Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tạo cơ hội cho trò “va chạm” thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn giáo dục được học sinh trước hết giáo viên phải sống chuẩn mực, sống có trách nhiệm để làm gương sáng. Như thế vẫn chưa đủ nếu thiếu năng lực sư phạm. Năng lực sư phạm ở đây là cách tổ chức, quản lý điều hành công việc. Đó còn là biện pháp giáo dục học sinh tùy theo đối tượng, từng mức độ xử lý. Tuy nhiên tất cả còn phụ thuộc vào sự nhạy bén của từng thầy cô giáo, bản lĩnh giải quyết công việc của từng người…

Khung chuẩn mực của nhà trường bắt buộc thầy – trò phải tuân theo và không được vi phạm. Học sinh tham gia các hoạt động nhà trường, làm tốt các công việc được giao cũng là một biểu hiện sống có trách nhiệm. Nội quy nhà trường phải dựa vào những điều khoản chung, không nên tự vẽ ra nhiều thứ để bắt học sinh phải làm theo nhưng không cần thiết (như chuyện bao tập theo một khuôn mẫu chung mà có trường đã làm). Đôi khi phải tôn trọng những đề xuất hợp lý của học sinh như thống nhất về kiểu dáng đồng phục, cho các em tự thiết kế đồng phục và chọn kiểu dáng phù hợp, tiện lợi để các em thấy có trách nhiệm hơn.

Trong các buổi chào cờ đầu tuần, ngoài việc sinh hoạt tình hình chính trị, định hướng giáo dục chung cần có những bài học về đạo đức nhân sinh. Đó là các buổi nói chuyện về tình hình biển đảo bảo vệ biên cương Tổ quốc, thảo luận về chống bạo lực trong gia đình và bạo lực trong học đường, từ đó giúp các em sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Ngoài ra, học sinh còn được tập nói thông qua các chuyên đề báo cáo tại buổi chào cờ như định hướng về thẩm mỹ, âm nhạc, thời trang (giữ thói quen mặc áo dài đối với nữ sinh, hướng tới thể loại âm nhạc dân tộc). Đặc biệt, ngoài việc tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm thực tế thông qua các tiết học ngoài giờ, chương trình dã ngoại…, nhà trường nên tổ chức cho các em tham gia công tác từ thiện, các hoạt động xã hội để xây dựng nhân cách và giáo dục ý thức vì cộng đồng. Các chuyến đi tham quan Thảo Cầm Viên, hay tham gia sản xuất Nông trại xanh ở Củ Chi, hoặc các xí nghiệp sản xuất do nhà trường tổ chức là những chuyến đi thú vị giúp các em mở rộng tầm nhìn và nuôi dưỡng thái độ sống tốt hơn.

Phạm Thanh Tâm
(Hiệu trưởng Trường THPT
tư thục Hồng Đức, TP.HCM)

Bình luận (0)