Ngoài quy chế xét tuyển thẳng vào ĐH của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH tốp trên còn áp dụng thêm quy chế nào là một trong những thắc mắc của học sinh Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) gửi đến Ban tư vấn chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua.
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho học sinh |
Đa dạng phương thức tuyển thẳng
Trước thắc mắc của nhiều học sinh về phương thức xét tuyển thẳng của ĐHQG TP.HCM, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết ngoài quy chế xét tuyển thẳng theo Bộ GD-ĐT quy định, năm nay ĐHQG TP.HCM còn mở rộng đối tượng học sinh xét tuyển thẳng ở tốp 100 trường THPT có điểm thi THPT quốc gia 2 năm gần đây cao nhất. Đồng thời, kèm theo điều kiện là chỉ được sử dụng 1 lần duy nhất ở năm xét tốt nghiệp THPT, 3 năm THPT đều là học sinh giỏi và hạnh kiểm loại tốt. Bà Mai chia sẻ thêm: “Các em chỉ được đăng ký 1 nguyện vọng vào một ngành của 1 trường trong hệ thống trường thành viên ĐHQG TP.HCM. Theo quy chế, tháng 5 các em nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng và tháng 6 ĐHQG TP.HCM sẽ công bố kết quả”.
Năm nay việc xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Y dược TP.HCM có phần khắt khe hơn. Cụ thể, trả lời câu hỏi của một học sinh: “Ngành y đa khoa xét tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia như thế nào?”, ông Nguyễn Quang Vinh (đại diện Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho hay: Đối với ngành y đa khoa, năm nay trường tuyển thẳng thí sinh giành giải nhất môn sinh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, không xét các giải còn lại; riêng các ngành khác có thể xét giải nhì và giải ba.
Theo quy chế thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT, năm nay thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia kèm theo đăng ký xét tuyển ĐH. Bà Mai lưu ý: “Thí sinh muốn xét tuyển vào ngành gì thì phải đăng ký tổ hợp môn xét tuyển tương thích với bài thi đăng ký thi THPT quốc gia. Chẳng hạn, đăng ký xét tuyển ĐH với tổ hợp môn toán, lý, hóa thì ngoài môn toán là bài thi bắt buộc, hai môn còn lại các em phải đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên”. Tuy nhiên, bà Mai cho hay: “Cơ chế xét tuyển năm nay khác với năm trước. Cụ thể, năm trước thí sinh cân nhắc điểm nguyện vọng sau phải cao hơn nguyện vọng trước nhưng năm nay tất cả các nguyện vọng thí sinh liệt kê không phải tính toán khâu này”. Từ vấn đề này, bà Mai cho rằng các em có thể cân nhắc tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia của mình với điểm học lực để tính toán lựa chọn trường ĐH phù hợp.
Băn khoăn về môn thi năng khiếu
Hiện có nhiều trường tổ chức thi môn năng khiếu nhưng ngày thi, hình thức thi ở mỗi trường khác nhau. Vì vậy, không ít học sinh băn khoăn về vấn đề này.
Em Trúc Hạnh (lớp 12A5) hỏi: “Em muốn xét tuyển vào ngành kiến trúc của Trường ĐH Văn Lang. Vậy em sẽ thi môn năng khiếu như thế nào, em có được dùng điểm thi ở trường khác để xét tuyển vào Trường ĐH Văn Lang không?”. Về vấn đề này, bà Thái Thị Thu Thắm (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Trường ĐH Văn Lang) cho biết: “Năm 2017, Trường ĐH Văn Lang sẽ xét tuyển ngành kiến trúc với các tổ hợp là toán, khoa học tự nhiên, vẽ; toán, tiếng Anh, vẽ; văn, khoa học xã hội, vẽ; văn, tiếng Anh, vẽ. Do vẽ là môn thi chính nên nhà trường sẽ nhân hệ số 2”. Theo bà Thắm, thí sinh có thể thi môn vẽ ở Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và dùng điểm ở trường này để xét vào ĐH Văn Lang. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tổ chức thi năng khiếu vào ngày 30-6, ngày 1 và 2-7. Còn Trường ĐH Văn Lang sẽ tổ chức thi 2 đợt: đợt 1 vào ngày 7, 8 và 9-7; đợt 2 vào ngày 13, 14 và 15-7.
Cũng thắc mắc về môn thi năng khiếu, một học sinh khác hỏi: “Em thấy hàng năm Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng tổ chức xét tuyển riêng. Vậy năm nay hình thức tuyển sinh có gì thay đổi không?”. Bà Dương Thị Hồng Hiếu (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khẳng định: “Trường ĐH Sư phạm TP.HCM từ nhiều năm nay không tổ chức tuyển sinh riêng mà chỉ dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Năm 2017, trường vẫn sử dụng phương thức này. Riêng đối với một số ngành như giáo dục thể chất, sư phạm mầm non, sư phạm giáo dục đặc biệt… thì trường sẽ tổ chức thêm kỳ thi năng khiếu ngoài việc xét tuyển theo điểm bài thi THPT quốc gia. Năm nay, trường sẽ tổ chức kỳ thi năng khiếu vào ngày 2-7, các em nên vào website của trường để xem thông tin chi tiết”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Hỏi – Đáp tuyển sinh
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thường xét tuyển điểm chuẩn chung cho các ngành, và sau 1 năm học mới phân ngành. Vậy khi phân ngành sinh viên có được lựa chọn ngành mình thích hay phải theo sự sắp xếp của nhà trường? – một học sinh nữ Trường Trung học Thực hành hỏi. – Ông Nguyễn Văn Đương (Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết: Những năm trước, trường thường xét mức điểm chuẩn chung cho các ngành, chuyên ngành. Sau 1 năm, dựa vào kết quả học tập và nguyện vọng của sinh viên, trường mới sắp xếp theo ngành học. Năm 2017, một số ngành và chuyên ngành sẽ được tính điểm chuẩn riêng ngay từ đầu và học từ năm thứ nhất. Tuy nhiên, đối với những ngành có chỉ tiêu cao như tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh thì vẫn thực hiện như trước đây. Chương trình đào tạo theo chuẩn Nhật Bản của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dạy bằng tiếng Việt hay là tiếng Nhật. Nếu dạy tiếng Nhật, trình độ tiếng Nhật của sinh viên ở mức bao nhiêu mới học được? – Nguyễn Quốc Thịnh (lớp 12/1 Trường Trung học Thực hành) hỏi. – Ông Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết: Chương trình đào tạo theo chuẩn Nhật Bản của trường triển khai dưới sự hỗ trợ của Hội Doanh nghiệp Nhật Bản với mục tiêu là đào tạo những cử nhân, kỹ sư vừa giỏi chuyên môn, vừa vững tiếng Nhật. Khi trúng tuyển vào chương trình này, nếu các em giỏi tiếng Nhật sẽ học cực kỳ tốt. Tuy nhiên, nếu chưa biết tiếng Nhật, trường sẽ đào tạo cho các em từ đầu. D.Bình (ghi) |
Bình luận (0)