Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lập lại trật tự lòng, lề đường: Không làm theo kiểu “ném đá ao bèo”

Tạp Chí Giáo Dục

Với quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, chiều 1-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo UBND 24 quận, huyện về công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Q.Huy

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT TP.HCM – cho biết, TP có trên 4.800 tuyến đường, trong đó có gần 50% tuyến đường có vỉa hè. Những tuyến đường có vỉa hè rộng, người dân thường lấn chiếm buôn bán, đặc biệt là quán cà phê, quán nhậu, giữ xe. Mỗi lần lực lượng chức năng đi kiểm tra, người dân dọn dẹp nhanh chóng. Nhưng khi lực lượng chức năng đi thì tình trạng lại như cũ. “Phải chăng trong lực lượng chức năng có người tiếp tay cho nạn lấn chiếm vỉa hè. Thậm chí, có đoàn xuống kiểm tra, xử phạt lấn chiếm vỉa hè còn bị kẻ xấu hành hung”, ông Tường đặt vấn đề.

Theo ông Tường, một số quận, huyện triển khai chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè như “bắt cóc bỏ dĩa”. Việc xử lý các trường hợp vi phạm thiếu kiên quyết, không dứt điểm và công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa đạt hiệu quả cao. Việc ra quân xử lý vi phạm chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy.

“Sắp tới, nếu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì phải xử lý trách nhiệm lãnh đạo quận, huyện. Xử lý bằng nhiều hình thức như phê bình, nhắc nhở, nếu tiếp tục không hoàn thành có thể cách chức. Có làm nghiêm thì mọi việc mới chuyển biến được. Các quận, huyện phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 22, tăng cường kiểm tra, xử lý và phạt nguội, cẩu xe (đỗ sai quy định). TP cần lập một ban chỉ đạo cho kế hoạch này, có chế độ, chính sách hỗ trợ cho những người tham gia…”, ông Tường kiến nghị.

Lực lượng chức năng Q.1 ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường.  Ảnh: Q.H

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Phạm Quốc Huy – Chủ tịch UBND Q.5 – cho biết, công tác giữ gìn vệ sinh, an toàn, trật tự lòng lề đường trên địa bàn được triển khai thường xuyên. Tuy nhiên để làm tốt quận luôn hoán đổi đội ngũ trật tự đô thị nhằm tránh ở lâu trên một địa bàn dễ dẫn tới tiêu cực. Thời gian tới, UBND Q.5 sẽ ban hành kế hoạch căn cơ hơn với cơ cấu có đoàn thể, người dân và các lực lượng chức năng liên quan. Song song đó, tiếp tục triển khai công việc này một cách quyết liệt. Cũng trong tháng 3 sẽ đưa ra xét xử lưu động một trường hợp chống người thi hành công vụ liên quan tới việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Cán bộ, công nhân viên phải gương mẫu

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Sáng nay (3-1), tại họp phiên thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh việc lập lại trật tự lòng lề đường ở TP.HCM. Người dân cũng vậy – Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của người dân bày tỏ việc đồng tình khi các cơ quan chức năng ra quân lập lại trật tự lòng lề đường. Chúng ta phải truyền tinh thần quyết liệt đến cán bộ, công nhân viên và trước hết họ phải là những người gương mẫu chấp hành không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè”.

Ông Lê Văn Thinh – Chủ tịch UBND Q.Bình Tân – kiến nghị: “Q.Bình Tân có trên 490 tuyến đường, số hộ gia đình lấn chiếm vỉa hè để buôn bán rất nhiều. Để làm căn cơ hơn, TP cần rà soát, có danh sách tổng hợp những người buôn bán hàng rong và có cách hỗ trợ; có giải pháp mở thêm các điểm giữ xe cho người dân, người lao động. TP có nhiều công viên cây xanh nên cho các quận thí điểm kết hợp vừa có mảng xanh – chợ và điểm giữ xe”.

Liên quan tới người buôn bán hàng rong, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định: “TP không có chủ trương “đuổi” người bán hàng rong từ địa phương này chạy sang địa phương khác. Vì vậy các quận, huyện phải có kế hoạch sắp xếp khu vực buôn bán cho họ”.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều quận, huyện đã cam kết sẽ quyết liệt giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở tất cả các tuyến đường. Đồng thời khẳng định, việc làm này không phải theo phong trào.

Ghi nhận sự quyết tâm lập lại trật tự lòng lề đường của các quận, huyện, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã ban hành một số văn bản pháp lý từ năm 2002 để các địa phương có cơ sở để thực hiện. Việc lập lại trật tự đô thị phải căn cơ, không làm quyết liệt một thời gian rồi buông. Đặc biệt, ông Phong cũng lưu ý các địa phương, việc đập dỡ công trình vi phạm chỉ là một trong những giải pháp. Đồng thời, hoan nghênh các quận 1, 2, 4, 7, Tân Phú, Bình Tân và huyện Củ Chi đã có nhiều nỗ lực làm tốt công việc này.

“Danh sách 159 tuyến đường mà các quận, huyện đã ký kết với TP (năm 2012) không còn phù hợp. Vì vậy, chủ tịch quận, huyện phải cam kết với Chủ tịch UBND TP trong năm 2017 cơ bản làm tốt công việc này. Quận, huyện nào không làm được thì chủ tịch quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm trước TP. Các quận, huyện phải kiến quyết, không để xảy ra tình trạng tái chiếm lòng, lề đường. Hướng tới xây dựng các khu phố văn minh, các quận, huyện cần phát động tới từng phường, xã. Nếu chủ tịch phường, xã và trưởng công an phường, xã không làm được việc này thì bố trí công việc khác”, ông Phong chỉ đạo.

Huy Cận

 

Bình luận (0)