Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cú hích để nông dân làm ăn lớn

Tạp Chí Giáo Dục

“Nếu tỉnh nào cũng làm được như Hà Nam và một số tỉnh khác thì chắc chắn công cuộc đổi mới “khoán 10 lần hai” sẽ thành công và đem lại diện mạo khác biệt cho các vùng quê nông thôn”, bà Trần Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương nói về việc “xé rào” tích tụ ruộng đất.

Cú hích để nông dân làm ăn lớn
Người nông dân sẽ không phải ly hương mà sẽ trở thành công nhân trên chính mảnh ruộng của mình. Ảnh: Như Ý.

Đa dạng hình thức tích tụ

Theo đại diện VinEco – Tập đoàn Vingroup, chủ trương tích tụ ruộng phát triển mô hình nông nghiệp sạch quy mô lớn không chỉ là “cú hích” thu hút các tập đoàn kinh tế đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, mà còn có ý nghĩa kích cầu kinh tế cho cả khu vực nếu tận dụng chính sách hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tham gia trực tiếp vào chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương cho rằng, đất đai là vấn đề then chốt để doanh nghiệp quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, do quy định doanh nghiệp phải trực tiếp thỏa thuận để thuê lại đất của người dân nên nảy sinh rất nhiều vướng mắc “Nhiều dự án của công ty đã đổ bể chỉ vì không thỏa thuận được với 100% hộ dân. Ví dụ có nơi chúng tôi làm sản xuất lúa lai trên diện tích là 50ha. Nhưng chỉ cần một hộ với 1 sào không làm là dự án có thể phá sản. Do đó, nếu chính quyền không vào cuộc cùng với doanh nghiệp trong việc tích tụ đất đai thì rất khó”, bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, nếu không có sự “xé rào” của Hà Nam và một số tỉnh thì doanh nghiệp cũng khó mà triển khai thực hiện dự án. Bởi với 21 ha đất, liên quan đến 307 hộ dân, nếu doanh nghiệp trực tiếp đứng ra thỏa thuận thì khó mà tìm được 100% sự đồng thuận, vì sự “nghi ngờ” từ nhiều lý do khác nhau.

Tuy nhiên, theo bà Liên, cần phải tạo hành lang pháp lý cho việc tích tụ để cho doanh nghiệp an tâm. Theo đó, chính quyền có thể thực hiện việc tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê, nhưng cũng có thể để doanh nghiệp tự thỏa thuận cùng nông dân có đất tham gia vào chuỗi.

Nông dân góp đất và trở thành công nhân

Bà Liên khẳng định, mục tiêu của công ty không chỉ là sản xuất, làm ăn trên diện tích 21 ha được tích tụ mà sẽ mở rộng theo hướng huy động, vận động người dân tham gia sản xuất chuỗi giá trị của công ty. Khi đó, những mảnh ruộng vẫn do người nông dân làm chủ nhưng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ để họ sản xuất theo quy trình công nghệ cao, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Người nông dân sẽ không phải ly hương mà sẽ trở thành những người công nhân trên chính mảnh ruộng của mình. “Thu nhập người dân sẽ tăng lên. Sẽ có một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp từ câu chuyện tích tụ ruộng đất, sản xuất công nghệ cao này”, bà Liên nói.

Bà Liên tin tưởng rằng, những mảnh ruộng quanh khu vực dự án mà người nông dân xã Nhân Khang (Lý Nhân, Hà Nam) vẫn đang làm việc theo hình thức thủ công “cày cuốc” tới đây sẽ tham gia vào chuỗi giá trị của công ty. “Khi dự án của chúng tôi tạo ra sản phẩm, có giá trị thu nhập cao, thì những người nông dân bên cạnh sẽ nhận ra rằng, không thể duy trì cách làm ăn kiểu cũ. Họ sẽ thay đổi tư duy, cách làm để tham gia vào chuỗi giá trị cùng với công ty, từ đó có thu nhập cao trên những mảnh ruộng”, bà Liên tin tưởng.

Đại diện VinEco – Tập đoàn Vingroup cũng cho biết, đơn vị này đang triển khai nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ cho nông dân thông qua hình thức ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác với các hợp tác xã (HTX) và hộ sản xuất. Tính đến hết năm 2016, VinEco đã ký thỏa thuận với 250 HTX và hộ sản xuất trong các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây theo khuôn khổ Dự án liên kết 1.000 hộ sản xuất. Theo đó, VinEco sẽ tổ chức đào tạo định kỳ về kỹ thuật sản xuất, kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng… Các hộ sản xuất đủ tiêu chuẩn sẽ được kết nối, hướng dẫn cách tuân thủ tiêu chuẩn và làm thủ tục đăng ký VietGap. Sau đó, VinEco sẽ thu mua sản phẩm đạt chất lượng theo sản lượng đã cam kết.

Theo ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, tỉnh xác định, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ là làm lõi, tạo sự lan tỏa và dẫn dắt các hộ dân làm theo. Từ những doanh nghiệp trên sẽ tạo ra sự lan tỏa. Dự kiến, trong năm 2017, tỉnh sẽ cố gắng mỗi xã có một mô hình tích tụ ruộng đất với quy mô 10 ha đất trở lên trồng rau, củ quả sạch. Dự kiến năm 2017, Hà Nam tích tụ khoảng 1.000 ha đất, bình quân mỗi xã có ít nhất 1 mô hình tích tụ có quy mô 10 ha đất trở lên sản xuất nông sản tham gia vào chuỗi giá trị, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp có thương hiệu.

Bà Trần Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương cho rằng, đất đai là vấn đề then chốt để doanh nghiệp quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, do quy định doanh nghiệp phải trực tiếp thỏa thuận để thuê lại đất của người dân nên nảy sinh rất nhiều vướng mắc.

Ngọc Cương – Văn Kiên (TNO)

Bình luận (0)