Đất nước ta không thiếu người tài nhưng do cơ chế, chính sách không phù hợp nên khó thu hút được người tài. Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và các giải pháp phát triển đội ngũ trí thức KH-CN” ở TP.HCM trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) TP.HCM tổ chức sáng 28-2, nhiều nhà khoa học cho rằng, để thu hút người tài, không chỉ trải thảm đỏ ở trên mà ở dưới phải loại bỏ đinh…
50% trí thức không đủ sống
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT, Chủ tịch Hội đồng khoa học TP.HCM cho biết, đội ngũ trí thức KH-CN TP.HCM chiếm 21% của cả nước. Các đề tài khoa học có tính thực tế cao, gắn với thực tiễn. Đặc biệt là ít tham gia các đề tài cấp Nhà nước nhưng mạnh dạn phê phán, đóng góp nhiều ở các lĩnh vực. Nhược điểm của đội ngũ trí thức TP.HCM là chưa tiếp cận sâu với các đề tài lớn như thiên văn, vũ trụ. Hơn nữa, trong các ngành chủ lực thì người đầu đàn cũng không nhiều.
PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT TP.HCM nhìn nhận: Nguyên nhân dẫn đến hạn chế của đội ngũ trí thức khoa học là ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học còn thấp. Mặc dù TP.HCM đã chi tới 2% ngân sách cho KH-CN nhưng vẫn còn thấp so với các nước khác như Singapore, Thái Lan, Malaysia (3-3,5% ngân sách). Tiếp nữa, % ngân sách chi cho nghiên cứu KH-CN còn rất nhỏ (khoảng 20%), chủ yếu là đầu tư vào cơ sở vật chất, thủ tục hành chính. Với đầu tư và cách thức chi như trên dẫn đến chưa tích lũy đủ trình độ và chưa có điều kiện để tạo ra sự nhảy vọt về đội ngũ trí thức trong nghiên cứu khoa học.
Lương và thu nhập của đội ngũ trí thức chỉ đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của xã hội. Kết quả điều tra khảo sát của đề tài “Xây dựng đội ngũ trí thức KH-CN ở TP.HCM trong thời kỳ CNH-HĐH” cho thấy có 82,1% trí thức có thu nhập dưới 5 triệu đồng/ tháng; 11,2% người có mức lương từ 5-10 triệu đồng/ tháng và 6,7% có lương trên 10 triệu đồng/ tháng. “Với mức thu nhập trên, so với giá cả và mức chi tiêu hàng tháng thì chỉ 1,4% trí thức có cuộc sống dư giả chút ít, 13,8% trí thức đủ sống, 34,5% trí thức thật tiết kiệm mới đủ sống và có tới 50% trí thức không đủ sống”.
TS. Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nói: Đất nước ta không thiếu người tài nhưng lại đứng không đúng chỗ. Tỷ lệ vàng trong cát ở Việt Nam rất cao nhưng công nghệ đãi vàng của chúng ta lạc hậu, dẫn đến vàng trôi theo cát. Vì vậy, chính sách là chiến lược thu hút nhân tài, phát triển đội ngũ trí thức KH-CN. |
GS.TS Lê Minh Triết thông tin: Đội ngũ trí thức từ sau giải phóng tăng 60 lần, từ 10 năm nay tăng 4 lần. Việc thu hút chất xám phải thu hút tập thể liên ngành cùng vào cuộc. Trí thức Việt kiều là lực lượng rất quan trọng. Thực tế, các nước mạnh trên thế giới nhờ thu hút người tài đến từ nhiều quốc gia.
Cần chính sách cụ thể để thu hút nhân tài
Ông Nghĩa đề xuất Nhà nước có dự báo nhu cầu về đội ngũ trí thức KH-CN. Dự báo về nhân lực, lĩnh vực nào cần nhân lực, các trường theo đó mà đào tạo để tránh dư thừa không hợp lý. Dự báo này phải dựa vào phương hướng phát triển KT-XH của TP.HCM. Đào tạo đội ngũ cả trong và ngoài nước, tạo điều kiện đào tạo mở làm sao người học có thể tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi với quốc tế, phát huy chuyên môn đã học.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đề cập đến việc thu hút người tài. Cụ thể: thu hút cán bộ trẻ đi học nước ngoài trở về – Sau khi kết thúc chương trình học, sử dụng, bố trí đúng chuyên môn, Nhà nước tạo điều kiện để họ thành lập công ty riêng. Có đến 70-80% người đi học ở lại nước ngoài vì trong nước lương thấp, thiếu cơ chế đãi ngộ. Hay thu hút trí thức Việt kiều. “Chúng ta trải thảm đỏ mời gọi nhân tài nhưng dưới thảm đỏ có đinh, như vậy làm thế nào bỏ đinh đó đi”, ông Nghĩa thẳng thắn.
GS kinh tế học Trần Đình Bút (Hội Khoa học kinh tế và quản lý) cho rằng, Nhà nước cần lắng nghe ý kiến người tài. Tổ chức gặp gỡ từng đối tượng và biến ý kiến tiếp thu thành chính sách cụ thể để thu hút nhân tài. Cần “xóa” khoảng cách giữa khoa học và doanh nghiệp vì lâu nay họ không “gặp” nhau.
PGS.TS Cao Minh Thì, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề cập đến đội ngũ nhân lực trong trí thức KH-CN phải có trình độ ĐH. Từ đó, ông đề nghị kiểm tra chất lượng đào tạo bậc học này. Bồi dưỡng nhân tài không phải xin xỏ, các trường phổ thông phải tham gia đào tạo lớp người chuyên.
TS. Hồ Thiệu Hùng – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP – chia sẻ: “Nhiều quy định của Nhà nước đang cản trở sức sáng tạo của đội ngũ trí thức. Vì vậy, muốn phát triển thì phải có những cơ chế đãi ngộ, thay đổi tư duy của lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành”.
T.Anh
Bình luận (0)