Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Để có thực phẩm sạch: Phải thực hiện truy xuất nguồn gốc

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-3, tại TP.HCM, đoàn giám sát của Quốc hội (QH) về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016” đã tổ chức hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật tại khu vực phía Nam. Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH TP.HCM Đinh La Thăng…

Tại hội thảo, ông Hiển, nhấn mạnh: ATTP là vấn đề được người dân rất quan tâm và được QH lựa chọn giám sát chuyên đề tối cao đầu tiên của khóa XIV. Đoàn đã đi giám sát tại 19 tỉnh, thành; làm việc với các bộ, ngành liên quan và nghe Chính phủ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP. Hiện nay, việc đánh giá mức độ ATTP còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng không ít địa phương đã tới “giới hạn đỏ”, gây bức xúc trong nhân dân.

Nói về kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho biết: Công tác quản lý ATTP đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập với nhiều con số đáng báo động. Mỗi năm cả nước sử dụng trên 110.000 tấn thuốc, hóa chất cho chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng thực phẩm. Bên cạnh đó, việc giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm ATTP còn phổ biến ở các địa phương. Hiện nay, cả nước có tới 29.557 cơ sở giết mổ, trong đó đa số là nhỏ lẻ, nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở này chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, công tác quản lý thị trường còn rất nhiều bất cập, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tràn lan. Việc xử lý vi phạm pháp luật chưa nghiêm, mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.

Về vấn đề mất ATTP, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết thêm: Trong giai đoạn 2011-2016, ngành y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%; số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% (năm 2015) lên 23,4% (năm 2016); tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% (năm 2015) lên 67% (năm 2016)…

Từ thực tế này, ông Cường cho rằng, nếu không kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ thì sẽ “mất kiểm soát”. Vì vậy, cần phải thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Riêng tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu, đề xuất: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở nuôi trồng tập trung (như giá thuê đất, thuế, vốn); khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết, sản xuất trong các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông hộ và doanh nghiệp cũng như các đối tác khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng đề nghị, QH cần sửa đổi Luật ATTP theo hướng đổi mới phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và sản xuất thực phẩm; quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND các cấp theo hướng tăng trách nhiệm, đồng thời giao quyền chủ động hơn trong công tác tổ chức, bộ máy, nguồn lực. Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao cũng như phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm.

Kết luận hội thảo, ông Hiển cho biết, những kiến nghị, giải pháp của các cơ quan chức năng, các chuyên gia đóng góp sẽ được ghi nhận để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về ATTP.

G.Nguyên

Bình luận (0)