Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Chuyện vỉa hè và cổng trường

Tạp Chí Giáo Dục

 

Cà phê 246 mấy hổm rày râm ran về câu chuyện vỉa hè. Vỉa hè là dành cho người đi bộ. Nhiều lần thành phố tu sửa, lát gạch, trồng hoa, trồng cây… dọc theo lề đường, nhằm làm cho vỉa hè thông thoáng, đẹp, mát. Nhưng nhiều năm người buôn bán lấn chiếm làm cho vỉa hè không còn chức năng phục vụ khách bộ hành, họ phải tràn xuống làn đường và tai nạn đã xảy ra…

Trận “ra quân” làm sạch, trả vỉa hè lại cho người đi bộ xuất phát từ quận 1, TP.HCM hơn một tháng nay. Nơi đây, một lãnh đạo quận đã đích thân chỉ huy dọn dẹp, tháo gỡ chướng ngại vật lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm nơi công cộng. Thật đáng hoan nghênh!

Một số anh em cà phê rất hào hứng với cách làm của quận 1, nay lan tỏa tới các quận khác của thành phố. Phải làm quyết liệt, dấn thân như vậy mới được. Người dân thành phố quá chán với phong cách bàn giấy của một số vị lãnh đạo, đa số chỉ hô hào chỉ thị mà không biết thực tế, thực địa là gì. Rồi lại sợ đụng chạm tới bà con, ngại mất “miếng cơm” của dân nghèo buôn thúng bán bưng. Phải có người như anh Đoàn Ngọc Hải (Phó Chủ tịch UBND quận 1) mới được.

Vài ý kiến tỏ ra nghi ngờ, sợ đánh trống bỏ dùi, làm kiểu phong trào, rồi đâu lại vào đấy. Một số khác lại cho rằng, cái gốc là dân sinh, phải tạo điều kiện cho những người bán hàng rong ở vỉa hè có chỗ kinh doanh, giảm miễn thuế mặt bằng; thậm chí có ý kiến còn cho rằng hàng rong là nét đặc thù văn hóa vỉa hè Sài Gòn, nên giữ lại…

Người viết bài này, nghe qua nghe lại cũng phát ngán. Để thỏa mãn hết mọi người thật khó phải không?!

Nhưng trước hết phải nhận thức thế này: Vỉa hè là của chung, Nhà nước quản lý, dành vỉa hè cho người đi bộ; buôn bán có nơi có chỗ; kinh doanh của nhà mặt tiền cũng chấp hành luật lệ chung; không vì lợi ích riêng, “nhân danh” nghèo khổ để chiếm dụng vỉa hè, người đi bộ không có lối đi, tràn xuống đường làm nghẽn tắc giao thông xe cộ lại bị tai nạn. Hoan hô địa phương nào tìm phương án khả thi vừa thỏa mãn nhu cầu buôn bán cho người nghèo vừa đảm bảo đường thông, hè thoáng. Còn nếu chưa làm được thì cũng phải buộc người lấn chiếm trả lại vỉa hè.

Đối với khu vực trường học, trường nào cũng có vỉa hè, cũng có cổng trường to rộng. Địa phương cần giúp nhà trường dọn dẹp hàng rong lấn chiếm. Trường cũng cần mở rộng cổng, dành một phần sân trường cho phụ huynh vào đón học sinh; không để cổng trường buôn bán nhếch nhác, phụ huynh tràn từ vỉa hè xuống lòng đường gây ách tắc giao thông. Phải thực hiện “cổng trường văn minh, sạch đẹp, an toàn” như khẩu hiệu treo trước cổng trường…

Long Phụng Sơn

Bình luận (0)