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (FCE, IELTS, TOEIC, TOELB ibt) tiểu học có 25 người (21,25%), THCS 43 người (33,9%).

“Tỷ lệ GV đạt trình độ tiếng Anh B2 hiện nay của tiểu học và THCS chênh lệch, chưa thể đạt mục tiêu mà đề án đưa ra là 100%. Lý do là có sự chênh lệch đầu ra trong chương trình đào tạo trước đây với yêu cầu hiện nay. Hơn nữa, ý thức của một số bộ phận GV chưa cao”, bà Trâm cho biết thêm.

Trường THPT Phạm Văn Sáng hiện có 12 GV tiếng Anh, trong đó có 4 GV chưa tham gia bồi dưỡng theo Đề án NNQG 2020 và 7 GV đang tham gia bồi dưỡng đề án này, chỉ có duy nhất 1 GV đã hoàn tất và đạt chuẩn sau bồi dưỡng. Từ con số khiêm tốn này, cô Lê Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường kiến nghị: “Ngành GD-ĐT TP cần tạo điều kiện để GV tham gia đợt khảo sát tiếp và xếp lớp học tập nâng cao trình độ cho đạt chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam”.

Trường THPT Trần Văn Giàu là một trong những trường mới thành lập nên đa số GV còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Từ vấn đề này, thầy Nguyễn Đức Chính, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Để GV học ngoại ngữ và tin học đạt chuẩn theo quy định thực sự chưa có hiệu quả do chưa có những chế tài nhất định. Một số chương trình GV đăng ký tự học đã thành công nhưng cần có chế độ khuyến khích để họ an tâm, tự giác học tập”.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, thừa nhận việc trả lương hiện nay cho GV chưa tạo ra sức bật, động lực để họ cố gắng tự trau dồi, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn. Tuy nhiên, theo ông Thanh: “Thế giới đang chuyển động nhanh, đòi hỏi mỗi người phải tự học, tự nâng cao trình độ. Việc tự học, tự đào tạo này rất quan trọng đối với sự phát triển bản thân của mỗi nhà giáo cũng như với ngành GD-ĐT nói chung”.

Theo đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị phòng GD-ĐT các quận huyện phải rà soát kỹ hồ sơ, lập kế hoạch để đào tạo GV tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định. Đồng thời, dù đã đạt chuẩn quốc gia thì vẫn tiếp tục bồi dưỡng theo chuẩn quốc tế.

Mỹ Bình

Bình luận (0)