Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bảo tàng cần cơ chế tự chủ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 2-3, làm việc với các bảo tàng của TP.HCM, sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tâm tư: “Lương tối đa cho cán bộ, nhân viên của các bảo tàng chỉ dao động từ 3-7 triệu đồng/tháng thì làm sao thu hút được người giỏi và mong muốn anh, chị em yêu nghề”. Và theo ông Phong, tuần tới, lãnh đạo TP, các sở – ngành và các bảo tàng sẽ họp bàn cách tháo gỡ bài toán thu nhập cho người làm công tác bảo tàng…

Chủ tịch UBND TP.HCM và đoàn công tác tham quan Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Ảnh: A.K

Cơ sở vật chất xuống cấp

Bà Trần Xuân Thảo – Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng – cũng tâm tư: Sau gần 30 năm (từ năm 1988 đến nay) đưa vào hoạt động, nhiều hạng mục của bảo tàng đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện đã có dự án trùng tu, xây mới một số hạng mục (80 tỷ đồng), được TP phê duyệt, ghi vốn từ năm 2010. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch giao thông – mở rộng đường Thái Văn Lung – nên không triển khai được.

Bảo tàng Lịch sử TP cũng chung cảnh ngộ. TS. Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc bảo tàng – trăn trở: Bảo tàng hiện đang lưu giữ 35.000 hiện vật, trong đó có 11 bảo vật quốc gia. Tuy nhiên do cơ sở vật chất chật hẹp (khoảng 6.000m2), hạng mục được sơn sửa cũng cách đây 23 năm nên nhiều hiện vật quý không có nơi trưng bày, giới thiệu cho du khách.

“Vừa rồi, phía Hàn Quốc qua làm việc với bảo tàng để phối hợp tổ chức trưng bày hiện vật quốc gia của họ. Sau khi họ đưa ra những yêu cầu cho công tác tổ chức, chúng tôi đã phải từ chối khéo vì không thể đáp ứng được. Hiện những dự án tu sửa, xây mới một số hạng mục (với kinh phí gần 20 tỷ đồng) đã được bảo tàng cơ bản hoàn chỉnh, nhưng nếu TP không quan tâm thì những cơ hội hợp tác như vừa qua sẽ không thể thực hiện được”, ông Tuấn nói.

Có diện tích gần 13.000m2, ngôi nhà bảo tàng được xếp hạng là di tích văn hóa (loại hình kiến trúc nghệ thuật) cấp quốc gia, năm 2016 đón gần 730.000 du khách (khách nước ngoài đạt gần 59.000 lượt). Dự án mở rộng, tu sửa bảo tàng phải thay đổi liên tục theo đề xuất của các cơ quan chức năng, làm cho nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, đó là thực tế đang diễn ra tại Bảo tàng TP.HCM. Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền – Giám đốc bảo tàng – kiến nghị: lãnh đạo TP và các sở ngành quan tâm thúc đẩy để dự án nhanh chóng được khởi công.

Giá vé quá lạc hậu

Nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn về CSVC, nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên các bảo tàng ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch đề xuất: Các bảo tàng của TP hiện nay chỉ bán vé tượng trưng 2.000 đồng/ lượt đối với du khách là người Việt Nam, miễn phí hoàn toàn cho các bạn đội viên, đoàn viên và các đối tượng chính sách khách. Còn vé bán theo tour đối với du khách nước ngoài khoảng 1 USD/ lượt, mức thu này quá thấp. Bởi theo quy định của Nhà nước mức thu tối đa từ bán vé cho du khách là 40.000 đồng/lượt. TP cần cho các bảo tàng bán vé cho du khách nước ngoài ở mức tối đa.

Ông Vũ đặt vấn đề: “Ở Campuchia, hướng dẫn viên biết “kích thích” du khách nên dù phải bỏ ra từ 5-10 USD để mua vé vào tham quan du khách cũng không tiếc. Còn nhân viên các bảo tàng của ta, có điểm chung là cái gì cũng nói hết. Bởi vậy du khách chưa đi hết bảo tàng đã biết bảo tàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm gì. Phải thay đổi cách làm này mới tăng được lượng du khách nước ngoài tới các bảo tàng. Và chỉ có tăng đối tượng này, thu nhập của cán bộ, nhân viên các bảo tàng mới cải thiện được”.

Đồng tình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, mức vé như hiện tại là quá lạc hậu trong khi nguồn ngân sách cấp cho các bảo tàng không tăng. Với những “địa chỉ đỏ” như Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM), Bảo tàng Tôn Đức Thắng… cần cố gắng hướng tới tự chủ một phần và TP sẽ hỗ trợ ổn định đội ngũ quản lý, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. “Bên cạnh đó, các bảo tàng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, có phòng chiếu phim giới thiệu cho từng đối tượng du khách. Có nhiều hoạt động đặc trưng như giới thiệu chuyên đề, mảng cây xanh, khu vực nghỉ chân và khu vực du khách được thưởng thức một số món ăn của vùng đất Nam bộ. Đặc biệt, cần liên kết với ngành GD-ĐT để có nhiều HS-SV tới bảo tàng hơn. Vì đây là nơi các em được học tập, tìm hiểu về văn hóa – lịch sử của dân tộc”, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

An Khánh

Bình luận (0)